Tối 28/4, Sơn Tùng M-TP tung ra MV ca khúc mới mang tên There's no one at all (tạm dịch: "Không có ai cả"). Trong MV, nam ca sĩ hóa thân thành một chàng trai mồ côi lớn lên trong cô nhi viện. Do thiếu vắng tình yêu thương, sự quan tâm, cậu trở nên bất cần, lêu lổng. Trong những giây cuối cùng của ca khúc, nhân vật chính đứng trên tòa nhà cao tầng, chọn cách kết liễu cuộc đời.
Là thần tượng có sức ảnh hưởng bậc nhất trong làng nhạc Việt hiện tại, MV của Sơn Tùng nhanh chóng gây tranh cãi. Nhiều bậc phụ huynh lên tiếng trên mạng xã hội khẳng định đây là một sản phẩm độc hại và sẽ không cho con xem clip.
Trong khi đó, ông Trần Hướng Dương - Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết, Cục này vừa gửi văn bản phối hợp với các đơn vị trực thuộc của Bộ Thông tin và Truyền thông để dừng phát hành MV "There's no one at all" của Sơn Tùng trên tất cả các nền tảng mạng xã hội.
Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sỹ mỹ học Nguyễn Thế Hùng khẳng định: "Các sản phẩm nghệ thuật dù sáng tạo đến đâu cũng phải đáp ứng yếu tố chân - thiện - mỹ. MV There's no one at all với những cảnh quay tiêu cực, u ám thể hiện sự thiếu hiểu biết xã hội của người nghệ sĩ. Một người làm nghệ thuật tỉnh táo và có tri thức sẽ không làm như vậy.
Chúng ta không thể phủ nhận rằng Sơn Tùng là một người có tài năng, qua đó sở hữu lượng fan khổng lồ, trong đó đặc biệt là giới trẻ. Là một người truyền cảm hứng, lại đã có kinh nghiệm hoạt động trong nghề, anh ấy hoàn toàn hiểu được hiệu ứng đám đông cũng như những tác động của sản phẩm văn hóa độc hại tới công chúng. Sự phi thẩm mỹ, thiếu chất nhân văn trong MV sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới chính những người theo dõi và ủng hộ nghệ sĩ này.
Tôi ủng hộ quyết định thu hồi của Cục Nghệ thuật biểu diễn, thậm chí cần có chế tài, biện pháp xử lý nghiêm ngặt đối với Sơn Tùng. Bên cạnh đó, là một người làm giáo dục lâu năm, tôi cũng khuyến cáo các bạn trẻ hãy tỉnh táo khi tiếp nhận những MV tiêu cực như thế này, chúng sẽ làm hỏng hệ sinh thái, tư tưởng của chính họ".
Trong khi đó, nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang khẳng định: "Với MV “There’s no one at all, Sơn Tùng M-TP đã cho thấy có rất nhiều vấn đề đặt ra với tác phẩm này:
Thứ nhất, xét về mặt nghệ thuật, dù là dòng nhạc nào đi nữa thì mục tiêu cuối cùng của sản phẩm âm nhạc ấy hướng đến vẫn là tôn vinh các giá trị nhân văn, làm con người trở nên sống tích cực, nhiều hy vọng và trân trọng cuộc sống hơn. Với MV “There’s no one at all”, Sơn Tùng đã bỏ qua yếu tố cơ bản của âm nhạc nói riêng, nghệ thuật nói chung, đó là giá trị nhân văn.
Một MV mà thổi vào đó lối sống bế tắc, ngại đối diện với những gai góc cuộc sống của giới trẻ, từ đó lựa chọn giải pháp quyên sinh là một điều thật khủng khiếp. Đó không phải là nghệ thuật. Nghệ thuật không dùng để kích động người xem hướng họ vào sự cùng quẫn của cuộc sống đến mức tự tử. MV này có thể xem là “một sự nguy hiểm của nghệ thuật thị trường”.
Thứ hai, xét về mặt hiệu ứng xã hội, MV này được thực hiện bởi một ca sĩ có lượng người hâm mộ trẻ phải nói là lớn nhất trên thị trường âm nhạc Việt Nam hiện nay. Một MV với lối miêu tả cuộc sống nhiều bế tắc, không lối thoát cho tương lai sẽ rất nguy hiểm nếu những khán giả tiếp cận sản phẩm này lại là người trẻ.
Nó sẽ tạo ra một hiệu ứng tâm lý xã hội tiêu cực, rất dễ trở thành “xu thế Domino” của người trẻ, nhất là khi chúng ta đã chứng kiến rất nhiều vụ việc quyên sinh đau lòng của các em học sinh khiến xã hội trở nên “bất an” như thời gian vừa qua.
Việc MV trên ra đời, sau 22 phút đạt số lượng view hơn 1 triệu thì chẳng khác gì một liều thuốc “kích động” gián tiếp, gây nguy hiểm cho xã hội.
Việc Cục Nghệ thuật biểu diễn đưa ra quyết định gỡ MV “There’s no one at all” của Sơn Tùng trên các nền tảng mạng xã hội là hoàn toàn đúng đắn, kịp thời. Điều này cho thấy thấy sự bám sát và ngăn chặn các nguy cơ rủi ro, mất an toàn an ninh mạng và an ninh xã hội của cơ quan chức năng".
Bàn về việc nhiều ý kiến cho rằng trước Sơn Tùng, không ít sản phẩm nghệ thuật cũng có yếu tố tự sát trong đó nhưng không bị "tuýt còi", ông Ngô Hương Giang cho rằng: "Việc một tác phẩm nghệ thuật đưa các yếu tố tiêu cực vào để phản ánh là điều không mới, song phản ánh cái tiêu cực để đưa ra biện pháp sống tích cực bằng con đường nghệ thuật, nhằm cảnh báo cho xã hội những tệ nạn, những yếu tố tiêu cực, hướng con người đến hy vọng sống lạc quan là điều cần khuyến khích, chứ không phải phản ánh cái tiêu cực để hướng con người đến bi kịch không lối thoát như trong MV của Sơn Tùng.
Một tác phẩm nghệ thuật nói chung hay âm nhạc nói riêng cần phải đặt trong bối cảnh xã hội cụ thể thì mới có thể khẳng định yếu tố tiêu cực đưa vào trong tác phẩm ấy chỉ là phản ánh hiện thực hay là một ý đồ "bắt trend", "câu view". Chúng ta không chấp nhận một tác phẩm nghệ thuật sống trên bi kịch của xã hội, càng không thể chấp nhận một tác phẩm âm nhạc triệu view “sống ký sinh trùng” trên nỗi đau của những gia đình vừa trải qua bi kịch mất con!".
Trao đổi với báo chí, ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT (Bộ TT&TT) khẳng định, MV của Sơn Tùng vi phạm khoản 4, Điều 3, Nghị định 144/2020/NĐ-CP quy định về hoạt động biểu diễn. Cục PTTH&TTĐT đang phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để có hướng xử lý chính thức.