Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị chơi bài chòi tại Lễ hội Thống nhất non sông

Ngọc Vũ Thứ hai, ngày 30/04/2018 11:21 AM (GMT+7)
Kỷ niệm 43 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975-30.4.2018) và 46 năm giải phóng tỉnh Quảng Trị (1.5.1972-1.5.2018), tại Quảng Trị đã diễn ra Lễ hội Thống nhất non sông, giải đua thuyền, hội chơi bài chòi truyền thống với sự tham gia đông đảo của bà con nhân dân.
Bình luận 0

Sáng 30.4, tại Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương- Bến Hải, tỉnh Quảng Trị tổ chức Lễ Thượng cờ Ngày hội Thống nhất non sông mừng kỷ niệm 43 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, 46 năm giải phóng Quảng Trị.

img

Lễ Thượng cờ thống nhất non sông được sự quan tâm của rất đông bà con nhân dân.  Ảnh: Ngọc Vũ

Năm 1954, Hiệp định Giơnevơ được ký kết đã chia cắt đất nước Việt Nam thành hai miền Nam - Bắc, lấy Vĩ tuyến 17, nơi con sông Bến Hải hiền hoà của tỉnh Quảng Trị làm ranh giới hai miền.

Cuộc phân ly tạm thời tưởng chỉ kéo dài 2 năm và kết thúc sau khi tổng tuyển cử thống nhất hai miền Nam Bắc, nhưng thực tế đã kéo dài tới 21 năm. Cũng từ đây, dòng sông Bến Hải, cầu Hiền Lương “nối hai miền thương nhớ” trở thành biểu tượng của nỗi đau chia cắt và khát vọng thống nhất của cả dân tộc.

img

Những quả bóng bay sẽ đưa thông điệp hòa bình đi xa hơn. Ảnh: Ngọc Vũ

21 năm ròng rã thực hiện lời thề với Bác: “Đất này chỉ một ngọn cờ vàng sao” đã tạo một niềm tin, sức mạnh cho cả dân tộc viết nên khúc khải hoàn đại thắng mùa Xuân năm 1975, vĩnh viễn xóa bỏ sự chia cắt đau thương, non sông nối liền một dải, để “Bắc Nam sum họp một nhà” đoàn tụ, đoàn viên, thống nhất, thực hiện khát vọng thiêng liêng “ Độc lập, tự do và thống nhất đất nước”.

Kết thúc chiến tranh, cùng với khí thế cả nước, quân và dân Quảng Trị đã nỗ lực vượt qua sự tàn phá của chiến tranh cùng nhau xây dựng quê hương và đạt nhiều thành tựu.

img

Hội chơi bài chòi lần đầu tiên được tổ chức tại Lễ hội thống nhất non sông. Ảnh: Ngọc Vũ

Từ một vùng quê hầu như bị hủy diệt hoàn toàn trong chiến tranh như đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải, Thành cổ Quảng Trị, Đường 9 Khe Sanh, Đảo Cồn Cỏ, địa đạo Vịnh Mốc… nay trở thành những điểm tham quan du lịch thu hút du khách.

GRDP bình quân đầu người hiện nay tại Quảng Trị đạt hơn 36 triệu đồng. Sản lượng lương thực đạt trên 27 vạn tấn, với giá trị bình quân trên 60 triệu đồng/ha canh tác, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt.

img

Ông Nguyễn Đức Chính - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị tham gia chơi bài chòi cùng với bà con nhân dân, tạo sự thích thú cho mọi người và góp phần quảng bá nghệ thuật bài chòi đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể nhân loại. Ảnh: Ngọc Vũ

Đứng ở cầu Hiền Lương, ngắm dòng Bến Hải lặng lẽ trôi êm, cựu binh Nguyễn Văn Sỹ (72 tuổi, Hà Nội) xúc động cho biết, rất vui mừng khi nhìn thấy sự đổi thay ở hai bờ Bến Hải.

“Về đây tôi được bạn bè cho đi thăm các di tích lịch sử, những vườn cao su xanh tốt mọc lên trên hố bom đạn, những hồ tôm thu bạc tỷ nơi khi xưa là hầm hào pháo nổ… Thấy Quảng Trị ngày càng phát triển, nhân dân no ấm tôi vui lắm” – ông Sỹ nói.

img

Sau Lễ thượng cờ, giải đua thuyền với 14 đội tham gia đã được tổ chức. Ảnh: Ngọc Vũ

Sau Lễ thượng cờ, tỉnh Quảng Trị còn khai mạc lễ hội chơi bài chòi truyền thống với sự tham gia của đông đảo bà con nhân dân.

Ông Nguyễn Văn Hùng - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị, ông Nguyễn Đức Chính - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cùng nhiều lãnh đạo khác cũng đã tham gia chơi bài chòi để chung vui với bà con nhân dân.

Nằm trong chương trình, giải đua thuyền truyền thống cũng diễn ra sôi động trên sông Bến Hải với 14 đội đua (8 nam, 6 nữ) đến từ 9 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem