Angus Roxburgh - một nhà báo, phát thanh viên người Anh, cựu phóng viên hãng tin BBC của Anh ở Moscow và là tác giả của cuốn sách The Strongman: Vladimir Putin (Người hùng Vladimir Putin) - viết trong bài bình luận được đăng tải trên tờ The Guardian của Anh ngày 27/4 rằng, nhiều người ở phương Tây cho rằng, Ukraine đang chiến đấu vì chính nghĩa, còn chiến dịch quân sự của Nga là "hoàn toàn vô cớ". Dù Moscow có lên án sự bành trướng của NATO, hoặc Ukraine ngược đãi người Nga ở Donbass, thì NATO hay Ukraine rõ ràng không tấn công Nga. Nhưng Tổng thống Nga Putin đã phát động một cuộc chiến ở Ukraine vào ngày 24/2.
Theo đó, nhiều người ở phương Tây cho rằng, việc ủng hộ và hỗ trợ Ukraine là điều đúng đắn cần làm. Tuy nhiên, theo ông Angus Roxburgh, cách hỗ trợ mà phương Tây đang dành cho Ukraine không hoàn toàn đúng đắn để bảo tồn đất nước Ukraine.
"Cuộc chiến này càng kéo dài, càng có nhiều người Ukraine phải chạy trốn khỏi quê hương. Sự tàn phá sẽ càng nặng nề hơn đối với nhà cửa, đường phố, các thành phố, các ngành công nghiệp và nền kinh tế của Ukraine. Tuy nhiên, cách tiếp cận hiện tại của phương Tây để hỗ trợ Ukraine đánh bại Nga là cung cấp vũ khí cho mục đích đó (dù dứt khoát tránh can thiệp quân sự trực tiếp) chắc chắn sẽ kéo dài cuộc chiến. Các bước tiến của quân Nga có thể bị chậm lại, nhưng rất khó bị dừng lại, trong khi đó, sự tàn phá của chiến tranh sẽ tiếp diễn", ông Roxburgh viết.
Không ngày nào trôi qua mà không có một chính trị gia phương Tây cấp cao nào đó tuyên bố rằng Ukraine sẽ “thành công” và Nga đang “thất bại”. Điều này chắc chắn là động lực tinh thần. Nhưng nó rõ ràng là vô nghĩa, theo nhà báo Anh.
"Thực tế là ngày qua ngày, càng có nhiều thị trấn và thành phố (của Ukraine) bị phá hủy và sau đó rơi vào tay người Nga. Trong hai tháng, khu vực nằm dưới sự kiểm soát của Nga - ban đầu chỉ là những phần ly khai của Donbass - đã tăng lên có lẽ gấp 5 lần về diện tích", theo ông Roxburgh.
Nhà báo Anh thậm chí "mỉa mai" rằng, nếu Nga tiếp tục hứng chịu những “thất bại” - (theo lời các chính trị gia phương Tây) với tốc độ này, thì trong 2 tháng nữa, toàn bộ miền nam Ukraine sẽ tan hoang, các thành phố như Odesa sẽ giống Mariupol và nhiều người nữa sẽ thiệt mạng.
"Tệ hơn nữa, khi chiến tranh tiếp diễn, và ngày càng có nhiều thị trấn bị phá hủy, thì những người Ukraine đã chạy trốn sang các nước khác sẽ có ít khả năng trở về quê hương hơn. Bởi vì họ sẽ không còn nhà hoặc nơi làm việc để quay về. Có bao nhiêu công dân ở Mariupol sẽ trở về? Nếu mục đích của Nga là tiêu diệt Ukraine, thì cách tiếp cận của phương Tây đang giúp họ làm được điều đó", nhà báo Roxburgh lập luận.
"Chắc chắn, nếu cuộc sống của người dân Ukraine là mối quan tâm lớn nhất của chúng tôi thì phương Tây phải làm gì đó để ngăn chặn chiến tranh - ngay bây giờ. Còn việc khuyến khích người Ukraine tiếp tục chiến đấu, dù vì họ, chỉ khiến đất nước của họ càng bị phá hủy thêm", ông Roxburgh viết.
Theo nhà báo Anh, chỉ có hai cách để chấm dứt chiến tranh một cách nhanh chóng nhưng hầu hết các nhà lãnh đạo phương Tây đều không thích.
Một là NATO sẽ tham chiến và tiến hành một cuộc tấn công chớp nhoáng, quy mô lớn, quyết định để làm tê liệt các lực lượng Nga. Theo nhà báo Roxburgh, NATO sẽ cơ sở vững chắc dựa trên luật pháp quốc tế để làm như vậy. Khi Nga can thiệp vào cuộc nội chiến ở Syria, Tổng thống Putin đã tuyên bố rằng, đây là phản ứng của Nga trước yêu cầu từ chính phủ hợp pháp và được quốc tế công nhận của Syria: Chính quyền Assad. Vì thế, ở Ukraine, phương Tây cũng có thể làm điều tương tự khi chính phủ của Tổng thống Zelensky có lẽ sẽ rất hoan nghênh nếu NATO tham chiến.
Nhưng rủi ro liên quan đến lựa chọn này - một cuộc chiến tranh thế giới thứ 3 được kích hoạt - là rõ ràng, và đó là lý do tại sao phương Tây từ chối can thiệp trực tiếp vào cuộc chiến ở Ukraine, Roxburgh viết.
"Vì vậy, lựa chọn cuối cùng để chấm dứt cuộc chiến là thuyết phục Tổng thống Putin thực hiện lệnh ngừng bắn ngay lập tức, bằng cách mời Nga tham gia các cuộc đàm phán hòa bình toàn diện", nhà báo Anh cho hay.
Theo ông Roxburgh, các nhà lãnh đạo phương Tây không thích đàm phán với Tổng thống Putin. Nhưng họ đã buộc phải làm điều đó với cựu Tổng thống Serbia Slobodan Milošević, chỉ vài tháng sau vụ thảm sát tại Srebrenica và kết quả là thỏa thuận Dayton đã chấm dứt cuộc chiến ở Bosnia năm 1995.
Roxburgh cho rằng, để đưa Tổng thống Putin đến bàn đàm phán, tất cả mọi thứ sẽ phải được thảo luận - bao gồm biên giới của Ukraine, các lo ngại về an ninh lâu nay của Nga. Kết quả của các cuộc đàm phán không cần phải được xác định trước. Điều quan trọng là phải nói chuyện, chứ không phải là chiến đấu.
"Các nhà lãnh đạo phương Tây không thể tự mình thảo luận những vấn đề này", nhà báo Roxburgh tuyên bố. Tuy nhiên, theo ông, các lãnh đạo phương Tây hiện vẫn thà để Ukraine chiến đấu, với hy vọng đánh bại Nga hơn là ngồi xuống nói chuyện.
"Nhưng chắc chắn một điều rằng, Tổng thống Putin sẽ không bao giờ chấp nhận thất bại. Ông ấy đã đầu tư quá nhiều vào cuộc chiến này. Nếu các nhà lãnh đạo phương Tây nghĩ rằng, tuồn vũ khí cho Ukraine và khuyến khích Ukraine chiến đấu sẽ mang lại chiến thắng cho nước này, thì họ đang hiểu sai ý định và quyết tâm của Tổng thống Putin", ông Roxburgh nhấn mạnh và nói thêm rằng, bằng cách này hay cách khác, vì lợi ích của Ukraine, các nhà lãnh đạo phương Tây cần ngăn chặn cuộc chiến tiếp diễn "trước khi không còn gì ở Ukraine cần chúng ta bảo vệ".