Rào chắn những hố sâu "tử thần"
Phó chủ tịch UBND huyện Phù Cát Phạm Dũng Luận vừa chủ trì đoàn công tác cùng công an và nhiều cơ quan có trách nhiệm, kiểm ra việc khắc phục san lấp bột đá của Công ty CP Phú Tài tại xã Cát Nhơn, vào chiều 4/5.
Tại hiện trường, các hố sâu do hoạt động khai thác đất trái phép để lại tại thôn Chánh Nhơn, Liên Trì, xã Cát Nhơn từ khoảng 3 năm trước, có chiều sâu đến 10m, diện tích và khối lượng đất bị lấy đi rất lớn tạo thành sườn dốc thẳng đứng, có nơi mở hàm ếch rất sâu, đọng nước đục ngầu do bột đá san lấp.
Nguyên nhân xuất hiện các hố sâu tử thần, là do nhiều đối tượng khai thác trái phép, kiếm bộn tiền rồi biến mất, thay vì khắc phục sai phạm lại "phó mặc" việc khắc phục hậu quả cho người dân và chính quyền.
Trước áp lực nguy hiểm từ các hố sâu, UBND huyện Phù Cát, Sở TNMT đã xin ý kiến chỉ đạo từ lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định để khắc phục hậu quả tại các hố đã bị đất "tặc" để lại.
Tháng 4/2021, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh đã ký văn bản đồng ý chủ trương cho Công ty CP Phú Tài sử dụng bột đá và đá vụn phát sinh từ nhà máy chế biến đá Granite tại cụm công nghiệp Cát Nhơn, để thực hiện san lấp, phục hồi môi trường tại các hố sâu.
Theo ông Phan Gia Hiền – đại diện Công ty CP Phú Tài, doanh nghiệp đang thực hiện san lấp các hố tại xã Cát Nhơn, theo phương án được phê duyệt.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, còn một số tồn tại thiếu sót, sau khi báo chí phản ánh, Sở TNMT, UBND huyện Phù Cát kiểm tra chấn chỉnh, công ty đã khắc phục. Tất cả các hố sâu đều rào chắn, trong đó có 3 hố không giao cho công ty san lấp.
Trước lo ngại nhiều hố sâu trước khi đổ thải bột đá, không được xây dựng hộc đê bao cũng như việc san lấp đang thấp hơn so với mặt bằng cũ, ông Hiền lý giải: "Đối với 2 hố ở thôn Liên Trì, trong phương án không đề cập trong vấn đề xây hộc. Bởi những hố này nằm lọt thỏm giữa vách đất bị mất đi, nên xây hộc không ý nghĩa gì trong vấn đề ảnh hưởng khu vực xung quanh. Còn với 3 hố ở Chánh Nhơn, trước khi đổ thải, doanh nghiệp bọc kè ngang ở địa hình dốc để tránh việc chảy trôi bột đá ảnh hưởng ruộng, canh tác hoa màu của bà con xung quanh".
Cũng theo ông Hiền, trong thành phần bột đá mà doanh nghiệp san lấp, Sở TNMT tỉnh Bình Định chủ trì lấy mẫu và đưa đi giám định thì kết quả, bột đá không phải là chất thải nguy hại mà chỉ là chất thải rắn thường.
"Quá trình chế biến, ngoài bột đá còn có đá vụn phối trộn. Hiện tại, hiện trạng bề mặt thấp hơn 20 phân so với cốt nền, nhưng đây là khu vực san lấp trong thời gian dài nên có hiện tượng xuống cấp, đất chặt lại, đến mức này sẽ không có hiện tượng sụt lún", ông Hiền cho hay.
Hạn chế thấp nhất rò rỉ bột đá ra ngoài
Phó Chủ tịch UBND xã Cát Nhơn Nguyễn Thanh Tuấn cho biết, nhiều năm qua, người dân lo ngại hiểm hoạ từ những hố sâu này nên mong muốn việc san lấp nhanh gọn, để trở lại cuộc sống bình thường.
"3 hố ở Chánh Nhơn chưa san lấp, tại đây có độ dốc nếu san lấp từ trong ra ngoài thì rất khó khăn, bởi dòng nước chảy hướng về khu vực phía hạ du, sẽ ảnh hưởng đến bà con. Trong phương án cũng nêu rất rõ, đề nghị công ty làm đê vây, hạn chế đến mức thấp nhất rò rỉ nước bột đá ra ngoài", ông Tuấn nói.
