Ông Nguyễn Minh Châu – Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Sơn cho biết: Cũng giống như các huyện của tỉnh Quảng Nam, huyện Quế Sơn bắt tay vào triển khai xây dựng NTM từ năm 2011. Thời điểm đó, xuất phát điểm của huyện còn thấp, hạ tầng kinh tế - xã hội nhiều khó khăn, sản xuất nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ; tổ chức sản xuất chưa bài bản; chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư kinh doanh.
Tuy nhiên, cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng hướng của các cấp chính quyền, đến nay, Quế Sơn đã đạt được những thành quả rất đáng ghi nhận.
Đến nay, toàn huyện có 6/11 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn xã NTM gồm: Quế Xuân 1, Quế Xuân 2, Quế Phú, Quế Mỹ, Quế Long, Quế Châu; trong đó có 01 xã (Quế Phú) đạt chuẩn xã NTM nâng cao, đây là tiền đề quan trọng để huyện Quế Sơn thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, tập trung cho các xã còn lại về đích NTM và phấn đấu đạt chuẩn huyện NTM vào năm 2025.
Ông Châu cho hay, để có được kết quả như ngày hôm nay là nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành, các tố chức chính trị - xã hội, cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, tạo được sự đồng thuận cao đối với chủ trương xây dựng NTM.
Đổi thay rõ nét nhất thời gian qua là cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng ngày càng khang trang; cơ sở văn hóa, giáo dục, y tế, môi trường có nhiều chuyển biến tích cực; tình hình an ninh nông thôn, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; hệ thống chính trị cơ sở được củng cố, kiện toàn, hoạt động phát huy hiệu quả; thu nhập và điều kiện sống của nhân dân được cải thiện đáng kể.
Theo ông Châu, ngoài những kết quả ấn tượng trên, hiện nay thực tế các xã phấn đấu đạt chuẩn NTM trong giai đoạn 2021-2025 có điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, thu nhập của người dân còn thấp, nhất là cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh… Vì vậy, huyện mong muốn nhận được sự quan tâm hơn nữa của các cấp, ngành để Quế Sơn có được nguồn lực tốt hơn đầu tư cho các xã.
Được biết, thời gian qua, ngoài nguồn lực hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, UBND huyện cũng đã xem xét cân đối nguồn ngân sách huyện, lồng ghép và huy động xã hội hóa nhiều nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, hạ tầng kỹ thuật để phục vụ nhu cầu dân sinh và phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho người dân.
Ông Châu cho biết, ngoài đổi thay ấn tượng về cơ sở hạ tầng, thì tình hình phát triển kinh tế - xã hội, thu nhập của người dân được nâng cao là điểm sáng của Quế Sơn sau hơn 10 năm xây dựng NTM.
Quế Sơn là huyện trung du của tỉnh Quảng Nam điều kiện tự nhiên, đất đai cơ bản thuận lợi cho việc phát triển kinh tế rừng, kinh tế vườn, kinh tế trang trại.... Những năm qua, các cấp, các ngành của huyện luôn quan tâm định hướng, vận dụng cơ chế chính sách để hỗ trợ thực hiện các mô hình phát triển kinh tế rừng, kinh tế vườn, kinh tế trang trại..., nhờ đó nhận thức của người dân về phát triển kinh tế rừng, kinh tế vườn, kinh tế trang trại... được nâng lên.
Qua triển khai thực hiện, đến nay nhiều mô hình kinh tế rừng, kinh tế vườn, kinh tế trang trại đã phát huy hiệu quả rõ rệt, cho thu nhập khá; các mô hình sản xuất kinh tế vườn ngày càng đa dạng cả về hình thức canh tác (chuyên canh, xen ghép, kết hợp...); chủng loại cây trồng, con vật nuôi mới phù hợp, hiệu quả được người dân đưa vào sản xuất.
