Lạ đời, trồng cỏ dại ở Sóc Trăng bán làm rau đặc sản, nhà nghèo ăn đã đành, nhiều nhà giàu thử rồi ghiền luôn

Thứ sáu, ngày 29/04/2022 13:01 PM (GMT+7)
Để nâng cao thu nhập cho người dân, những năm qua, thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng đã nhân rộng nhiều mô hình kinh tế có chi phí đầu tư thấp, dễ thực hiện, trong đó có mô hình trồng cây năn bộp-loại cỏ dại "bước" lên hàng rau đặc sản đồng quê.
Bình luận 0

Từ mô hình trồng năn bộp mà nhiều nông dân ở thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng có nguồn thu nhập khá, từng bước cải thiện đời sống. 

Bên cạnh đó, mô hình trồng cây năn bộp còn rất phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương là vùng trũng phèn, vừa tạo thu nhập cho nông hộ, vừa giải quyết việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi ở khu vực nông thôn.

Lạ đời, trồng cỏ dại ở Sóc Trăng bán làm rau đặc sản, nhà nghèo ăn đã đành, nhiều nhà giàu thử rồi ghiền luôn - Ảnh 1.

Trồng năn bộp giúp người dân nông thôn có thêm thu nhập.

Gần 7 năm trồng cây năn bộp, đến nay, gia đình ông Cao Văn Sáu Nhỏ, ở khóm Vĩnh Tiền, phường 3, thị xã Ngã Năm (tỉnh Sóc Trăng) có được cuộc sống khá ổn định. 

Khi mới ra ở riêng gia đình ông Nhỏ chỉ có 5 công ruộng. Do là vùng đất trũng và nhiễm phèn nên trồng lúa cho hiệu quả kinh tế không cao. Nhận thấy tiềm năng của loại cây năn bộp nên gia đình mạnh dạn chuyển sang trồng loại cây này.

Ông Nhỏ chia sẻ, hiện nay, mỗi ngày ông thu trên 100kg năn bộp, với giá bán sỉ cho thương lái từ 6.000 – 8.000 đồng/kg, trừ chi phí xong, ông còn lời từ gần 400.000 đồng – 500.000 đồng/ngày.

“Hồi trước cũng làm ruộng mà lợi nhuận thấp. Tôi đi nhổ năn mướn cho người ta, sau đó mình cũng lên vuông ruộng mình trồng năn. Trừ chi phí xong thì một tháng vậy cũng còn lời từ 8-9 triệu. Đời sống nhờ vậy cũng khá hơn lúc trước” - ông Nhỏ nói.

Thực tế, cây năn đã có từ lâu ở vùng đất trũng phèn. Trước đây được xem là loại cỏ dại phát triển tự nhiên và chỉ được coi là món ăn dân dã. Tuy nhiên, trong nhiều năm trở lại đây, rau năn được coi là rau đặc sản, được người tiêu dùng ưa chuộng nên được người dân trồng. 

Rau năn có vị ngọt thanh dùng để làm rau ăn sống, trộn gỏi, xào, nấu canh, nhúng lẩu, làm dưa v.v. Loại cây này nhẹ công chăm sóc và chi phí đầu tư thấp nên lợi nhuận thu về khá.       

Theo các hộ gắn bó với mô hình trồng cỏ năn, một năm, năn bộp sẽ cho thu hoạch trong thời gian khoảng 6 tháng. Trung bình 1 công đất trồng năn bộp, trừ các khoản chi phí xong, nông dân còn thu nhập gần 20 triệu đồng. Tuy thu nhập khá, nhẹ công chăm sóc, nhưng ngược lại người trồng năn rất cực công trong khâu thu hoạch.

Do vậy, những hộ trồng năn với diện tích lớn, thường phải mướn nhân công nhổ năn. Trung bình mỗi nhân công thu hoạch từ 3 – 5 giờ sẽ được trả công từ 100.000 đồng trở lên. Do đó, mô hình này còn góp phần giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi ở địa phương.

“Lớn tuổi không đi thành phố được thì ở nhà rảnh rỗi đi nhổ cỏ năn mướn. Nhờ đi nhổ cỏ năn thì bà con mình cũng có việc làm chứ ở không thì không biết làm gì, không có thu nhập” - ông Cao Văn Làng, ở khóm Vĩnh Tiền, phường 3, thị xã Ngã Năm nói.

Tuy xuất phát chỉ vài hộ trồng ban đầu, đến nay trên địa bàn phường 3 nói riêng và thị xã Ngã Năm nói chung xuất hiện khá nhiều hộ trồng năn bộp. 

Nhiều diện tích đất trũng phèn, sản xuất lúa kém hiệu quả hoặc không thể trồng trọt được người dân chuyển sang trồng năn bộp. Ngoài tiêu thụ tại chỗ ở địa phương, còn có thương lái từ thành phố Sóc Trăng và các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau và Hậu Giang cũng xuống thu mua hằng ngày. Nhờ vậy mà đầu ra của cây năn bộp ở thị xã Ngã Năm thời gian qua khá ổn định.

Ông Nguyễn Bá Chiến, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Nhân dân khóm Vĩnh Tiền, phường 3, thị xã Ngã Năm cho biết: “Ở địa phương này cũng có trên 10 hộ sản xuất, kinh doanh về mô hình trồng cây năn bộp. Nói chung cũng tạo được công ăn việc làm cho lao động xung quanh bằng cách đi nhổ năn mướn, cũng giúp bà con có công ăn việc làm. Rồi có thu nhập về cho gia đình. Thu nhập tương đối là ổn định.

Để mô hình trồng năn bộp tiếp tục phát huy hiệu quả kinh tế, ổn định lâu dài, thời gian tới, ngành chức năng địa phương cũng khuyến khích người dân trồng năn kết hợp với nuôi các loại cá đồng. Cách làm này nhằm tăng thêm thu nhập, góp phần đa dạng nguồn rau sạch, thủy sản và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.

Thạch Hồng (VOV-ĐBSCL)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem