Thường mỗi gia đình sẽ có từ 2-4 đống chà tự cặm trên sông, mỗi người tự phân chia ranh giới riêng, cứ 2 lần trong tháng, cánh đàn ông cùng nhau dỡ chà bắt cá, rất vui và nhộn nhịp.
Hơn 15 năm ông Nguyễn Văn Nghiệp (Hai Nghiệp, Khóm 7, thị trấn Trần Văn Thời, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) gắn bó với nghề cặm chà bắt cá. Ông Hai Nghiệp chia sẻ: “Ở khúc sông này, ai muốn cặm chà cũng được, ngày xưa chủ yếu cặm chà để kiếm cá ăn, sau này cá đồng cũng có giá nên mình làm để có thêm thu nhập”.
Đống chà chủ yếu cặm ở chỗ nước hơi sâu, đất cứng; chà là những cây tre, cây trúc…, đặc biệt là không có gai. Bình quân chiều ngang đống chà khoảng 5 m, dài khoảng 10 m, tuỳ theo số lượng chà nhiều hay ít.
Nối gót cha mình, anh Nguyễn Văn Thế (Khóm 7, thị trấn Trần Văn Thời) cũng đam mê với nghề cặm chà. Anh Thế tâm sự: “Con cá đồng không giống như cá biển, khi dồn vào đường cùng nó sẽ “cắm đầu” xuống bùn để chạy thoát (đặc biệt là cá lóc và cá rô), còn cá biển thì trườn; vì thế mình phải lần viền chì sát đáy và phải dùng thanh trúc nhỏ để cố định lưới đáy rất cẩn thận”.
Theo bà con, trước đây lượng cá còn rất nhiều, đặc biệt cá to, có ngày thu hoạch được cá tra, cá thác lác cườm trọng lượng hơn 5 kg/con; còn bây giờ cá đã ít đi. Hiện tại, mỗi lần dỡ chà, bà con thu hoạch khoảng 10 kg cá, chủ yếu là cá rô phi, cá thác lác, cá rô…
Lấy công làm lời, khoảng nửa tháng bà con sẽ dỡ 1 lần (trong mùa hạn), thu nhập khoảng 1 triệu đồng từ tiền bán cá. Cứ thế, công việc dỡ chà kéo dài đến mùa mưa.