Tôi sinh ra ở một vùng nông thôn nghèo của huyện Hậu Lộc. Tuổi thơ tôi gắn bó với dòng sông Lèn, với cánh đồng Phú Lương (xã Hưng Lộc) yên bình nép dưới bóng tre xanh. Hầu như chủ nhật nào, tôi cũng ra đồng cùng bố mẹ làm cỏ lúa, cắt cỏ, thả bò...
Tôi nhớ những ngày mưa về, nước sông Lèn lên nhanh. Cánh đồng trước làng đã gặt xong, chỉ còn trơ gốc rạ chờ con nước về. Khi cơn mưa đầu mùa đổ xuống đồng ruộng khô cằn, những vết nứt nẻ dần khít lại.
Cá từ trên nguồn trôi xuống sông, từ sông cái, sông nhánh trôi vào đồng ruộng. Đó cũng là lúc chúng tôi vào mùa săn cá đồng. Dân gian có câu nói: “Có nước thì có cá”. Trong ao, mương nước đầy, cá lóc, cá chép, cá rô... bơi lội tung tăng, từng chặp trồi lên mặt nước đớp bóng; cá trê, lươn, chạch... dụi bùn, sống dưới đáy bùn.
Hồi nhỏ, tôi đã từng nghe anh tôi giải thích về tập tính của loài cá đồng ở vùng đồng bằng, khi mùa mưa đến thì hay ngược con nước vượt lên. Những người ở quê có kinh nghiệm chài lưới như anh tôi gọi đó là những con cá “ức nước”. Đầu mùa mưa chính là mùa ức nước của lũ cá. Mùa ức nước là mùa cá sinh sản.
Lũ cá sau những tháng hè nóng nực, đồng khô nứt nẻ, ao hồ, nước khe cạn kiệt, vì thế khi có mưa đầu mùa là chúng “phỡn” ngay. Những con cái bụng mang đầy trứng, gặp lúc lũ lên, nước mưa trong mương, ao hồ tràn ra là ngược nước vượt lên tìm nơi đẻ trứng. Đó là cuộc “vượt vũ môn” thăng hoa để duy trì nòi giống nhưng cũng đầy bất trắc.
Cũng cần nói thêm, loài cá rô đồng rất dẻo dai, có thể di chuyển hàng cây số để tìm nơi đẻ trứng. Mỗi lần bị gai của nó đâm, đến tận hôm sau vẫn còn nhức. Vậy mà, khi trời mưa, chúng tôi lại tiếp tục rong ruổi để bắt chúng. Có thể nói, mùa cá lên đồng là đặc ân mà thiên nhiên ban tặng cho người dân quê tôi mỗi khi mùa mưa tới.
Ngày ấy sông Lèn hào phóng lắm, mỗi một đợt mưa lại cho tôm cá vừa nhiều vừa ngon. Chỉ cần chịu khó thì đi một buổi kiếm vài cân cá dễ... như chơi. Nhưng niềm háo hức tuổi thơ của tôi ngày ấy không chỉ là xô cá tươi ngon. Niềm đợi mong ngày ấy còn là hôm sau mẹ sẽ nấu những món thật ngon từ những con cá đồng tự tay mình bắt được...
Với tôi ngày ấy, cá đồng rất ngon. Cá đồng đầu mùa thịt mềm và béo, làm món gì cũng ngon. Tôi thích nhất món cá quả om chuối đậu của mẹ. Cá rô phi nướng chấm muối ớt thì ngon không thể chê. Thỉnh thoảng mẹ còn làm món canh chua cá quả hoặc cá quả kho tiêu... Sau những ngày mưa như thế, bữa cơm của tôi thật ngon lành.
Với tôi cho đến bây giờ, không gì bằng cảm giác đầm ấm nơi quê nhà trong những chiều mưa lạnh, cả nhà ngồi quây quần bên bếp lửa cháy xì xèo, ăn bữa cơm có cá đồng kho nghệ, nghe bố mẹ râm ran kể chuyện đồng, chuyện ruộng...
Tôi ra Hà Nội học đại học rồi về công tác trên thành phố, thi thoảng mới về quê nên không có thời gian đi bắt cá đồng như xưa. Nhưng mỗi lần thấy mưa về, tôi lại nhớ cảnh cá theo con nước lên đồng. Sáng nay, cơn mưa rào làm dịu đi cái nóng bức nhưng một lần nữa lại dậy lên trong tôi nỗi nhớ cồn cào về những hoài niệm xưa cũ. Nhân dịp rảnh rỗi, tôi quyết định bắt xe về quê, xin bám càng anh họ đi săn cá đêm.
