Gần 20 năm qua, ông đã cất công sưu tầm, phục dựng văn hóa xa xưa của đồng bào các dân tộc sinh sống ở khu vực Đông Bắc ngay trên mảnh đất quê hương.
Gần 20 năm qua, ông đã cất công sưu tầm, phục dựng văn hóa xa xưa của đồng bào các dân tộc sinh sống ở khu vực Đông Bắc ngay trên mảnh đất quê hương.
Thỏa ước mơ
Ngày cuối tuần, chúng tôi theo chân ông chủ Làng Văn hóa Đông Bắc tham quan cơ ngơi tại tổ dân phố Cầu Cát, thị trấn Chũ (huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang).
Bên trong cánh cổng có in dòng chữ “Làng Văn hóa Đông Bắc” là hơn 4 nghìn hiện vật quý hiếm từ thời Lý, Trần cho đến thập niên 60, 70 của thế kỷ XX. Từ khu đất hoang bỏ không, sau gần 20 năm dốc hết vốn liếng, thu nhập có được từ công ty tư nhân, chi phí ông chủ đầu tư vào đây ước tính khoảng 100 tỷ đồng cùng nhiều mồ hôi, tâm sức.
Dừng chân bên bức tượng cô gái được trực tiếp khắc họa từ gốc cây già, ông bộc bạch: “Từ thời là sinh viên khóa 10, Trường Đại học Pháp lý (niên khóa 1985-1989, nay là Trường Đại học Luật Hà Nội) tôi đã đam mê sưu tầm đồ cổ. Những chuyến đi dã ngoại, tham quan, trong khi mọi người mang về cho người thân quà bánh thì trong ba lô của tôi phần lớn là chai, lọ, mảnh sành, hòn đá lạ, đồng tiền cổ… Người ta vẫn nói vui rằng những thứ cho không ai lấy thì tôi lại như bắt được vàng và nhiều khi dốc cả túi tiền để mua về rồi xếp đầy nhà”.
Ra trường, ông Tiến công tác tại Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội. Để có nhiều thời gian hơn cho việc sưu tầm văn hóa cổ truyền của dân tộc mà nhiều người cho là thú chơi hao tiền, tốn thời gian, đến năm 2010, ông quyết định xin nghỉ việc, mở văn phòng công chứng và văn phòng luật sư tư nhân.
Thủ đô Hà Nội đất chật không đủ chỗ để trưng bày nên năm 2003, ông bàn với vợ về quê mua đất để lưu giữ hiện vật mà bấy lâu nay cất công sưu tầm.
Lúc đầu, vợ con ông không đồng ý. Bởi vợ ông là dược sĩ lúc ấy đang công tác tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, 2 con trai cũng đang theo học ở TP Hà Nội. Tuy nhiên trước niềm đam mê quá lớn của ông Tiến, cuối cùng mọi người trong gia đình cũng ủng hộ.
Bao tiền của tích lũy bấy lâu, ông đổ vào xây dựng làng văn hóa. Ông không nề hà khi hằng ngày quần xắn móng lợn, tay dính đầy bùn đất để theo đuổi ước mơ của mình.
Theo ông, không gian văn hóa Đông Bắc có thể không mang lại giá trị kinh tế nhưng sẽ là nơi lưu giữ giá trị văn hóa xa xưa của các dân tộc phía Bắc, trong đó có đồng bào các dân tộc Cao Lan, Sán Chí, Sán Dìu, Tày, Nùng... cho muôn đời sau.
Có lẽ ngay từ khi mua mảnh đất này, ông đã có trong đầu quy hoạch tổng thể theo từng phân khu và xây dựng theo ý tưởng cá nhân.
Đường đi trong khuôn viên được lát gạch chỉ, thiết kế theo lối cổ nhuốm rêu phong; cầu làm bằng gạch phồng, cháy.
Thành công bước đầu của ông chính là đã tái hiện được một làng quê đậm chất Việt, tại mỗi nơi dừng chân đều bố trí các điểm nghỉ ngơi với những tiểu cảnh, hiện vật cổ như chiếc thau đồng, mâm đồng, chum gốm, xe máy, cối giã gạo, thuyền đập lúa…để mọi người tham quan, chụp ảnh.
Trong rất nhiều hạng mục công trình, kiến trúc gợi lại nét đẹp của làng quê Đông Bắc Bộ, chúng tôi dừng chân khá lâu bên những ngôi nhà cổ.
Chỉ về ngôi nhà gỗ phía trước mái lợp ngói âm dương rêu phủ thâm nâu, ông cho hay: "Năm 2007, khi nghe tin có gia đình người dân tộc Sán Chí ở xã Tân Mộc (Lục Ngạn) chuẩn bị phá nhà cũ, xây nhà mới, tôi vội liên hệ mua căn nhà gỗ lim này với giá 13 triệu đồng, tương đương với chi phí xây một ngôi nhà mới cho gia đình họ".
