Trồng hoa cúc dược liệu vàng cả cánh đồng, nông dân Hải Phòng hái bán kiếm bộn tiền
Trồng thứ cây trổ hoa vàng rực cả cánh đồng, nông dân Hải Phòng trẩy hội hái thu tiền rủng rỉnh
Thu Thủy
Thứ tư, ngày 08/12/2021 19:10 PM (GMT+7)
Trên cánh đồng 20 ha trồng hoa cúc dược liệu (thuộc xã Thắng Thủy, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng) đang được trải thảm màu vàng rực rỡ. Đây cũng là thời điểm bà con nông dân trong xã bước vào mùa thu hoạch.
Cúc dược liệu người dân địa phương còn gọi là cúc chi hay kim cúc. Chúng khác hẳn với các loại hoa cúc khác bởi bông hoa chỉ to bằng cái cúc áo, màu vàng tươi, mùi thơm dịu nhẹ.
Hoa cúc dược liệu được dùng nhiều vào việc chế biến thuốc nam, thuốc bắc, chữa được nhiều chứng bệnh như hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu, đau mắt đỏ, chảy nhiều nước mắt, huyết áp cao, đinh độc mụn nhọt, sưng đau.
Tuy nhiên, gần đây cúc này còn được dùng trực tiếp uống như một loại trà quý, giúp thanh nhiệt, giải độc, tán phong… thậm chí còn đem sắc ngâm rượu uống chữa bệnh. Cây hoa cúc dược liệu đang là thứ cây trồng cho thu nhập ổn định của hàng trăm hộ dân nơi đây.
Clip: Nông dân xã Thắng Thủy, huyện Vĩnh Bảo, TP. Hải Phòng thu hoạch hoa cúc dược liệu. Clip: Thu Thủy
Đang nhanh tay thu lượm những bông cúc nhỏ nhắn vừa đủ độ chín trên tay ông Trần Xuân Am, thôn Lôi Đông, xã Thắng Thủy (huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng) chia sẻ, năm nào nhà ông cũng hơn trồng 3 sào cây hoa cúc dược liệu.
Năm nay, thời tiết bất thường, mưa nhiều nên cúc không được năng suất cao như những năm trước. Tuy nhiên, trung bình mỗi sào cũng đạt 3 tạ -3,5 tạ hoa cúc dược liệu tươi, nhà ông bán tươi tại ruộng với giá 28 – 30 000 đồng/ kg. Trừ mọi chi phí đầu tư, mỗi sào gia đình ông cũng thu về được 10 – 15 triệu đồng.
"Cúc dược liệu được trồng vào tháng trung tuần của tháng 8 dương lịch hàng năm và thu hoạch vào đầu tháng 12. Thời gian thu hoạch kéo dài từ 1 -1,5 tháng, hết lượt hoa này sang lượt hoa khác, mỗi lượt chỉ cách nhau từ 3- 5 ngày.
Trồng cúc dược liệu chủ yếu tốn công chăm sóc và thu hoạch, còn đầu tư giống vốn và phân bón không tốn kém. Đặc biệt hoa cúc chi ở đây được bà con trồng hầu như không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật" – Ông Am nói.
Trẩy hội hái hoa cúc chi
Vào vụ thu hoạch, hoa cúc nở rất nhanh, chỉ khoảng 3 – 5 ngày một lượt. Để sản phảm đạt chất lượng cao người trồng cúc dược liệu phải chủ động trong việc bố trí nhân công lao động để thu hoạch hoa tươi.
Đặc biệt, khi thấy hoa nở được khoảng 80% là phải khẩn trương thu hoạch hết trong vòng 2-3 ngày nếu không hoa sẽ tàn và mất đi tính dược liệu vốn có.
Thu hái hoa cúc là công việc rất nhẹ nhàng, ai cũng có thể làm được. Từ những người đã hết tuổi lao động đến các cháu thiếu niên đều có thể tham gia thu hoạch. Vào vụ thu hoạch nhà nào nhà nấy đều hối hả ra đồng hái hoa, trên cánh đồng lúc nào cũng vui như ngày hội
Ông Hoàng Đức Tuấn, thôn Lôi Đông, xã Thắng Thủy (huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng) cũng chia sẻ, gia đình ông đang trồng 4 sào cây cúc dược liệu, đến kỳ hoa nở rộ, hai vợ chồng không hái kịp gia đinhg cũng phải thuê, mượn thêm người hái hoặc đổi ngày công lao động cho gia đình người khác.
" Nhà nào không có người thu hái phải trả ngày công từ 200.000 - 300.000 đồng/người, tùy theo năng suất lao động"- Ông Tuấn cho biết thêm.
Trao đổi với Dân Việt chị Cao Thị Hằng, Giám đốc HTX Thắng Thủy cho biết, cây cúc dược liệu trước được một người dân đem từ nơi khác về trồng thử rồi nhân rộng sang một vài nhà. Thấy chúng dễ trồng lại đem lại hiệu quả hơn trồng rau, cấy lúa nên nhiều gia đình đã chuyển sang trồng hoa cúc dược liệu, diện tích trồng cúc dược liệu trong xã cứ tăng dần theo thời gian.
Năm 2019, HTX Thắng Thủy đã đứng ra quy vùng sản xuất, hướng dẫn cách chăm sóc hoa cho người dân trồng hoa có hiệu quả kinh tế và nâng cao chất lượng sản phẩm đồng thời bao tiêu sản phẩm cho bà con.
Từ 12 ha diện tích ban đầu HTX Thắng Thủy quy vùng sản xuất đến nay diện tích trồng hoa cúc thảo dược đã được tăng lên trên 20 héc ta với hàng trăm hộ dân tham gia trồng thứ cây quý này.
Theo chị Hằng, cây hoa cúc dược liệu rất phù hợp với đồng đất bãi bồi ở đây. "Cúc dược liệu dễ trồng như cây khoai lang, cứ đặt là lên bời bời. Nếu năm nào không bị mưa úng thì nông dân không phải lo lắng nhiều…", chị Hằng chia sẻ thêm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.