Công việc của tôi là xách giỏ, kiểm tra nơm sau khi đặt ở ruộng, hay cầm giỏ cho các anh bắt cá từ nơm, chĩa ba cho vào... Chúng tôi đi từ chiều tối cho đến tận nửa khuya mới về. Tuy mệt nhưng ai cũng phấn khởi với thành quả sau một đêm lội nước với bốn chú cá lóc, vài chú cá rô phi... Nhưng quan trọng hơn tôi được sống lại những ngày ấu thơ với niềm vui ruộng đồng mà không phải ai cũng có được.
Có lẽ nhiều người không biết rằng, vào ban đêm, đi săn cá đồng thú vị và hiệu quả hơn nhiều so với đi ban ngày. Bởi, cá trê, cá lóc lớn thường rất tinh khôn. Ban ngày, nhiều nguy hiểm, chúng ít đi kiếm mồi mà núp trong đám cỏ, hang hốc nơi đáy nước.
Chúng đi săn mồi rộ nhất vào lúc chập choạng tối, khuya từ 9h – 11h. Vì, khi màn đêm buông xuống, ở trên bờ, lũ nhái, kiến, giun, dế bắt đầu bò ra khỏi hang để đi tìm kiếm thức ăn. Ở dưới nước, lũ tôm nhỏ, cá con cũng bắt đầu vào sát các mép cỏ ven bờ tìm nơi trú ẩn.
Mồi nhiều thì kẻ đi săn tất yếu cũng phải nhiều. Vào những lúc đó, lũ cá cũng bắt đầu áp sát các mép cỏ, mô đất ven bờ để rình mồi, táp mồi phằm phặp. Đôi khi, chúng còn lóc mình trườn lên các vạt cỏ ven đường để truy sát cho bằng được những con mồi xấu số.
Theo lời anh tôi, muốn bắt cá phải có kinh nghiệm, biết đường cá đi lên, con nước nào là có cá lớn. Cá lóc chửa vào đám ruộng nước, cắn ổ, đẻ trứng, trứng nở ra cá con. Cá lóc dẫn bầy cá con đi ăn, lúc đầu cá con bơi đặc nước, sau ít dần.
Người săn cá đi trên bờ ruộng, tay cầm nơm hay chỉa ba, nghe đâu có tiếng “bập... bập” thì lần đến, dùng nơm úp hoặc phóng chỉa ba mà bắt. Tiếng “bập... bập” là tiếng lóc đớp cá con. Cá trê ăn tạp, từ vật sống đến cây, trái, rau, cỏ. Cá lóc, cá rô chỉ thích ăn vật còn sống nên nếu câu người ta thường dùng giun, để nguyên con, hoặc nhái sống.
Vì nhớt giun khiến nó phát sáng trong đêm, giúp thu hút lũ cá. Giun hổ, hay còn được gọi là địa long, to bằng ngón tay cũng tốt. Tuy nhiên với giun cơm thì không nên, loại này sống gần nước, cá ăn thường xuyên như cơm bữa nên không thu hút bằng hai loại trên.
Phải nói sông, suối, đồng ruộng ngày xưa cá, tôm, cua, ốc... nhiều lắm vì môi trường trong sạch không ô nhiễm bởi thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ như bây giờ. Người ta cũng không dùng xung điện đánh bắt cá tôm. Vì thế, cá đồng nhiều vô kể, ăn không hết, nhà tôi còn đem nướng và phơi khô để ăn dần. Tuy nhiên ngày nay, với cách đánh bắt tận diệt, cá đồng ngày càng hiếm. Mẹ tôi lại xuýt xoa khi nhớ về cái thời “cá ăn không hết”.
Chiến lợi phẩm sau một đêm chong đèn bắt cá, tôi lựa những con cá lóc to, trứng đầy bụng rồi dùng que tre xiên ngang đem nướng lửa than hồng. Số còn lại, tôi đánh vảy, làm sạch ruột rồi kho với lá nghệ. Hình như đã rất lâu rồi, tôi mới được thưởng thức lại một bữa cá đồng thơm ngon như vậy.
Bây giờ, tôi còn nghe nói trong nhiều nhà hàng, không ít thực khách dù là người đi tìm đặc sản tôm biển, thịt rừng... vẫn kết thúc bữa ăn của mình bằng cơm trắng, cá đồng kho tiêu, đĩa rau lang luộc... Ấy, cái hồn quê, cái hương vị đậm đà chân chất ngàn đời, vẫn theo tôi và nhiều người đến bây giờ.