Không chỉ đam mê sưu tầm cổ vật ông còn rất yêu lịch sử. Mỗi hiện vật, nếp nhà, công trình nơi đây đều được ông kể lại gắn với những sự kiện, giá trị lịch sử như đồng tiền cổ, bộ quần áo dân tộc người Dao ở Sơn Động, nhà trình tường...
Sau đó, ông mang về sửa chữa những phần hư hỏng, xuống cấp, phục dựng lại từ 4 gian nhà cổ thành ngôi nhà 3 gian, hai chái. Trong nhà còn được chủ nhân bố trí không gian trưng bày cổ vật, không gian giới thiệu văn hóa tín ngưỡng người Việt Nam với nhiều hiện vật bằng đá, đồng được sưu tầm từ nhiều nơi.
Cách đó không xa là ngôi nhà trình tường đặc trưng của người dân vùng cao tại chính quê hương Lục Ngạn. Ngôi nhà rộng chừng 40 m2, tường dày 60 cm, cốt tường bằng tre ngâm được gia chủ cất công mua các vật liệu và mời nghệ nhân đồng bào dân tộc về làm.
Đặc trưng của nhà trình tường là phù hợp với điều kiện khắc nghiệt ở miền núi, mát mẻ vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông. Phía trái nhà còn có cối giã gạo, thuyền đập lúa. Nhìn ngôi nhà, chúng tôi không khỏi liên tưởng lại cuộc sống của người dân Lục Ngạn cách đây hàng chục năm.
Đằng sau khu nhà trình tường là bức tượng giới thiệu về truyền thuyết con cháu Lạc Rồng do ông tự tay làm.
“Quá trình đi cùng công nhân khai thác đá trên rừng Hàm Rồng (Lục Ngạn), nhìn xuống dòng suối thấy những viên đá to có rêu xanh bám theo, trông rất giống với những bào thai, tôi chợt nghĩ đến truyền thuyết Âu Cơ và Lạc Long Quân (còn gọi là sự tích trăm trứng nở trăm con) nên đã mang một số viên đá về chế tạo mô hình", ông Tiến nói.
Từ ý tưởng đến thực tế là cả một quãng thời gian rất dài mà nếu không có sự cố gắng, niềm đam mê thì rất khó thành hiện thực. Do là dân "ngoại đạo" nên để làm được bức tượng, dù lúc ấy đã ở cái tuổi ngoài tứ tuần, ông vẫn mày mò theo học khóa tạo hình tại Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp.
Quả không sai, "có công mài sắt, có ngày nên kim", sau một năm (2008) vừa học vừa nghiên cứu, ông đã hoàn thiện bức tượng với mong muốn những cháu học sinh sẽ dễ hình dung sự tích về nguồn gốc của dân tộc mình.
Bức tượng được chế tác bởi chất liệu làm từ xi măng trộn với cát, rơm, mật mía theo tỷ lệ đặc biệt có ý nghĩa tuyên truyền trực quan, giải thích nguồn gốc giống nòi cao quý con Rồng, cháu Tiên của dân tộc Việt Nam.
Điều đáng nói là tất cả các khâu từ tìm, mua vật liệu đến thi công đều do ông tự tay thực hiện. Những giọt mồ hôi, bao đêm không ngủ đã được đáp đền xứng đáng. Năm 2010, bức tượng của ông được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chứng nhận quyền tác giả.
Ở làng văn hóa còn có chiếc giếng cổ cũng được ông khôi phục lại. Phía sau giếng có tháp cao tầng được xây theo lối cổ đứng sừng sững trên triền đồi mà từ xa năm, sáu cây số người ta đã có thể nhìn thấy.
Bên trái có lầu thưởng nguyệt 2 tầng 8 mái xây theo lối kiến trúc đặc trưng của đời nhà Lý và trước đó có lầu nghinh phong mang đặc trưng kiến trúc thời nhà Trần. Đây là nơi buổi chiều hè ông ngồi hóng mát, đón gió trời và ngắm vườn vải thiều, vườn cam, bưởi bạt ngàn để cảm nhận không khí trong lành của làng quê yên bình.
Bắt tay xây dựng làng văn hóa từ năm 2003 và đến tháng 4/2021 mới chính thức khai trương. Chỉ trong một tháng, làng văn hóa đã đón gần 20 nghìn lượt người đến tham quan, tìm hiểu về lịch sử văn hóa vùng Đông Bắc Bộ.
Ông hy vọng dịch bệnh Covid-19 sớm được kiểm soát để nơi đây sẽ trở thành một trong những địa chỉ kết nối tour, tuyến du lịch trải nghiệm của du khách khi đặt chân đến huyện Lục Ngạn.