Dân Việt

Mắc giàn, chong bóng điện trồng thanh long cho ra quả trái vụ, nông dân Hải Phòng "bỏ túi" hàng trăm triệu/năm

Thu Thủy 28/04/2022 13:01 GMT+7
Những năm gần đây, nhiều hộ nông dân xã Bát Trang ( huyện An Lão, thành phố Hải Phòng ) đã mạnh dạn chuyển sang trồng thanh long ruột đot theo hướng hữu cơ cho leo giàn sắt. Đây là cách làm mới giúp nông dân tiết kiệm tối đa diện tích canh tác, tăng năng suất cây thanh long, cho hiệu quả kinh tế cao.

Anh Vũ Văn Thùy, thôn Trực Trang, xã Bát Trang ( huyện An Lão, TP Hải Phòng) là một trong những hộ đầu tiên trồng thanh long cho leo giàn cho biết, trước đây cả làng anh nhà nào cũng trồng thanh long theo kiểu cắm trụ bê tông riêng lẻ. 

Có nhà còn cho thanh long leo tự do ngoài bờ tường rào, trụ cổng…Trồng thanh long cho leo tự do tính bằng diện tích thì nhiều nhưng hiệu quả kinh tế không cao. 

Từ khi được phổ biến kinh nghiệm trồng và chăm sóc thanh long theo hướng hữu cơ làm giàn cho thanh long leo, anh Thùy đã mạnh dạn đầu tư trồng hơn 10 sào ruộng trồng thanh long theo hướng kỹ thuật mới này.

Clip: Anh Nguyễn Văn Trường – Giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ Trực Trang chia sẻ về mô hình trồng thanh long hữu cơ cho leo giàn sắt tại xã Bát Trang (An Lão, Hải Phòng). Video: Thu Thủy

Ngay vụ thanh long đầu tiên, anh Thùy đã nhận thấy trồng cây thanh long theo hướng này có khá nhiều ưu điểm. 

Thứ nhất, chăm sóc cây thanh long theo hướng hữu cơ sẽ cải thiện được độ tơi xốp và màu mỡ của đất, làm cho bộ rễ cây thanh long luôn chắc khỏe, sức đề kháng của cây tốt, sản lượng quả nhiều, chất lượng ngon, ngọt, vỏ căng mỏng.

Thứ 2, khi trồng thanh long theo hướng làm giàn leo sẽ tiết kiệm được khá nhiều diện tích. Mỗi héc ta đất trước đây nông dân chỉ trồng được khoảng 1000 trụ thanh long. Nhưng với cách trồng thanh long bằng giàn như hiện nay sẽ trồng được 2000-2500 trụ thanh long.

Hải Phòng:  Mắc giàn, chong điện trồng thanh long cho ra quả trái vụ, nông dân thu hàng trăm triệu /năm - Ảnh 2.

Cánh đồng bạt ngàn thanh long trồng theo ký thuật mới tại thôn Trực Trang, xã Bát Trang ( huyện An Lão, TP Hải Phòng) Ảnh : Thu Thủy

"Cây thanh long trước đây trồng bằng trụ, việc chăm, tưới, thu hoạch bắt buộc phải đi lại xung quanh từng trụ thanh long, người trồng thanh long rất vất vả và bất tiện. Nhưng trồng thanh long theo giàn thẳng tắp, rất thuận tiện cho việc chăm sóc đi lại.

Đến vụ, nông dân chỉ việc đẩy xe theo lối đi để thu hoạch quả, làm theo cách này tiết kiệm được rất nhiều thời gian và công sức" – anh Thùy chia sẻ thêm.

Hải Phòng:  Mắc giàn, chong điện trồng thanh long cho ra quả trái vụ, nông dân thu hàng trăm triệu /năm - Ảnh 3.

Trồng thanh long leo giàn sắt chi phí ban đầu nhiều nhưng hiệu quả kinh tế luôn cao hơn trồng trụ gấp 1,5 - 2 lần. Ảnh : Thu Thủy

Trò truyện cùng phóng viên, anh Nguyễn Văn Trường – Giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ Trực Trang cho biết, mỗi năm bà con nông dân thôn Trực Trang cung cấp ra thị trường khoảng 700 đến 1.000 tấn thanh long ruột trắng, đỏ. Với giá bán thanh long từ 18 -25 nghìn/ kg, thanh long trái vụ bán từ 35 -40 nghìn/ kg. Các thương lái tìm đến vườn thu mua, nhiều gia đình bán giao tại chợ đầu mối hoa quả của thành phố Hải Phòng.

Hải Phòng:  Mắc giàn, chong điện trồng thanh long cho ra quả trái vụ, nông dân thu hàng trăm triệu /năm - Ảnh 4.

Những giàn thanh long leo thẳng tắp rất thuận lợi cho nông dân chăm sóc và thu hoạch. Ảnh Thu Thủy

Theo anh Trường, thanh long là loại cây trồng có nhiều đặc tính ưu việt như trồng một lần và thu hoạch được nhiều năm. Loại cây này phù hợp với khí hậu và đồng đất tại nhiều nơi trong đó có Hải Phòng, chi phí đầu tư thấp, khả năng sinh trưởng tốt nên tốn ít công chăm sóc. Thanh long thường cho thu hoạch từ tháng 5 đến khoảng hết tháng 11 hàng năm. Trung bình mỗi năm thu hoạch từ 7 đến 11 lứa, mỗi lứa cách nhau khoảng 15-20 ngày.

Để thanh long cho năng suất và chất lương tốt, mỗi lần hái quả xong người trồng phải bổ sung dinh dưỡng cho cây bằng các loại phân hữu cơ ủ mục như phân gà, phân lợn, rơm rạ phủ quanh gốc, vừa để cải tạo đất, vừa hạn chế cỏ dại mọc.

Việc trồng cây thanh long theo hướng hữu cơ cho leo giàn sắt, đưa đến thị trường những sản phẩm thanh long luôn bảo đảm an toàn thực phẩm, lan tỏa thương hiệu thanh long xã Bát Trang trên thị trường.

Với cách làm này còn cho cây thanh long có số lượng cành và trái nhiều gấp 2 -3 lần so với cách trồng bằng trụ trước đây . Mỗi mẫu thanh long trồng sau khi trừ hết chi phí, nhà anh thu về khoảng 170-180 triệu đồng /năm.

"Mới đây, HTX còn ứng dụng thí điểm phương pháp chong điện để xử lý thanh long trái vụ (thường sử dụng vào những tháng cuối năm giá rét) để sưởi ấm cho cây, kéo dài thời gian ban ngày giúp cây quang hợp tốt, kích thích cây ra hoa trái vụ. Tăng thu nhập cho người trồng thanh long trong xã" – anh Trường nói.

Chia sẻ cùng báo Dân Việt, ông Phan Viết Lệ - Chủ tịch UBND xã Bát Trang cho biết, mô hình trồng cây thanh long theo hướng 100% hữu cơ cho leo giàn đang mở ra một hướng đi mới cho người trồng thanh long xã Bát Trang (huyện An Lão, TP Hải Phòng). Hiện, xã có khoảng 220ha cây ăn quả được trồng chuyên canh theo hướng sản xuất hàng hóa, trong đó 160ha vải và hơn 60ha thanh long.

Việc sử dụng phân bón hữu cơ như các loại mùn ủ, cành cây thanh long già cỗi khi cắt tỉa được băm nhỏ, ủ trộn và sử dụng để bón luôn cho cây vào mùa sau, chất thải trong chăn nuôi gia súc, gia cầm... thường cho chất lượng quả ngon, ngọt hơn hẳn việc bón phân hóa học. Thêm vào đó là tình trạng sâu bệnh cũng giảm rõ rệt.

Hải Phòng:  Mắc giàn, chong điện trồng thanh long cho ra quả trái vụ, nông dân thu hàng trăm triệu /năm - Ảnh 5.

Nông dân xã Bát Trang chong điện cho thanh long ra quả trái vụ. Ảnh: Thu Thủy

"Cuối năm 2021,sản phẩm thanh long của xã đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGap. Xã đang phấn đấu đển cuối năm nay, sản phẩm thanh long Bát Trang được công nhận là sản phẩm OCOP cấp thành phố" – ông Lệ trao đổi thêm.