Am Tháp huyền bí bằng đá hơn 500 năm từ thời nhà Lê ở Hà Tĩnh, dấu ấn bàn tay tài hoa của người Việt

Tập Thỏa Thứ bảy, ngày 28/05/2022 05:46 AM (GMT+7)
Đi qua xã Cẩm Duệ (huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) mọi người không khỏi ngỡ ngàng khi chứng kiến công trình Khu Am Tháp hơn 500 năm, từ thời nhà Lê vẫn gần như nguyên vẹn, giữ được vẻ đẹp cổ kính vốn có. Là công trình độc đáo, giữ được hồn kiến trúc cổ xưa nên Am Tháp thu hút nhiều du khách đến tham quan.
Bình luận 0

Clip: Am Tháp thuộc địa phận xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên (tỉnh Hà Tĩnh).

Huyền bí tháp cổ

Am Tháp (gọi khác là Tháp Cẩm Duệ) là một ngôi Tháp cổ được xây dựng bằng đá vào khoảng thế kỷ XVI, dưới thời nhà Lê xưa thuộc địa phận xã Hoa Duệ, tổng Mỹ Duệ cũ, nay là xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên (tỉnh Hà Tĩnh).

Đây là một trong những công trình nghệ thuật độc đáo, được xây dựng dưới thời nhà Lê của nước ta vẫn còn giữ được kiến trúc nguyên vẹn, cổ kính cho dù đã trải qua hơn 500 năm lịch sử.

Vẻ đẹp cổ kính của Am Tháp bằng đá hơn 500 tuổi thờ vị quan dưới triều nhà Lê - Ảnh 2.

Toàn cảnh Am Tháp (hay gọi khác là Tháp Cẩm Duệ), xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên (tỉnh Hà Tĩnh). Ảnh: PV

Am Tháp thờ Lê Am - một vị quan có nhiều công lao phục vụ triều đình. Tương truyền Lê Am là người đức độ, thông minh, lập nhiều đại công nên nhà vua rất xem trọng. Nhờ vậy, ông được Lê Lợi ban thưởng chọn đất an táng khi còn sống.

Vẻ đẹp cổ kính của Am Tháp bằng đá hơn 500 tuổi thờ vị quan dưới triều nhà Lê - Ảnh 3.

Cổng vào Khu Am Tháp vẫn còn giữ được kiến trúc nguyên vẹn, cổ kính. Ảnh: PV

Ngay sau đó, Lê Am đã chọn đồi đất cao thuộc làng Mỹ Duệ (cạnh sông Ngàn Mọ) là nơi dòng họ Hồ Mai danh ẩn tích đổi thành họ Lê, nơi đã sinh thành, nuôi dưỡng ông khôn lớn để trở thành nơi an táng mình.

Sau khi mất, ông tiếp tục được nhà vua sắc phong là: "Thần tổ tiền đô Thái giám kiêm tam giáo huyền quan, bản hữu Lê tướng công triên cơ thận đức hiển ứng đại vương, trước gia tặng Đoan túc tôn thần" và phong cho ông là "Phúc thần đương cảnh thành hoàng làng Phương Cai".

Vẻ đẹp cổ kính của Am Tháp bằng đá hơn 500 tuổi thờ vị quan dưới triều nhà Lê - Ảnh 4.

Nhà bái đường thường có bài trí hương án, đồ thờ... dùng để tiến hành nghi thức cúng bái, tế lễ... Ảnh: PV

Sau này, em trai ông là Lê Mậu Tài - một người có công với triều đình được phong đến chức Võ huynh tướng quân, Nguyên sung Đại thần tiên đô thái giám, mất ở Thăng Long cũng được đưa về chôn ở Am Tháp.

Ngoài ra, một người em của Lê Am không rõ tên, được học hành và phụng sự triều đình cũng được thờ ở đây.

Vẻ đẹp cổ kính của Am Tháp bằng đá hơn 500 tuổi thờ vị quan dưới triều nhà Lê - Ảnh 5.

Am Tháp được thiết kế với cấu trúc hình bình đồ vuông, chiều cao 6,7m, chia thành 3 tầng. Ảnh: PV

Lúc mới xây dựng, khu Am Tháp chỉ xây huyệt am và ngôi tháp ghép bằng đá. Sau đó, người dân đã xây thêm tường thành, cổng tháp, điện thờ và nhiều kiến trúc khác.

Hiện nay, tổng công trình kiến trúc khu Tháp Am có diện tích 2.450m2. Cổng vào tháp có 2 con ngựa và 2 con voi được tạc bằng đá đứng canh.

Vẻ đẹp cổ kính của Am Tháp bằng đá hơn 500 tuổi thờ vị quan dưới triều nhà Lê - Ảnh 6.

Hàng ngày thường có người dân đến quét dọn ở khuôn viên Am Tháp. Ảnh: PV

Qua khoảng sân rộng đến nhà tiền tế (hay nhà bái đường), tiếp sau là điện thờ, bên trong đặt bài vị, hòm sắc và bát hương thờ 3 anh em họ Lê và tiếp đến là khu vực tháp đá.

Tinh xảo, tài hoa tuyệt tác của những nghệ nhân Việt Nam

Am Tháp được thiết kế với cấu trúc hình bình đồ vuông, chiều cao 6,7m, chia thành 3 tầng. Đặc biệt, toàn bộ ngôi tháp được ghép bằng những phiến đá phẳng, màu gan gà, các mảnh ghép liền khít vào nhau, liên kết chắc chắn. Người xem không phát hiện ra dấu tích của vôi, vữa kết dính thể hiện sự tinh xảo và tài hoa tuyệt bậc của những nghệ nhân xưa.

Vẻ đẹp cổ kính của Am Tháp bằng đá hơn 500 tuổi thờ vị quan dưới triều nhà Lê - Ảnh 7.

Khoảng sân rộng đến nhà tiền tế (hay nhà bái đường). Ảnh: PV

Theo các cụ cao niên trong làng, khi tham quan Am Tháp người xem không phát hiện ra dấu hiệu của vôi, vữa kết dính là vì khi xưa các nghệ nhân đã trộn mật mía và vôi để kết dính các phiến đá. Hỗn hợp mật mía, vôi này được dấu phía trong các phiến đá nên khi quan sát chúng ta khó nhận ra

Các vòm cửa và mái cong, vòm chóp, đỉnh tháp cũng được chế tác tạo bằng đá khối, tạo thành một khối kết dính rất đẹp mắt, khi chiêm ngưỡng có cảm giác như một kim tự tháp thu nhỏ.

Vẻ đẹp cổ kính của Am Tháp bằng đá hơn 500 tuổi thờ vị quan dưới triều nhà Lê - Ảnh 8.

Kiến trúc mái là nơi tạo nên nét đặc trưng và thể hiện sự uy nghi, bề thế. Ảnh: PV

Tháp đá được chia thành 3 tầng. Tầng thứ nhất, làm nơi đặt lễ vật dâng cúng. Ở tầng thứ hai, bên trong còn lưu lại 2 pho tượng Phật cổ bằng đá, theo nhận định đây có thể là những pho tượng được làm ra từ thời Nguyễn. Phía ngoài có khắc 5 chữ Hán cổ là "Thiên cơ thân đức tạo" nghĩa là người đức độ, cần mẫn tạo dựng nền tảng.

Tầng thứ 3, bên trong có ba chữ Hán đắp nổi "Tinh nhật nguyệt" với ý nghĩa ca ngợi tấm lòng sáng như nhật nguyệt của người xưa.

Vẻ đẹp cổ kính của Am Tháp bằng đá hơn 500 tuổi thờ vị quan dưới triều nhà Lê - Ảnh 9.

5 chữ Hán cổ là “Thiên cơ thân đức tạo” nghĩa là người đức độ, cần mẫn tạo dựng nền tảng. Ảnh: PV

Với những giá trị về mặt văn hoá, lịch sử, khoa học nghệ thuật độc đáo, năm 2008, Tháp đá Cẩm Duệ được xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia.

 Là người trực tiếp trông nom, bảo vệ khu Am Tháp, bà Phan Thị Hồng, trú tại xã Cẩm Duệ, cho biết: "Năm 2012, cha tôi được giao quản lý, dọn dẹp, bảo vệ và chăm non khu Am Tháp, sau này cha tôi nghĩ thì tôi làm thay. Đến nay tôi đã làm công việc này được 5 năm.

Vẻ đẹp cổ kính của Am Tháp bằng đá hơn 500 tuổi thờ vị quan dưới triều nhà Lê - Ảnh 10.

Cổng vào tháp có 2 con ngựa và 2 con voi được tạc bằng đá đứng canh. Ảnh: PV

Tháp đá này thờ ông Lê Am và 2 người em ruột của ông, họ đều là những người có công đối với đất nước. Thỉnh thoảng vẫn có nhiều người đến đây để tham quan, chụp ảnh. Tuy nhiên vào ngày mùng 6 tháng Giếng hàng năm là ngày dỗ tổ của họ Lê nên có rất đông con cháu của dòng họ từ mọi miền đất nước về đây để dâng hương".

Vẻ đẹp cổ kính của Am Tháp bằng đá hơn 500 tuổi thờ vị quan dưới triều nhà Lê - Ảnh 11.

Tháp đá đã được chứng nhận di tích cấp Quốc Gia. Ảnh: PV

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Võ Tá Kỷ - Chủ tịch UBND xã Cẩm Duệ, cho biết: "Khu Am Tháp có cách đây hàng trăm năm, là nét đặc trưng của văn hoá của xã Cẩm Duệ nói riêng, huyện Cẩm Xuyên nói chung. Hiện nay, tháp đá đã được chứng nhận di tích cấp Quốc Gia và giao cho chính quyền xã quản lý, thuê người trông nom, dọn dẹp".

"Năm 2012, tháp đá Cẩm Duệ được UBND tỉnh Hà Tĩnh hỗ trợ trùng tu, tôn tạo. Hàng năm, khoảng thời gian sau Tết Nguyên Đán có rất đông con cháu họ Lê về từ khắp mọi miền đất nước cùng người dân địa phương đến để thắp hương. Con cháu dòng họ Lê về thăm mộ tổ cũng ủng hộ tiền để xây dựng quê hương" - ông Võ Tá Kỷ - Chủ tịch UBND xã Cẩm Duệ, nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem