Các doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu ở ĐBSCL cho biết, những ngày qua, giá cá tra nguyên liệu tiếp tục tăng với mức dao động từ 31.000-33.000 đồng/kg (tùy loại). Nguyên nhân giá loài cá nuôi rất nhiều ở miền Tây này lập đỉnh là nhờ thị trường xuất khẩu thuận lợi, trong đó Mỹ là nước mua nhiều nhất.
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VESEP), giá trị xuất khẩu cá tra sang Mỹ đạt hơn 160 triệu USD, tăng 123% trong quý I năm nay.
Tại thị trường EU, sau nhiều năm giảm sút, việc xuất khẩu loài cá da trơn này cũng tăng mạnh 86,2% so với quý I/2021, đạt 46,7 triệu USD. Một số nước khác cũng tăng mua cá tra của Việt Nam, như Hà Lan tăng 86%; Đức tăng 97%; Bỉ tăng 120%; Tây Ban Nha tăng 67%.
Trong đó, giá cá tra xuất khẩu sang thị trường Mỹ cao nhất, đạt trung bình 4,5 USD/kg. Đây là mức giá cao hơn cả mức đỉnh của năm 2019.
Hiện, thị trường Mỹ chủ yếu tiêu thụ phile cá tra đông lạnh cỡ lớn (7-9 oz; 8 - 10 oz và 10 - 12 oz). Trong khi cá thương phẩm đông lạnh cỡ 3 - 5 oz và 5 - 7 oz đang thiếu hụt.
Bên cạnh đó, giá cá tra phile đông lạnh xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc cũng cao hơn hẳn so với năm ngoái, trung bình từ 2,4 - 3,25 USD/kg (cùng kỳ năm ngoái ở mức 1,9 - 2,7 USD/kg).
Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đang xuất khẩu sản phẩm cá tra nguyên con/cắt xẻ bướm đông lạnh, bao tử cá tra đông lạnh, bong bóng cá tra khô, cá tra nguyên con bỏ nội tạng đông lạnh, da cá tra đông block đông lạnh... sang Trung Quốc.
Nhờ đó mà các cơ sở thu mua, sơ chế bong bóng cá tra cũng ăn nên làm ra, không khí sản xuất sôi động hẳn lên. Được biết, bong bóng, bao tử cá tra sấy khô có thể chế biến sâu thành nhiều món ăn có giá trị dinh dưỡng, được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng.
Ngoài thị trường Trung Quốc, sản phẩm bong bóng, bao tử cá tra cũng được xuất khẩu tiểu ngạch sang Lào, Campuchia.
Bà con các tỉnh miền Tây cho biết, mặt hàng cá tra đang bán rất chạy do các doanh nghiệp cần cá nguyên liệu, nâng mức giá thu mua.
Anh Toàn, người nuôi cá tra ở cù lao Tân Lộc (quận Thốt Nốt - TP.Cần Thơ) cho rằng, với giá cá tra như hiện nay, nếu người nuôi cá giỏi, ít bị hao hụt có thể thu lãi tới 8.000-10.000 đồng/kg.
Từ chỗ đang bị thua lỗ, người nuôi cá tra bỗng thu lãi cao, vì thế, tại địa phương đang có nhiều hộ tìm mua cá giống để thả nuôi trở lại. Điều này kéo theo thị trường cá tra giống cũng sôi động hẳn lên.
Ông Lê Văn Tám, một nông dân ương cá tra giống ở xã Mỹ Thành Bắc (huyện Cai Lậy, Tiền Giang) cho biết, dịp tết vừa rồi ông bán 40 tấn cá tra giống với giá 40.000 đồng/kg. Từ đó đến nay, giá cá tra giống liên tục tăng. "Kéo cá lên chưa tới bờ ao thương lái đã gom hết", ông Tám thổ lộ.
Hiện, ông Tám có 6 ao ương cá tra giống. Mỗi vụ thu hoạch 40-50 tấn cá tra giống. Hiện nông dân ương cá tra giống ở địa phương không còn cá giống để bán. Nguyên nhân do trước đó, nhiều nông dân bỏ không ương cá tra giống do thua lỗ. Một phần thời điểm này hay xảy ra dịch bệnh với cá tra giống chết nhiều.
Không chỉ nông dân được lợi từ con cá tra dịp này, mà các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra cũng thắng lớn. Đơn cử, Công ty CP Vĩnh Hoàn (VHC) ghi nhận doanh thu tăng liên tiếp trong 3 tháng, chủ lực là cá tra. Riêng tháng 2, doanh thu cá tra tăng mạnh đến 160%.
Lũy kế quý đầu năm nay, tổng doanh thu đạt hơn 3.200 tỷ đồng, tăng gần 80% so với cùng kỳ năm ngoái. VHC lên kế hoạch kinh doanh năm 2022 với doanh thu đạt 13.000 tỷ đồng, tăng 43,6% so với thực hiện năm 2021 và lợi nhuận trước thuế đạt 1.500 tỷ đồng, tăng 36,5% so với thực hiện năm 2021.
Công ty CP Thực phẩm Sao Ta (FMC) cho biết, tháng đầu năm họ ghi nhận doanh số gần 29 triệu USD, bằng 190% lần so với cùng kỳ. Còn quý I năm nay, doanh số tăng hơn 39%, lên mức 58,7 triệu USD.
Tại hội nghị ngành hàng cá tra năm 2022, các doanh nghiệp nhận định đà tăng của giá cá tra nguyên liệu và xuất khẩu sẽ kéo dài đến tháng 4 và đỉnh điểm trong cuối năm 2022-2023. Dự kiến xuất khẩu cá tra năm 2022 sẽ tăng khoảng 20-22% so với năm ngoái, đưa con cá thế mạnh này của Việt Nam trở lại thời hoàng kim.
Theo bà Tạ Hà - chuyên gia thị trường cá tra của VASEP, giá cá tra nguyên liệu tăng trong thời gian qua giúp cho người nuôi có động lực thả nuôi trở lại, tuy nhiên chi phí thức ăn, con giống, nguyên vật tư đầu vào cũng tăng nhanh không kém giá cá bán. Do đó, cho tới nay, cả người nuôi và doanh nghiệp chưa lời cao. Bù lại, yếu tố thị trường đầu ra đang tích cực và nhiều khả quan hơn trong các quý tới.
Chiến sự tại Ukraine vẫn chưa tới hồi kết nên điều này cũng là yếu tố gây ảnh hưởng không nhỏ và khó định hướng thị trường. Do đó, chuyên gia VESEP nhấn mạnh, cả doanh nghiệp và người nuôi cần thận trọng tính toán và cân đối giữa diện tích, sản lượng nuôi với biến động thị trường để tránh lặp lại khủng hoảng thừa như cách đây vài năm.