Dân Việt

Nâng tầm giá trị cho di tích lịch sử văn hóa quốc gia đặc biệt Trung ương Cục miền Nam

Nguyên Vỹ 30/04/2022 13:20 GMT+7
Trong chiến lược tích hợp nguồn lực đa dạng của địa phương, di tích Căn cứ Trung ương Cục miền Nam xứng đáng là lựa chọn đầu tiên để tăng tốc phát triển du lịch Tây Ninh.

GS. TSKH. Trần Ngọc Thêm đề xuất, có thể xây dựng Khu du lịch Thủ đô Cách mạng miền Nam trên nền tảng Căn cứ Trung ương Cục. Bởi vì Trung ương Cục miền Nam là một di tích mang tính đại diện cao, không chỉ cho Tây Ninh, cho Nam Bộ, mà là cho cả nước.

Sống mãi ký ức Trung ương Cục miền Nam

Mỗi khi có dịp về thăm Trung ương Cục miền Nam (Tây Ninh), những cái tên như Lò Gò, Xa Mát, Kà Tum... lại ùa về trong ký ức người người lính già Nguyễn Văn Khanh.

Ông Khanh vốn là Thiếu úy, người từng sống và chiến đấu ở chiến trường Trung ương Cục miền Nam từ tuổi đôi mươi. Cư ngụ ở huyện Củ Chi, năm nay ông Khanh đã 82 tuổi.

Người người lính già Nguyễn Văn Khanh trong một lần trở lại thăm Căn cứ Trung ương Cục miền Nam. Ảnh: Nguyên Vỹ

Người lính già Nguyễn Văn Khanh trong một lần trở lại thăm Căn cứ Trung ương Cục miền Nam. Ảnh: Nguyên Vỹ

Từ Chiến khu D, ông Khanh được điều về Trung ương Cục miền Nam phụ trách trung đội vệ binh.

Ông Khanh kể, núi rừng miền Đông âm u, không một bóng người, nhiều cọp beo. Ban đêm nằm ngủ, mọi người phải mắc võng tít trên cao để không bị thú rừng tấ công.

Nhiều lần ông Khanh tham gia đi tải gạo. Đường đi gian khổ, hễ ông còn khỏe thì còn gạo đem về cho đồng đội ăn. Chẳng may ông bị ốm thì bao nhiêu gạo cũng không thể mang về. Nhiều khi thiếu thốn, bộ đội phải ăn lại cơm thiêu từ hôm trước.

Nhiều người bị thương nhưng không có thuốc gây tê. "Lúc dùng lưỡi liềm để tháo khớp cho bệnh binh, mọi người nhai lá thuốc hái trong rừng trị bệnh. Rồi dùng lời ca tiếng hát để xoa dịu nỗi đau", ông Khanh kể.

Đã có không biết bao nhiêu hy sinh và gian khổ; căn cứ Trung ương Cục miền Nam gắn liền với những ký ức không thể phai mờ.

"Sức khỏe không tốt như xưa nhưng có dịp, tôi vẫn muốn về thăm lại nơi tôi xem như quê hương thứ hai của mình" ông Khanh nói.

Ông Khanh đứng trước ngôi nhà tưởng niệm Thượng tướng Trần Nam Trung tại căn cứ Trung ương Cục miền Nam. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ông Khanh đứng trước ngôi nhà tưởng niệm Thượng tướng Trần Nam Trung tại Căn cứ Trung ương Cục miền Nam. Ảnh: Nguyên Vỹ

Theo TS. Nguyễn Văn Hiệu, Khoa Văn hóa học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, nói đến Tây Ninh, người ta thường nói đến 3 biểu tượng là không gian văn hóa núi Bà Đen, đạo Cao Đài và Căn cứ Trung ương Cục Miền Nam.

"Trong đó, di tích lịch sử văn hóa quốc gia đặc biệt Căn cứ Trung ương Cục Miền Nam là một biểu tượng cho truyền thống cách mạng của vùng đất Tây Ninh kiên cường", TS. Hiệu nói.

TS. Nguyễn Minh Mẫn, Trường Đại học Sư phạm TP.HCM thì cho rằng các giá trị thiêng liêng của các di tích cách mạng ở Tây Ninh có thể khai thác làm nơi về nguồn của du khách trong và ngoài tỉnh.

Ngay cả với thế hệ thanh niên, hoạt động về nguồn của các cấp Đoàn Thanh niên trong khu vực Đông Nam Bộ đều chọn Căn cứ Trung ương Cục miền Nam ở Tây Ninh.

"Phát huy giá trị lịch sử cách mạng là một trong những mũi nhọn phát triển kinh tế du lịch Tây Ninh", TS. Mẫn nhận định.

Xây dựng Khu du lịch Thủ đô Cách mạng miền Nam

Năm 2013, HĐND tỉnh Tây Ninh đề ra Nghị quyết về Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Tây Ninh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, phát huy giá trị lịch sử cách mạng để phát triển các sản phẩm du lịch là một trong các chiến lược phát triển du lịch của tỉnh Tây Ninh.

Khu di tích trưng bày những hình ảnh, hiện vật ở Trung ương Cục miền Nam. Ảnh: Trần Khánh

Khu di tích trưng bày những hình ảnh, hiện vật ở Trung ương Cục miền Nam. Ảnh: Nguyên Vỹ

Nghị quyết xác định, cần đầu tư bảo tồn di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn, lấy khu di tích Quốc gia đặc biệt Trung ương Cục miền Nam làm điểm nhấn.

Đồng thời nhà nước cần đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông đến các khu vực, các điểm du lịch để thu hút khách du lịch, theo nghị quyết.

GS. TSKH. Trần Ngọc Thêm, Trường ĐH Quốc gia TP.HCM là một trong những người có mặt trong chuyến khảo sát đặc trưng văn hóa, nhằm phục vụ phát triển du lịch Tây Ninh đầu tháng 4 vừa qua.

Theo GS. Thêm, Trung ương Cục miền Nam là di tích lịch sử - văn hóa đáp ứng tiêu chí mang tính đại diện cao, không chỉ cho Tây Ninh, cho Nam Bộ, mà là cho cả nước.

Tuy nhiên, 90% du khách đến Tây Ninh sẽ lựa chọn khu du lịch Núi Bà Đen. Số lượt du khách đến thăm tất cả các di tích lịch sử Cách mạng miền Nam chỉ chiếm có 2% như thực tế là không tương xứng.

Hệ thống giao thông hào bên trong căn cứ Trung ương Cục miền Nam. Ảnh: Trần Khánh

Hệ thống giao thông hào bên trong căn cứ Trung ương Cục miền Nam. Ảnh: Nguyên Vỹ

GS. Thêm phân tích, việc đầu tiên cần làm đối với một điểm đến du lịch là xây dựng thương hiệu.

Thương hiệu điểm đến du lịch là nét khác biệt đặc thù, mang tính cạnh tranh cao, cho phép nhận diện điểm đến, và lưu dấu ấn trong cảm nhận của du khách.

Tên gọi "Căn cứ Trung ương cục miền Nam" là tên gọi chính xác. Tuy nhiên, để phát triển du lịch thì tên gọi này chưa đáp ứng được những yêu cầu của một thương hiệu điểm đến du lịch.

Từ đó, GS. Thêm đề xuất tên gọi: Thủ đô Cách mạng miền Nam. Và việc cần làm tiếp theo là quy hoạch điểm đến du lịch để xây dựng Khu du lịch Thủ đô Cách mạng miền Nam.

Giữ chân du khách ở Trung ương Cục miền Nam

Căn cứ Trung ương cục miền Nam hiện được quy hoạch thành 2 khu vực, gồm khu di tích và khu tưởng niệm.

GS. Thêm đề xuất, quy hoạch của khu du lịch Thủ đô Cách mạng miền Nam nên có ít nhất là 4 phân khu:

1. Phân khu di tích các nơi ở và làm việc của các nhà lãnh đạo cách mạng (hiện đã có, nhưng cần tiếp tục bổ sung và hoàn thiện).

2. Bảo tàng Thủ đô Cách mạng.

Phòng trưng bày của khu du lịch Căn cứ Trung ương cục miền Nam hiện nay còn đơn điệu. Bảo tàng Thủ đô Cách mạng cần chỉ ra được những ưu thế về vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên đặc biệt của vùng phía Bắc tỉnh Tây Ninh.

Đó là những ưu thế giúp nơi này đáp ứng được yêu cầu của thủ đô cách mạng là bí mật, lưu động, hạn chế gắn chặt lâu dài với một địa điểm cụ thể.

Đồng thời, nội dung của Bảo tàng Thủ đô Cách mạng phải bao quát được toàn bộ lịch sử của cách mạng miền Nam nói riêng và Việt Nam hiện đại nói chung. Như một phụ lục so sánh, Bảo tàng còn phải nghiên cứu giới thiệu về thủ đô cách mạng của các nước bạn.  

Một du khách ngắm nhín bức tranh sơn dầu vẽ ông Nguyễn Văn Linh, nguyên Bí thư Trung ương cục miền Nam (1961-1964), Phó Bí thư trung ương cục miền Nam (1964-1975). Ảnh: Trần Khánh

Một du khách ngắm nhín bức tranh sơn dầu vẽ ông Nguyễn Văn Linh, nguyên Bí thư Trung ương cục miền Nam (1961-1964), Phó Bí thư trung ương cục miền Nam (1964-1975). Ảnh: Nguyên Vỹ

(3-4) Ngoài phân khu Di tích và phân khu Bảo tàng, khu du lịch Thủ đô cách mạng miền Nam cần có phân khu vui chơi - giải trí và phân khu ẩm thực - mua sắm.

Theo GS. Thêm, thực hiện được dự án với hệ thống 4 phân khu này, Tây Ninh có thể giữ chân du khách lâu hơn, trong thời gian từ 1 buổi đến 1 ngày.

Qua đó, du khách quốc tế và các thế hệ người Việt Nam có thể thu hoạch được một khối lượng tri thức rất lớn liên quan đến cuộc chiến tranh Việt Nam.

Với dự án này, khu du lịch Thủ đô Cách mạng miền Nam sẽ đáp ứng được cả  nhu cầu của du khách trong việc nghỉ ngơi, giải trí, tiêu tiền.

"Cũng với dự án này, Tây Ninh sẽ có đóng góp quan trọng cho đất nước trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của một di sản lịch sử - văn hóa vô giá, giúp làm sống mãi ký ức về một cuộc chiến tranh huyền thoại", GS. Thêm chia sẻ.