Giá cá tra tăng lên 30.000 đồng/kg, tại sao ngành chức năng khuyến cáo không nên nuôi ồ ạt?

Huỳnh Xây Thứ sáu, ngày 25/02/2022 13:54 PM (GMT+7)
Trước thông tin giá cá tra tăng lên 30.000 đồng/kg, ngành chức năng khuyến cáo người dân, các hợp tác xã và doanh nghiệp ở ĐBSCL không nên nuôi ồ ạt trong thời gian tới.
Bình luận 0

Hôm nay 25/2, tại TP Cần Thơ, Bộ NNPTNT tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch phát triển ngành cá tra năm 2022. Tại đây, các đại biểu cho biết, hiện nay, giá cá tra tăng lên 30.000 đồng/kg (loại con từ 0,8-1,2kg), tăng 5.000 - 5.500 đồng/kg so với thời điểm cuối năm 2021.

Giá cá tra tăng lên 30.000 đồng/kg: Ngành chức năng khuyến cáo không nên nuôi ồ ạt - Ảnh 1.

Trước thông tin giá cá tra tăng lên 30.000 đồng/kg, ngành chức năng khuyến cáo người dân, các hợp tác xã và doanh nghiệp ở ĐBSCL không nên nuôi ồ ạt trong thời gian tới. Ảnh: Huỳnh Xây

Ông Nhữ Văn Cẩn - Vụ trưởng Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản, Bộ NNPTNT) cho hay, trước tình hình giá cá tra tăng như hiện nay, ngành chức năng địa phương cần kiểm soát chặt cung cầu, tức sản lượng cá tra nguyên liệu không vượt quá nhu cầu thị trường.

"Không nên nuôi cá tra ồ ạt và kiểm soát tốt chất lượng cá tra giống ở ĐBSCL trong thời gian tới" - ông Cẩn nói.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam dự báo trong năm 2022, giá cá tra tăng khoảng 5%, có cơ hội tăng sản lượng xuất khẩu từ 20-22% so với năm 2021. 

Cũng trong năm 2022, dự báo thị trường nhập khẩu cá tra của Việt Nam sẽ phục hồi, tăng trưởng tốt, chủ yếu ở Trung Quốc, Mỹ, EU,...

Còn Hiệp hội Cá tra Việt Nam thì cho hay, từ tháng 2 đến tháng 4 tới, giá cá tra tăng ở mức 30.000 đồng/kg. Mức giá này khó có thể tiếp tục tăng thêm.

Để ngành cá tra phát triển tốt trong thời gian tới, Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho rằng, cần cải thiện chất lượng con giống và có các giải pháp hỗ trợ người dân, hợp tác xã và doanh nghiệp chế biến xuất khẩu do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Văn Hùng - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hùng Cá - một đơn vị nuôi và xuất khẩu cá tra lớn ở ĐBSCL cảnh báo, không nên nuôi cá tra ồ ạt trong thời gian tới.

"Khi người nông dân nuôi cá tra ồ ạt, dẫn đến cung vượt cầu khiến giá sụt giảm. Lúc này, doanh nghiệp sẽ hưởng lợi vì được mua trả chậm với giá thấp" - ông Hùng nói.

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NNPTNT chỉ đạo, các địa phương ở ĐBSCL phải kiểm soát tốt quy hoạch vùng nuôi cá tra, đưa quy hoạch này vào quy hoạch chung trong phát triển kinh tế của địa phương.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT cũng đề nghị các đơn vị có liên quan có giải pháp nâng cao chất lượng cá tra giống bởi nó quyết định chất lượng, năng suất về sau. Đồng thời, tăng cường phòng bệnh cho cá tra trong điều kiện thời tiết khó khăn như hiện nay.

Đối với doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu đầu tư kỹ thuật chế biến sâu, nhằm đáp ứng tốt nhu cầu xuất khẩu.

Trong năm 2021, diện tích thả nuôi cá tra ở ĐBSCL trên 5.856 ha, sản lượng cá tra thương phẩm đạt 1,52 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,62 tỷ USD. Trong năm 2022, ngành cá tra dự kiến sản lượng thương phẩm đạt trên 1,6 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1,7 tỷ USD.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem