Mỗi đơn vị cấp huyện trên địa bàn sẽ có 1 gian hàng để trưng bày các sản phẩm OCOP của địa phương. Tại ngày hội về sản phẩm OCOP lần này, nhiều du khách sẽ được tiếp cận với các sản phẩm đặc sản với chất lượng đảm bảo, nguồn gốc rõ ràng.
Với những lợi thế riêng, từng đơn vị đã khéo léo để sắp xếp làm nổi bật lên các sản vật vốn đã rất nổi tiếng của mình.
Trong đó, các sản phẩm nổi bật nhất của huyện U Minh là mật ong; huyện Năm Căn là cua Năm Căn; huyện Trần Văn Thời là cá khô bổi; huyện Ngọc Hiển là tôm khô Rạch Gốc. Ngoài ra còn có nhiều sản phẩm OCOP chất lượng ở ác địa phương.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Ngọc Lâm - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ngọc Hiển, cho hay: "Dịp này, gian hàng của huyện Ngọc Hiển có 6 sản phẩm OCOP 3 sao và một số sản phẩm tiềm năng, đặc sản của địa phương. Dự kiến trong 6 sản phẩm OCOP 3 sao, huyện sẽ chọn 2 sản phẩm để nâng lên 4 sao".
"Với thế mạnh khai thác và nuôi trồng thủy hải sản, sản phẩm đặc trưng của chúng tôi cũng hầu hết được chế biến từ thủy sản như: Tôm khô, cá khô, bánh phồng tôm,... Những năm qua, chúng tôi đã phối hợp với các cấp, các ngành xây dựng được những nhãn hiệu hàng hóa, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận", ông Lâm cho biết thêm.
Trong khi đó, bà Nguyễn Kim Hậu, doanh nghiệp đang phát triển sản phẩm yến sào Tỷ Vân Yến cho biết: "Khi được tham gia vào sự kiện, chúng tôi quảng bá được thương hiệu. Chúng tôi mong muốn khi tập hợp bà con lại được, tạo thành chuỗi cung ứng khi tham gia vào sản phẩm OCOP. Từ đó, chúng ta có nhiều cơ hội quảng bá sản phẩm yến xào của Cà Mau, tiến tới nâng cao giá trị cho người dân".
Đến nay, tỉnh Cà Mau có 77 sản phẩm OCOP đã được công nhận 3 sao trở lên; trong đó có 3 sản phẩm đạt 4 sao. Năm 2022, tỉnh có 40 chủ thể đã đăng ký đánh giá xếp hạng cho 62 sản phẩm mới và 13 chủ thể có kế hoạch nâng hạng cho 22 sản phẩm được chứng nhận.