Trước thực trạng ngày càng khan hiếm, suy thoái nguồn gen của 3 loài lan bản địa quý hiếm, gồm: lan hài vân bắc, lan hài lông và lan thủy tiên hường, năm 2017 Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Xuân Liên (Thường Xuân) triển khai và thực hiện đề tài cấp Nhà nước “Nghiên cứu bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn gen lan hài vân bắc, lan hài lông và lan thủy tiên hường cho vùng Bắc Trung bộ” (giai đoạn 2017-2021).
Đây là đề tài thuộc Chương trình “Bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Lan hài vân bắc, hay còn gọi là hài tía hay thiết hài. Đây là loài lan đất, thân ngắn. Lá sát đất hình bầu dục thuôn, dài 15 - 25cm, rộng 3 - 4cm, đỉnh nhọn, màu xanh đậm với các đốm màu xanh nhạt ở mặt trên, tái sinh bằng hạt.
Lan hài vân bắc mọc rải rác dưới tán rừng nguyên sinh và mọc ở các vách núi đá vôi dựng đứng trên cao độ 1.000 - 1.500m trong các khe nứt hay hốc đá ẩm, ít đất ở các vách dựng đứng gần đỉnh núi. Mỗi cây lan hài vân bắc chỉ cho một cần bông và mỗi cần bông chỉ cho một bông hoa duy nhất, mùa hoa thường vào tháng 3, tháng 4.
Cần hoa lan hài vân bắc cao khoảng 30cm, có lông, màu nâu đỏ. Hoa của lan hài vân bắc lớn kích thước khá to, khoảng từ 8 - 10cm.
Lan hài lông là loài cây mọc thành bụi nhỏ trên các hốc đá. Thân rất ngắn chìm dưới đất. Lá hình dải hẹp, màu bóng lục, đầu thót tù, dài 30 - 40cm, rộng 2 - 3cm, xếp 2 dãy. Cụm hoa lan hài lông dài 20cm, có 1 hoa, cuống có lông màu tím thẫm... Cũng như lan hài vân bắc, vẻ đẹp của lan hài lông khiến nhiều người say sưa tìm tòi, muốn được sở hữu.
Thủy tiên hường (hay còn gọi là lan phụ sinh), thân có hình con suối, đoạn giữa to nhất, nhỏ dần về phía gốc và phía ngọn, dài từ 30 đến 60cm, màu hoa tím hồng nhạt.
Các lá đài của lan thủy tiên hường hình mác, đinh hơi nhọn. Mọc rải rác trong rừng trên các cây to hoặc cây gỗ mục. Khả năng tái sinh bằng chồi và hạt. Các loài lan này có giá trị kinh tế cao, do vậy nhiều người dân ở các tỉnh đã khai thác để bán, cộng thêm tình trạng phá rừng diễn ra nhiều đã làm các loài lan này ít dần đi và đang có nguy cơ mất dần nguồn gen.
Ông Phạm Anh Tám, Giám đốc Khu BTTN Xuân Liên, cho biết: Hiện 3 loài lan này được xếp trong Sách Đỏ Việt Nam, hiện chỉ còn mọc rất ít trên các vách núi đá vôi, sườn núi và trên các cây gỗ lớn của rừng già thuộc các khu bảo tồn, vườn quốc gia các tỉnh Bắc Trung bộ.
Vì vậy, việc thực hiện đề tài khoa học trên sẽ giúp 3 loài lan rừng quý hiếm trên được bảo tồn nguồn gen và tránh được nguy cơ tuyệt chủng.
Sau 4 năm thực hiện đề tài, Khu BTTN Xuân Liên đã xây dựng khu nhà lưới rộng 1.000m2, điều tra bổ sung hiện trạng, vùng phân bố, giá trị kinh tế; xác định khu vực phân bố của 3 loài lan quý hiếm ở khu vực Bắc Trung bộ; xây dựng các quy trình kỹ thuật nhân giống, trồng, chăm sóc đối với 3 loài lan được lựa chọn...
Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên cũng đã xây dựng, sưu tập mô hình cây giống gốc 5.035 cây và 3 mô hình sản xuất cây thương phẩm đối với 3 loài, quy mô 45.320 cây giống (15.320 cây lan giống bằng phương pháp tách mầm chồi và nhân giống thành công 30.000 cây lan bằng phương pháp nuôi cấy mô).
Thời gian tới, Khu BTTN Xuân Liên (huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa) sẽ tiếp tục nghiên cứu, điều tra các loài lan quý trên để đưa ra giải pháp bảo tồn. Qua đó, giúp người dân miền núi có thêm nguồn thu từ việc trồng các loài lan quý, góp phần bảo vệ các loài thực vật quý hiếm, bảo tồn đa dạng sinh học tại các khu vực rừng tự nhiên.