Dân Việt

Săn con đặc sản tinh ranh tên nghe "phì cười" trong rừng ngập mặn Thanh Hóa, nhà giàu, đại gia nay cũng muốn ăn

Vũ Thượng 02/05/2022 05:50 GMT+7
Thuỷ triều rút, người dân huyện Nga Sơn và huyện Hậu Lộc (tỉnh Thanh Hóa) tranh thủ lội ra bãi bồi bùn lầy ven rừng ngập mặn để săn con song song-một loại cua nước mặn. Xưa kia, con song song này chỉ nhà nghèo ăn, nay nhà giàu, đại gia cũng muốn nếm thử.

Con song song đặc sản hình dạng giống con cua đồng

Về các xã ven biển như: Đa Lộc, Hưng Lộc, xã Ngư Lộc, Hải Lộc…huyện Hậu Lộc (tỉnh Thanh Hóa) thường có những bãi bùn trải rộng hàng trăm ha, kéo dài từ chân đê đến chân mép sóng.

Clip lội bùn săn con song song ở bãi triều xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa

Khi thủy triều rút, bãi bùn lầy lộ ra cũng là lúc người dân địa phương, các xã lân cận cùng lội xuống biển bắt cá, tôm, cua…trong đó có loại cua nhỏ được người dân trực tiếp bắt gọi là con song song.

Những người đi săn con song song đa phần là phụ nữ trung niên. Con song song thường ẩn nấp dưới các lớp bùn sâu từ 10-20 cm, cách chân đê khoảng 30-100 mét.

Thanh Hóa: Lội bùn săn con song song ở vùng triều ven biển - Ảnh 2.

Con song song thường sống ở các bãi bồi bùn lầy ven khu rừng ngập mặn. Ảnh: Vũ Thượng

Bà La Thị Phượng (huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa) cho biết: "Chúng tôi đi bắt con song song theo con nước. Thường 1 tháng tôi đi bắt khoảng 15 ngày, những hôm nước sinh (biển không rút nước) thì tôi ở nhà làm việc khác. Cũng có tuổi nên tôi chỉ bắt khoảng 2 tiếng là về, chỉ bắt gần bờ thôi, khu vực bắt bùn lầy đến tận đầu gối".

Thanh Hóa: Lội bùn săn con song song ở vùng triều ven biển - Ảnh 3.

Chiếc xô dùng đựng con song song. Ảnh: Vũ Thượng

"Dụng cụ săn con song song rất đơn giản, chúng tôi thường mang theo một chiếc xô loại 5-10 lít đã cắt đôi, kèm đem theo cùng là túi lưới nhốt con song song khi bắt được", bà Phượng chia sẻ

Thanh Hóa: Lội bùn săn con song song ở vùng triều ven biển - Ảnh 4.

Con song song hình dạng giống con cua đồng. Ảnh: Vũ Thượng

Khác với con cua, con song song di chuyển rất nhanh trên mặt bùn. Khi phát hiện có tiếng động, chúng thường chạy thẳng về hang ẩn náu. Vì vậy, người dân phải rất am hiểu tập tính của con song song mới có thể chặn bắt chúng dễ dàng.

Khi phát hiện hang con song song ẩn nấp, những người phụ nữ dùng đôi bàn chân nhấn mạnh xuống lớp bùng cách hang con song song khoảng 20-30 cm. Do có tiếng động nên con song song từ bò từ trong hang ra, lúc đó chỉ việc dùng tay bắt.

Thanh Hóa: Lội bùn săn con song song ở vùng triều ven biển - Ảnh 5.

Con song song được bắt từ trong hang vẫn còn bám bùn. Ảnh: Vũ Thượng

Con song song ăn rất thơm ngon

Theo quan sát, con song song biển to gần bằng loài cua đồng trưởng thành thịt săn chắc hơn. Hai càng của con song song có màu trắng bạch, đều nhau, các chân màu nâu đất có những sợi lông nhỏ.

Con song song ở vùng biển Đa Lộc thường xuất hiện quanh năm. Mỗi khi ra biển bắt con song song, những phụ nữ ở các huyện Nga Sơn, Hậu Lộc (tỉnh Thanh Hóa) thường đi thành từng nhóm 3-5 người để hỗ trợ nhau khi cần thiết.

Thanh Hóa: Lội bùn săn con song song ở vùng triều ven biển - Ảnh 6.

Sử dụng vát lướt để đi săn con song song. Ảnh: Vũ Thượng

Lấm lem sau nhiều tiếng lội bùn bắt con song song, bà Nguyễn Thị Vốn (xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc) nói: "Tranh thủ những lúc nông nhàn tôi mới đi bắt con song song hôm nào bắt được nhiều thì bán, còn ít đem về nấu canh. Tôi mà đi khoảng 3 tiếng thì bắt được khoảng 2-3 kg con song, giá bán con song song giao động 40.000-50.000 đồng/kg".

Theo bà Vốn, xưa kia con song song nhiều vô kể, là món ăn dân giã của nhà nghèo. Nay con đặc sản gì cũng khan hiếm dần, kể cả con song song. Vì thế, từ một món ăn dân giã của người nghèo, nay con song song ngày càng được nhà giàu, đại gia ưa chuộng...

Thanh Hóa: Lội bùn săn con song song ở vùng triều ven biển - Ảnh 7.

Khu vực bắt con song song tại thôn Đông Hải, xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc. Ảnh: Vũ Thượng

"Do bắt con song song gần bờ nên có rất nhiều vật sắc nhọn nằm dưới lớp bùn, để tránh bị thương đâm rách chân, tay, tôi thường đeo hai lớp bao tay vải bảo vệ. Dù rất cẩn thận song nhiều hôm bị vật nhọn đâm xuyên, bàn tay tứa máu...", bà Vốn bộc bạch.

Thanh Hóa: Lội bùn săn con song song ở vùng triều ven biển - Ảnh 8.

Con con song được dùng để nấu canh hoặc làm bún riêu tại các nhà hàng với vị thơm, ngọt riêng. Ảnh: Vũ Thượng

Trước kia người dân chủ yếu bắt con song song về nấu canh cải thiện bữa ăn nhưng những năm gần đây, do được nhiều thực khách yêu thích nên khều dần trở thành món đặc sản. Bắt con song song cũng trở thành nghề giúp người dân ven biển huyện Hậu Lộc và Nga Sơn có thêm thu nhập những ngày nông nhàn.