Sau khi báo chí phản ánh vụ việc, UBND xã này đã có báo cáo xử lý và xin rút kinh nghiệm, tăng cường kiểm tra, giám sát doanh nghiệp san lấp theo đúng phương án đã được phê duyệt.
Theo Trưởng phòng TNMT huyện Phù Cát Tạ Công Thượng, chính quyền đã kiểm tra và yêu cầu Công ty CP Phú Tài khắc phục những nội dung báo chí phản ánh, liên quan đến đến việc không rào chắn, pha trộn vật liệu đảm bảo độ kết dính trước khi san lấp và ảnh hưởng trong quá trình vận chuyển.
"Trước đây doanh nghiệp đổ 5 đến 10 ngày mới san gạt, hiện tại đổ đến đâu san gạt đến đó, gọn gàng. Với những hố sâu liên quan đến dòng chảy bắt buộc phải làm bờ để chắn, còn các hố nằm trong ô khép kín thì trong phương án không cần. Đề nghị công ty tăng cường kiểm tra giám sát, khi vận chuyển qua khu dân cư thì không được rơi vãi ảnh hưởng đến người dân", ông Thượng đề nghị.
Phó chủ tịch UBND huyện Phù Cát Phạm Dũng Luận cho rằng, trong quá trình triển khai thực hiện, bước đầu Công ty CP Phú Tài chưa hoàn thành một số hạng mục theo đúng yêu cầu của phương án. Tuy nhiên, qua kiểm tra chấn chỉnh, doanh nghiệp thực hiện rất tốt, nếu xử phạt hành chính thì rất oan.
"Việc san lấp ở hố thôn Liên Trì là tốt rồi, nhưng hố ở Chánh Nhơn thì xây hộc cho đảm bảo vì còn ý kiến băn khoăn, lo ngại nước bột đá chảy ra ngoài. Nếu xây hộc chắn lại thì bột đá sẽ không chảy đi đâu được. Yêu cầu, UBND xã Cát Nhơn thường xuyên kiểm tra, giám sát nếu tiếp tục vi phạm thì xử lý nghiêm theo đúng quy định", ông Luận nhấn mạnh.
Chủ tịch tỉnh yêu cầu làm đúng quy định
Trước đó, Báo Dân Việt từng đăng loạt bài phản ánh, sau khi các đối tượng khai thác đất trái phép để lại nhiều hố sâu "tử thần" ở xã Cát Nhơn, đã "phó mặc" việc khắc phục hậu quả cho người dân và chính quyền.
Đáng lo ngại hơn, để "chữa cháy", UBND tỉnh Bình Định đã đồng ý phương án cho Công ty CP Phú Tài dùng đá vụn và bột đá để khắc phục những hố sâu này. Tuy nhiên, việc san lấp không đúng quy trình, "tự tiện đổ thải, không người giám sát" gây bức xúc.
Đặc biệt, xung quanh các miệng hố, không có bất kỳ rào chắn, người bảo vệ theo cam kết của Công ty Cổ phần Phú Tài.
Trả lời các câu hỏi xung quanh vụ việc các đối tượng lấy đất "lậu" kiếm bộn tiền, "phó mặc" để chính quyền xử lý hậu quả, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long thừa nhận, lỗi này do buông lỏng quản lý từ cơ quan có trách nhiệm, các cấp chính quyền địa phương.
Hiện tại, tỉnh đang triển khai công tác khắc phục những hố sâu do hoạt động khai thác đất trái phép để lại.
Sau khi báo Dân Việt phản ánh, trực tiếp Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã làm việc với Phó Chủ tịch thường trực Nguyễn Tuấn Thanh và yêu cầu xử lý dứt điểm vụ việc.
"Tôi đã giao nhiệm vụ cho anh Thanh, giao Sở TNMT yêu cầu Công ty Cổ phần Phú Tài làm lại toàn bộ theo đúng quy định và theo đúng đánh giá tác động môi trường", ông Nguyễn Phi Long nói.
Hiện tại, Công ty CP Phú Tài đã vào cuộc khắc phục những tồn tại báo chí phản ánh.