Một loại trái cây của Việt Nam chuẩn bị được bán sang Mỹ vào ngày 18/5 tới

Kế Nguyễn Thứ hai, ngày 04/04/2022 10:37 AM (GMT+7)
Xác định Mỹ là thị trường tiềm năng, có sức mua lớn, ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Giang không ngừng nâng cao chất lượng trái vải, đáp ứng yêu cầu khắt khe về kiểm dịch, an toàn thực phẩm nghiêm ngặt từ phía bạn để xuất khẩu vải thiều sang Mỹ từ trong vụ vải thiều năm 2022.
Bình luận 0

Xúc tiến tiêu thụ vải thiều vào thị trường Mỹ

Vụ vải thiều năm nay do thời tiết thuận lợi, tỷ lệ đậu quả cao, sản lượng vải thiều của tỉnh Bắc Giang dự kiến đạt hơn 160.000 tấn, thời gian thu hoạch từ ngày 15/5 đến 30/7/2022.

Để tiêu thụ vải thiều thuận lợi, Sở Công Thương đã tham mưu với UBND tỉnh Bắc Giang sớm ban hành kế hoạch và triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để xúc tiến, tiêu thụ vải thiều, đặc biệt là chuẩn bị đưa vải thiều sang Mỹ. 

Ông Phạm Công Toản, Phó Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang cho biết: "Dự kiến ngày 18/5 sẽ xuất hành chuyến xe xuất khẩu vải thiều sớm Tân Yên đầu tiên xuất sang thị trường Mỹ, sau đó sẽ mở rộng đến thị trường Nhật Bản, Úc, Trung Quốc,…".

Đối với thị trường Trung Quốc, cùng với việc nắm bắt thông tin thường xuyên tại các cửa khẩu, cùng với việc đổi container chở vải thiều nhằm tránh tiếp xúc giữa các lái xe, tỉnh Bắc Giang còn lên phương án vận chuyển vải sang Trung Quốc bằng đường sắt.

Một loại trái cây của Việt Nam chuẩn bị được bán sang Mỹ vào ngày 18/5 tới - Ảnh 1.

Tỉnh Bắc Giang tập trung đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ, nâng cao chất lượng, có mã số vùng trồng và nâng cao chất lượng trái vải thiều trong quy trình canh tác. Ảnh: K.N

Để tạo điều kiện tiêu thụ vải thiều một cách thuận lợi nhất, Bắc Giang đã tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư, kết nối mời gọi các doanh nghiệp đến khảo sát, xây dựng nhà máy chế biến nông sản ngay tại vùng nguyên liệu của tỉnh.

Tỉnh Bắc Giang cam kết hỗ trợ doanh nghiệp thuận lợi nhất trong việc giải quyết thủ tục hành chính, tiếp cận đất đai, giải phóng mặt bằng, tuyển dụng lao động; đồng hành cùng doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh; tháo gỡ kịp thời các khó khăn vướng mắc, giúp doanh nghiệp sản xuất ổn định và phát triển.

Đồng thời, tỉnh cũng đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ, nâng cao chất lượng, có mã số vùng trồng và nâng cao chất lượng, kiểm soát các cơ sở chế biến có gắn QR code để khách hàng có thể biết tới thương hiệu cũng như quy trình canh tác của trái vải Bắc Giang.

Bà Đỗ Linh Nhâm - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu cho biết, Công ty đang phát triển sản phẩm trái cây tươi, sản phẩm đông lạnh, sản phẩm đồ hộp, sản phẩm nước ép trái cây vào các thị trường EU, Nhật Bản, Hàn Quốc. 

Một loại trái cây của Việt Nam chuẩn bị được bán sang Mỹ vào ngày 18/5 tới - Ảnh 2.

Tỉnh Bắc Giang tập trung kiểm soát các cơ sở chế biến có gắn QR code để khách hàng biết tới thương hiệu cũng như quy trình canh tác của trái vải thiều Bắc Giang. Ảnh: K.N

Để đưa vải thiều sang Mỹ, công ty đã đưa ra quy trình 6 bước (kiểm tra dư lượng; thu hoạch, sơ chế; vận chuyển chiếu xạ tại TP. Hồ Chí Minh; bảo quản lạnh sau chiếu xạ; di chuyển hàng ra sân bay).

Tuy nhiên, khi xuất khẩu vải thiều vào thị trường Mỹ, công ty đang gặp một số khó khăn như: Vận chuyển bằng đường hàng không chi phí cao, vận chuyển bằng đường biển mất nhiều thời gian từ 30-35 ngày, gây áp lực cho công nghệ bảo quản.

Đưa vải thiều sang Mỹ: Chất lượng là yếu tố sống còn

Để mở rộng xuất khẩu vải thiều sang thị trường các nước trong và ngoài khu vực, đặc biệt là thị trường Mỹ, tỉnh Bắc Giang đặc biệt quan tâm, coi trọng chất lượng, phẩm cấp của sản phẩm, coi đây là yếu tố "sống còn".

Ông Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang nhấn mạnh, Mỹ là thị trường tiềm năng, có sức mua lớn; tuy nhiên đây lại là thị trường khó tính, đòi hỏi chất lượng cao, với các yêu cầu về kiểm dịch, an toàn thực phẩm nghiêm ngặt. 

Để đáp ứng yêu cầu này, ngay từ đầu vụ, địa phương đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương phát triển các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ vải thiều, đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng; mở rộng diện tích vải thiều trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. 

Tuy nhiên hiện nay, vải thiều và các sản phẩm nông sản của tỉnh khi xuất khẩu vào thị trường Mỹ đang gặp phải một số khó khăn, nhất là khâu vận chuyển vải thiều bằng đường hàng không do chi phí còn cao.

Ngoài ra, tại các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc chưa có trung tâm chiếu xạ, chi phí về vận chuyển và chiếu xạ lớn, làm ảnh hưởng không nhỏ đến cơ hội xuất khẩu vải thiều của Bắc Giang sang thị trường Mỹ. 

Nông sản muốn vào thị trường Mỹ cần có mã định danh FDA; tuân thủ các quy định về nhãn mác, bao bì, phụ gia, các chỉ tiêu kiểm định mẫu; tuân thủ yêu cầu kiểm định, giấy chứng nhận SGS… 

Do vậy, ông Tuấn lưu ý, doanh nghiệp phải nghiên cứu thật kỹ thị trường, đánh giá đúng tiềm năng sản phẩm của mình tại thị trường hướng đến.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem