"Đất tặc" lộng hành, kiếm bộn tiền rồi biến mất: Chính quyền tỉnh Bình Định nói gì?

Dũ Tuấn Thứ ba, ngày 08/03/2022 16:45 PM (GMT+7)
Sau khi khai thác đất trái phép, doanh nghiệp để lại 3 hố sâu “tử thần” ở xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát, Bình Định, "phó mặc" việc khắc phục hậu quả cho người dân và chính quyền.
Bình luận 0

Đáng lo ngại hơn, để "chữa cháy", UBND tỉnh Bình Định đã đồng ý phương án cho Công ty Cổ phần Phú Tài dùng đá vụn và bột đá để khắc phục những hố sâu này. Tuy nhiên, việc san lấp sai quy trình, "tự tiện đổ thải, không người giám sát" đang gây bức xúc cho người dân.

Ai tiếp tay "rút ruột" tài nguyên?

Kinh hoàng đến mức khó tin, đó là cảm nhận của nhiều người khi tận mắt chứng kiến những hố sâu do hoạt động khai thác đất trái phép để lại tại thôn Chánh Nhơn, Liên Trì, xã Cát Nhơn. Những hố sâu này đã trở thành nỗi ám ảnh khiếp sợ thường trực của người dân nơi đây. 

Các hố có chiều sâu đến 10m, diện tích và khối lượng đất bị lấy đi rất lớn tạo thành sườn dốc thẳng đứng, có nơi mở hàm ếch rất sâu đọng nước, đáng báo động không hề có bất cứ rào chắn nào, rất nguy hiểm. 

Hậu quả “buông lỏng” quản lý đất đai ở Bình Định - Ảnh 1.

Những hố sâu có diện tích rất lớn do hoạt động khai thác đất trái phép cách đây 3 năm ở xã Cát Nhơn. Ảnh: Dũ Tuấn.

Theo lãnh đạo UBND huyện Phù Cát, 3 hố sâu xuất hiện bắt đầu từ việc tỉnh Bình Định triển khai dự án làm đường trục Khu kinh tế Nhơn Hội (năm 2019) đoạn qua huyện Phù Cát. 

Ban quản lý dự án Giao thông tỉnh Bình Định (trực thuộc UBND tỉnh Bình Định) được giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư công trình. Thời điểm này, các doanh nghiệp trúng thầu dự án nhưng tỉnh chưa cấp phép mỏ đất nào trên địa bàn huyện nên một số nhà thầu tự ý đi mua đất của người dân để lấy đất đổ nền thực hiện công trình.

Địa phương đã báo cáo tình hình đến lãnh đạo tỉnh. Dù biết là việc lấy đất trên là chưa đúng luật nhưng để công trình hoàn thành đúng tiến độ, các doanh nghiệp và huyện, xã không còn cách nào khác.

"Các doanh nghiệp lấy đất ở 2 thôn Chánh Nhơn và Liên Trì đều nhằm mục đích thực hiện công trình đường trục Khu kinh tế chứ không hề đem đi bán hay chở ra ngoài huyện làm những công trình khác", lãnh đạo UBND huyện Phù Cát khẳng định. 

Trong báo cáo của UBND xã Cát Nhơn gửi Công an huyện Phù Cát cùng cơ quan có trách nhiệm cũng khẳng định: "Trường hợp khai thác đất trái phép, qua điều tra thì khối lượng đất được vận chuyển phục vụ thi công dự án đường trục Khu kinh tế nối dài, đây là dự án trọng điểm của tỉnh Bình Định".

Khá bất ngờ với việc công trình trọng điểm của nhà nước lại dùng đất trái phép để thi công, phóng viên Dân Việt mang thông tin này liên lạc với Phó giám đốc Ban quản lý dự án Giao thông tỉnh Bình Định Nguyễn Ngọc Sơn thì ông này phủ nhận.

"Phóng viên có dám khẳng định không, dám lấy uy tín ra đảm bảo cho việc đó không, nếu không khẳng định thì đừng nhận định. Đường trục có giấy phép hết, không có doanh nghiệp nào khai thác không phép cả, chuyện này phải làm việc cho chuẩn", ông Sơn nói.

Hậu quả “buông lỏng” quản lý đất đai ở Bình Định - Ảnh 2.

Bột đá và đá vụn được thải ra san lấp bừa bãi. Ảnh: Dũ Tuấn.

Hậu quả “buông lỏng” quản lý đất đai ở Bình Định - Ảnh 3.

Không rào chắn, gia súc của người dân địa phương đã từng rơi xuống hố tử vong. Ảnh: Dũ Tuấn.

Theo lý giải của Chủ tịch UBND xã Cát Nhơn Nguyễn Vũ Bằng, hệ quả của việc truy tìm đất "tặc" để yêu cầu hoàn trả lại nguyên trạng, gặp rất nhiều khó khăn. Công tác điều tra xác minh mất nhiều thời gian, các đối tượng khai thác và chủ đất khai báo không trung thực, gây khó cho công tác xác lập hồ sơ.

Điều vô lý, sau khi tuyến đường hoàn thành, doanh nghiệp kiếm bộn tiền rồi biến mất, thay vì khắc phục sai phạm lại "phó mặc" việc khắc phục hậu quả cho người dân và chính quyền.

Trước áp lực nguy hiểm từ các hố sâu, UBND huyện Phù Cát, Sở TNMT đã xin ý kiến chỉ đạo từ lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định để khắc phục hậu quả tại các hố đã bị đất "tặc" để lại.

"Phớt lờ" quy định, tự tiện đổ thải

Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh đã ký văn bản đồng ý chủ trương cho Công ty Cổ phần Phú Tài sử dụng bột đá và đá vụn phát sinh từ Nhà máy chế biến đá Granite tại cụm công nghiệp Cát Nhơn, xã Cát Nhơn để thực hiện san lấp, phục hồi môi trường tại các hố sâu. 

Ngoài ra, tỉnh giao Sở TNMT, Sở Xây dựng cùng UBND huyện Phù Cát hướng dẫn Công ty Cổ phần Phú Tài thực hiện việc san lấp.

Sở Xây dựng tỉnh Bình Định đặc biệt lưu ý, thành phần hạt của bột đá rất mịn nên muốn sử dụng bột đá làm vật liệu san lấp, đảm bảo độ chặt, không xảy ra hiện tượng trôi chảy bột đá ra môi trường khi ngập nước, phải thực hiện phối trộn bột đá với các loại vật liệu khác có cỡ hạt lớn hơn như đất, cát, sỏi… 

Đồng thời, phải có biện pháp lu lèn phù hợp, có phương án ngăn không cho bột đá trôi chảy và phương án đảm bảo môi trường khi thực hiện thi công san lấp.

Hậu quả “buông lỏng” quản lý đất đai ở Bình Định - Ảnh 4.

Các hố sâu kinh hoàng, lượng đất được lấy đi rất lớn. Vách hố rất nguy hiểm nhưng không hề có hàng rào bảo vệ, cảnh báo cho người dân. Ảnh: Dũ Tuấn

UBND huyện Phù Cát đã có văn bản yêu cầu Công ty Cổ phần Phú Tài phải triển khai thực hiện phương án san lấp tại thôn Liên Trì trước sau đó mới thực hiện tại thôn Chánh Nhơn. Ngoài ra, khu vực san lấp phải xây dựng kè chắn bao quanh đảm bảo không để bột đá tràn ra môi trường bên ngoài, cắm các biển cảnh báo xung quanh vị trí san lấp.

Phó Giám đốc Sở TNMT tỉnh Bình Định Hà Thị Thanh Hương khẳng định, Sở đã lấy mẫu bột đá tại đây để xét nghiệm và thẩm định, kết luận bột đá trong quá trình sản xuất tại đây không phải là chất thải nguy hại mà là chất thải công nghiệp thông thường. 

Tuy nhiên, việc san lấp phải đúng quy trình và tuân thủ quy định: xây hộc và đổ bột đá xuống để hạn chế việc bột đá gây tắt nghẽn mạch nước tại khu vực này chứ không được san lấp bừa bãi.

Trên giấy tờ, hồ sơ về quy trình dùng bột đá và đá vụn san lấp hố được lập rất bài bản, thế nhưng thực tế thì hoàn toàn ngược lại, việc san lấp diễn ra bừa bãi, điều này gây ra hệ luỵ về môi trường và ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. 

Nhiều ngày liền có mặt tại hiện trường, phóng viên Dân Việt ghi nhận, hàng loạt xe chở bột đá gây bụi bặm, không tưới nước. 

Theo phương án, doanh nghiệp sẽ hút nước khi san lấp để tránh hoà tan bột đá phát tán theo nước ra ngoài. Thế nhưng, thực tế tại các hố sâu này đều có lượng nước rất lớn, đọng thành hồ, dòng nước đục ngầu vì bột đá.

Không hề xây hộc bảo vệ mạch nước hay trộn đất, sỏi rồi mới san lấp và cũng không có bất kỳ ai giám sát việc san lấp của đơn vị này có đúng quy định hay không? 

Hậu quả “buông lỏng” quản lý đất đai ở Bình Định - Ảnh 6.

Bột đá đổ thải ra môi trường, bụi bặm mù mịt, thiếu vắng người giám sát. Ảnh: Dũ Tuấn.

Điều đặc biệt, xung quanh các miệng hố, không có bất kỳ rào chắn, người bảo vệ theo cam kết của Công ty Cổ phần Phú Tài, sự tắc trách này đã khiến gia súc bị lọt xuống hố tử vong, gây thiệt hại tài sản của người dân.

Trước thực tế trên, chúng tôi liên lạc với Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Phú Tài Lê Văn Thảo, ông này cho biết: "Chỉ đạo kiểm tra khắc phục ngay", lãnh đạo Phòng TNMT huyện Phù Cát lại nói lý do: "Thường xuyên theo dõi, giám sát thì không đủ nhân lực".

Trao đổi với phóng viên Dân Việt, Phó Giám đốc Sở TNMT tỉnh Bình Định Hà Thị Thanh Hương, hứa sẽ cho kiểm tra việc san lấp của Công ty Cổ phần Phú Tài để đưa ra hình thức xử lý theo đúng quy định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem