Theo truyền thuyết hoàng tử con vua Thủy Tề sống chung với công chúa "nhà giời" là ở tỉnh nào?
Theo truyền thuyết hoàng tử con vua Thủy Tề sống chung với công chúa "nhà giời" là ở tỉnh nào?
Chủ nhật, ngày 24/04/2022 19:19 PM (GMT+7)
Như có một sức hút kỳ lạ, hoàng tử đã lên núi và gặp công chúa Thủy Tiên là một trong 9 công chúa xinh đẹp của Ngọc Hoàng vì mê say cảnh sắc vùng hồ Thác Bà - sông Chảy thường trốn xuống trần gian
Động Thủy Tiên là điểm đến không thể bỏ qua của du khách khi tham quan, thưởng ngoạn vẻ đẹp của hồ Thác Bà, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái.
Truyền thuyết kể rằng, hoàng tử Trọng Hải là con trai vua Thủy Tề, trong một lần dạo chơi trên sông Chảy thấy một ngọn núi cao mát lạnh.
Như có một sức hút kỳ lạ, hoàng tử đã lên núi và gặp công chúa Thủy Tiên là một trong 9 công chúa xinh đẹp của Ngọc Hoàng vì mê say cảnh sắc vùng Thác Bà - sông Chảy thường trốn xuống trần gian.
Khi tình yêu của họ nảy nở và rồi không thể rời xa nhau, vua Thủy Tề và Ngọc Hoàng đã cùng tạo ra hang động này để hoàng tử và công chúa chung sống hạnh phúc.
Khám phá động Thủy Tiên, du khách có thể thấy ngay trung tâm hang là cung điện trong câu truyện truyền thuyết với 3 cột đá trong tổng số 9 cột đá của hang động.
Gần cửa thông gió là hình một con đại bàng được tạo nên từ nhũ đá mà theo truyền thuyết là chim đại bàng do Ngọc Hoàng giao túc trực để đưa công chúa Thủy Tiên về trời khi có việc cần sai bảo. Vào sâu nữa là đến cung điện của hoàng tử Trọng Hải, tại đây có cột đá thứ 4 của hang động. Thật đặc biệt, khi gõ vào sẽ phát ra âm thanh như tiếng cồng chiêng.
Trong cung điện của hoàng tử, hai dải nhũ đá chảy thẳng xuống và bên cạnh là nhũ đá hình trái tim. Hai dải nhũ đá đó là lời căn dặn của vua cha: "Làm việc gì cũng phải thẳng thắn nghiêm minh”. Hình trái tim là lời dặn dò của thân mẫu: "Làm việc gì cũng cần phải có tâm”.
Điểm nổi bật hơn cả là trong cung điện của công chúa Thủy Tiên là nhũ đá rủ xuống thành hình cánh tay, theo truyền thuyết thì đó là cánh tay của hoàng tử.
Tại cung điện, có lối đi lên tầng thứ 2 của hang động, đi ngược theo vách đá vào sâu 100 mét sẽ có một lối lên tầng hang động thứ 3. Đó sẽ là những đoạn truyền thuyết đang chờ được khám phá trên những nhũ đá ở đó…
Theo ông Vũ Tuấn Mạnh - Trưởng phòng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Yên Bình, (tỉnh Yên Bái) huyện đang tập trung thu hút các nguồn lực đầu tư để phát triển Khu du lịch Quốc gia hồ Thác Bà theo quy hoạch của Chính phủ và định hướng của tỉnh. Trong đó, xây dựng động Thủy Tiên trong quần thể Khu du lịch trở thành điểm đến hấp dẫn cho khách tham quan, góp phần khai thác thế mạnh, tiềm năng của vùng hồ Thác Bà.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.