Clip: Chuông chùa Rối, được tỉnh Hà Tĩnh làm hồ sơ trình Thủ tướng công nhận bảo vật quốc gia. Video: Lê Tập.
Năm 1989, ông Phan Tân trú tại xã Cẩm Thịnh, huyện Cẩm Xuyên (tỉnh Hà Tĩnh) trong lúc đào gốc cây ở thôn Trường Xuân, xã Cẩm Thịnh, bất ngờ phát hiện một quả chuông cổ bằng đồng còn khá nguyên vẹn, trên thân chuông khắc nhiều chữ Hán nằm cách mặt đất khoảng 0.5m.
Theo các cụ cao niên trong làng, quả chuông cổ được đào lên thuộc khuôn viên chùa Rối trước đây, nay đã thành phế tích. Bởi vậy, chuông cổ được chính quyền địa phương, bà con đặt tên là chuông chùa Rối.
Sau khi khai quật, chuông chùa Rối lưu lạc nhiều nơi, được cất giữ tại nhà kho, phòng bảo vệ của các cơ quan tại huyện Cẩm Xuyên. Năm 2019, chuông được đưa về bàn giao cho Bảo tàng Hà Tĩnh bảo quản, trưng bày.
Theo các nhà nghiên cứu lịch sử, tháng 12 năm 1376, vua Trần Duệ Tông đã đích thân cầm quân chinh phạt Chiêm Thành (tên gọi của vương quốc Chăm Pa giai đoạn năm 877 đến năm 1693), nhà vua đã cho quân vận chuyển lương thảo từ vùng phía nam Hà Tĩnh đến cửa biển Di Luân (Quảng Bình), ở đây binh sĩ được dừng lại 1 tháng để rèn luyện.
Danh sĩ Phạm Sư Mạnh là một nhà thơ thời nhà Trần khi theo nhà vua thân chinh đánh phương Nam lúc đi qua vùng đất Hà Tĩnh, ông đã sáng tác một bài thơ thất ngôn tứ tuyệt bằng 33 chữ Hán để khắc lên chuông chùa Rối.
Bài thơ miêu tả cảnh tượng hùng vĩ, bao la của mảnh đất Hà Tĩnh: "Nhìn theo núi Hoành Sơn, phía Nam là một vùng biển lớn/Sóng kình dữ dội tung bọt trắng/Trùng trùng vạn dặm đường Nam chinh/Xa giá đến châu Bố Chánh giúp chính sự được yên".
Trọng lượng quả chuông nặng khoảng 200kg, được đúc bằng đồng, cao 115 cm, đường kính miệng là 65 cm. Quai chuông là hình một con rồng khom lưng với 4 chân.
Chuông chùa Rối được cấu tạo bởi quai và thân. Quai chuông có hình dáng một con rồng trong tư thế khom lưng, gồm 4 chân lớn, mỗi chân có 4 móng quắp lấy đỉnh chuông. Vảy rồng được bố trí toàn thân, xen kẽ nhau và giữa mỗi vảy có chấm tròn.
Đường nét thân rồng khom thành một vòng cung đều đặn, chắc khỏe chịu được trọng lượng hơn 200kg của chuông khi đánh, rung lắc.
Thân chuông có 6 nhúm thỉnh hình tròn hoa sen với 13 cánh sen lớn và 13 cánh sen nhỏ được lật úp, bố trí xen kẽ nhau. Miệng chuông được trang trí cầu kỳ, tinh xảo với 86 cánh hoa sen lập úp, viền cánh sen có hai đường gờ nổi, trong đó có 43 cánh to, 43 cánh nhỏ nằm xen kẽ nhau bao quanh vành miệng chuông.
Từ những đặc điểm trên có thể thấy chuông chùa Rối phản ảnh nhiều yếu tố lịch sử, văn hóa của thời Trần. Vào thời Trần, Phật giáo cực thịnh, phát triển đến đỉnh cao và trở thành quốc giáo. Các nhà vua ban chiếu cho xây dựng chùa, đúc chuông tại nhiều nơi trên cả nước.
Nếu chuông chùa Bình Lâm (xã Phú Linh, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang) thể hiện phật giáo, văn hóa phật giáo đã có mặt ở phía bắc Đại Việt thì chuông chùa Rối (xã Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) đã thể hiện Phật giáo đã được truyền bá đến vùng phía Nam của quốc gia Đại Việt.
Bên cạnh đó, văn hóa phật giáo cũng đã được truyền bá trong những lần các vị vua đi khai hoang, mở rộng lãnh thổ.
Tháng 8/2021, nhờ mang nhiều thông điệp giá trị về lịch sử, văn hóa nên chuông chùa Rối được Hà Tĩnh làm hồ sơ trình Thủ tướng công nhận bảo vật quốc gia.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Trần Phi Công - Phó Giám đốc Bảo tàng Hà Tĩnh, cho biết: "Chuông chùa Rối được đúc vào thời Trần. Hiện nay chuông thời Trần rất hiếm, nước ta chỉ còn quả 3 chuông được đúc vào thời kỳ này. Chuông chùa Vân Bản hiện đang lưu trữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và chuông chùa Bình Lâm hiện được chùa Bình Lâm, xã Phú Linh, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang bảo quản đã được công nhận Bảo vật quốc gia còn chuông chùa Rối chúng tôi đang làm hồ sơ để được công nhận là Bảo vật Quốc gia.
"Ngoài khác nhau về kích thước, hình dáng với 2 quả chuông trên, chuông chùa Rối còn được khắc bài thơ thất ngôn tứ tuyệt của ông Phạm Sư Mạnh khi ông cùng vua thân chinh nam chiến đã sáng tác. Bài thơ nói về vùng đất hoang sơ, bao la và sự hùng vĩ của núi non Hà Tĩnh. Chuông chùa Rối mang nhiều giá trị văn hóa, là nguồn tư liệu quý giúp nghiên cứu lịch sử tỉnh Hà Tĩnh nói riêng, lịch sử Việt Nam nói chung dưới triều Trần" - ông Trần Phi Công - Phó Giám đốc Bảo tàng Hà Tĩnh.