Điển hình như một số mô hình kinh tế hiệu quả nổi bật như: trồng rừng gỗ lớn, trồng tiêu, nuôi gà tre Đèo Le tại Quế Long, trồng cây ăn quả tại Quế Phú, Quế Phong, Quế Hiệp, trồng rau sạch tại Quế Thuận, Đông Phú, Quế Phong, trang trại chăn nuôi heo thịt tại Quế Mỹ, trang trại nuôi heo mọi tại xã Quế Phong..., từ những mô hình này huyện Quế Sơn sẽ nhân rộng trong thời gian đến trên địa bàn huyện.
Ông Hồ Anh Trung - Chủ tịch UBND xã Quế Long (Quế Sơn) cho biết, hiện toàn xã Quế Long có hơn 90% số hộ nuôi gà, trong đó có 60 hộ chăn nuôi với quy mô lớn, 6 hộ nuôi gà giống để nhân bán, trong đó nổi bật là Hợp tác xã Nông nghiệp Quế Long. Các hộ chủ yếu nuôi giống gà tre truyền thống và gà kiến thả vườn (gà ta). Những năm qua, nhờ nuôi gà mà nhiều hộ vươn lên khá giả, ổn định cuộc sống. Điển hình là hộ Nguyễn Văn Công, Lê Văn Minh (ở thôn Lộc Thượng), Phan Thị Tiền (ở thôn Xuân Quê)… với thu nhập từ 200 - 300 triệu đồng/hộ/năm.
Ông Nguyễn Văn Công (55 tuổi, ở thôn Lộc Thượng), người nuôi gà tre lâu năm chia sẻ: "Điểm mạnh của giống gà này là dễ nuôi, sức đề kháng cao, thức ăn cũng dễ mua gồm bột bắp, lúa, phụ phẩm nông nghiệp. Hiện nay gia đình tôi nuôi 1.500 con/lứa, mỗi năm nuôi 3 lứa, cùng với đó là cung cấp giống cho các hộ nuôi trên địa bàn. Mỗi năm, từ việc nuôi gà, tôi lãi trên 200 triệu đồng".
Còn tại xã Quế Hiệp, nơi có thế mạnh về trồng rừng, được người dân tham gia tích cực, hiện toàn xã có khoảng 2.700ha rừng sản xuất, hơn 2/3 số hộ trong xã có rừng. Ngày càng xuất hiện nhiều hộ có thu nhập từ 100 - 150 triệu đồng/năm từ kinh tế rừng… , tập trung chủ yếu ở thôn Nghi Sơn.
Bình quân mỗi năm, người dân tại xã Quế Hiệp khai thác và bán khoảng 350ha, thu về không dưới 24 tỷ đồng. Giá trị thu nhập từ kinh tế rừng chiếm hơn 50% tổng giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp địa phương.
Tiêu biểu như hộ ông Đinh Hữu Hoàng (thôn Nghi Sơn) đầu tư phát triển mạnh cây keo lai hom theo hướng thâm canh để nâng cao giá trị kinh tế. Hiện nay, với 7ha rừng keo nguyên liệu, mỗi năm ông Hoàng khai thác bán ra thị trường khoảng 1,5ha và thu về hơn 100 triệu đồng. Với nguồn thu nhập khá cao từ cây keo, ông Hoàng có điều kiện xây mới nhà cửa, sắm sửa tiện nghi trong gia đình.
"Để đưa 5 xã còn lại cán đích xã NTM, xa hơn là hoàn thành huyện NTM vào năm 2025, huyện Quế Sơn còn rất nhiều việc phải làm. Vì vậy, địa phương mong muốn sự chung tay góp sức toàn của thể nhân dân, sự quan tâm hỗ trợ hơn nữa của các cấp, ngành, đặc biệt là nguồn vốn để Quế Sơn tiếp tục đầu tư cho các xã về đích NTM…", ông Nguyễn Minh Châu – Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Sơn kiến nghị.