Những bộ phim về Giải phóng miền Nam hay nhất mà khán giả không nên bỏ qua

Anh Vũ Thứ bảy, ngày 30/04/2022 09:30 AM (GMT+7)
Kỷ niệm 47 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2022), những bộ phim đề tài chiến tranh lắng đọng cảm xúc và còn mãi với thời gian được khán giả "đào lại".
Bình luận 0

Giải phóng Sài Gòn (2005)

Dựa trên tác phẩm Sài Gòn - Bản hùng ca của nhà văn Hoàng Hà, bộ  phim Giải phóng Sài Gòn của đạo diễn Long Vân bắt đầu từ trận tấn công giải phóng Buôn Ma Thuột khiến Việt Nam Cộng hòa phải cầu viện quân sự của Hoa Kỳ, đồng thời tìm cách cố giữ Huế và Đà Nẵng; đến trận đánh chiếm ngã ba Dầu Giây nhằm chiếm Xuân Lộc, mở cánh cửa phía Đông để tiến vào Sài Gòn. Tiếp đến những trận pháo làm tê liệt sân bay quân sự Biên Hòa và Tân Sơn Nhất, đến việc Hoa Kỳ buộc Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức để lập nội các mới do Dương Văn Minh đứng đầu, đến sự kiện quân đội Hoa Kỳ sơ tán khỏi Sài Gòn bằng trực thăng.

Những bộ phim về giải phóng miền Nam không thể bỏ qua - Ảnh 1.

Giải phóng Sài Gòn vẫn luôn được coi là một trong những phim tiêu biểu nhất mô tả sự kiện ngày Giải phóng miền Nam 30/4. Ảnh: VTV

Bao trùm lên tất cả những sự kiện này là kế hoạch của Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh: Tiến vào Sài Gòn bằng 5 mũi, chiếm 5 vị trí trọng yếu nhất, phối hợp với lực lượng biệt động trong thành phố, tiến thẳng vào dinh lũy cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa, buộc Tổng thống Dương Văn Minh phải đầu hàng vô điều kiện mà Sài Gòn vẫn còn nguyên vẹn.

Giải phóng Sài Gòn được công chiếu lần đầu nhân kỷ niệm 30 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và được đầu tư kinh phí lên tới 12,5 tỷ đồng.

Việt Nam Cuộc chiến tranh 10000 ngày (1980)

The Ten Thousand Day War hay Việt Nam Cuộc chiến tranh 10000 ngày là một trong những phim tài liệu ấn tượng nhất và sớm nhất được làm ra với mục đích thể hiện cái nhìn đa chiều về cuộc chiến tranh chống Mỹ. Phim được đạo diễn bởi Michael Maclear và kịch bản do Peter Arnett chắp bút, vốn là một phóng viên của Associated Press tại Việt Nam thời kỳ 1962 đến 1975. Phim đoạt giải của Hội Giáo dục Quốc gia Hoa Kỳ và từng được VTV1 phát sóng đầu tiên vào năm 2005.

Những bộ phim về giải phóng miền Nam không thể bỏ qua - Ảnh 2.

Việt Nam Cuộc chiến tranh 10000 ngày đem đến cái nhìn bao quát về sự kiện 30/4. Ảnh: Moviemet

Trong tập 12 mang tên "Đầu hàng", phim mô tả khá rõ những thời điểm quan trọng như Nguyễn Văn Thiệu từ chức Tổng thống Việt Nam Cộng hòa chỉ vài ngày trước khi chính quyền Sài Gòn đầu hàng chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trong sự kiện 30/4/1975, hay Chiến dịch Huế - Đà Nẵng là một chiến dịch trong các chiến dịch lớn của cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Mùa xuân năm 1975 do Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam phát động…

Ngoài ra, một số đoạn phỏng vấn Nguyễn Văn Thiệu hay Nguyễn Cao Kỳ - Cựu Thủ tướng Việt Nam Cộng hòa cũng được lưu lại, cho người xem một cái nhìn bao quát về sự kiện 30/4. Việt Nam Cuộc chiến tranh 10000 ngày được khán giả IMDB chấm điểm 8,4/10.

Mùi cỏ cháy (2012)

Bối cảnh chính của phim là sự kiện Mùa hè đỏ lửa 1972 –  cuộc chiến tàn khốc nhất trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước, với trận chiến tại Thành cổ Quảng Trị. Nhân vật chính trong phim là bốn sinh viên trường Đại học Tổng hợp Hà Nội là: Hoàng, Thành, Thăng, Long theo lệnh tổng động viên lên đường nhập ngũ năm 1971, được huấn luyện tốc hành và sau cùng đã tham gia chiến đấu tại Thành cổ Quảng Trị năm 1972. Tại đây, Thành, Thăng, Long đã hy sinh còn Hoàng thì may mắn sống sót trở về.

Những bộ phim về giải phóng miền Nam không thể bỏ qua - Ảnh 3.

Mùi cỏ cháy tái hiện một trong những sự kiện khốc liệt nhất của cuộc chiến Giải phóng Miền Nam. Ảnh: Hãng phim truyện Việt Nam.

Phim đã được trao bốn giải Cánh diều vàng cho Phim điện ảnh xuất sắc, Âm nhạc xuất sắc cho nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Biên kịch xuất sắc cho Hoàng Nhuận Cầm và Quay phim xuất sắc nhất cho Nghệ sĩ ưu tú Phạm Thanh Hà tại Giải Cánh diều 2011.

Đặc biệt, nhân vật Hoàng dựa trên chính hình mẫu cố nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm lúc trẻ. Anh là một sinh viên cởi mở, vui tính, đi đâu cũng mang theo cây đàn ghi-ta. Trong một lần bị không kích, vì muốn cứu cây đàn mà Hoàng đã bị thương, phải đi điều trị và chịu tách biệt với ba người bạn của mình. Sau này, Hoàng là người duy nhất sống sót qua cuộc chiến và lưu trữ những kỷ niệm về những người bạn của mình.

Cánh đồng hoang (1979)

Được diễn bởi cố NSND Hồng Sến, bối cảnh chính là vùng Đồng Tháp Mười trong những ngày diễn ra cuộc Đấu tranh Giải phóng miền Nam Việt Nam. Vợ chồng Ba Đô và đứa con nhỏ sống trong một căn chòi nhỏ giữa dòng nước. Họ được Cách mạng Việt Nam giao nhiệm vụ giữ đường dây liên lạc cho bộ đội.

Những bộ phim về giải phóng miền Nam không thể bỏ qua - Ảnh 4.

Cánh đồng hoang còn là bộ phim chiến tranh thể hiện cho tinh thần "dựa vào sức dân mà đánh Mỹ". Ảnh TT

Tác giả tập trung khai thác nhiều vào cuộc sống thường ngày của đôi vợ chồng như việc trồng lúa, nuôi con, bắt trăn, bắt cá nhưng xen kẽ vào đó còn có những cảnh chiến đấu, cảnh ẩn nấp trực thăng Huey của quân đội Mỹ quần thảo khu vực đồng nước này nhằm phát hiện đội du kích hoạt động. Trong 1 trận càn, Ba Đô bị trực thăng Mỹ bắn trúng và hy sinh, để trả thù cho chồng, vợ Ba Đô đã đuổi theo, cùng đội du kích bắn rơi chiếc trực thăng.

Cánh đồng hoang từng đoạt huy chương vàng LHP Moscow năm 1981. Đó cũng là một trong hiếm hoi một bộ phim Việt thể hiện được vẻ đẹp gần như hoàn hảo từ biên kịch đến đạo diễn, từ quay phim đến âm nhạc. Ngoài ra, đây còn là bộ phim chiến tranh thể hiện cho tinh thần "dựa vào sức dân mà đánh Mỹ".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem