Từ xa nhìn lại, cầu Rào với biểu tượng “cánh sóng vươn xa” là hình ảnh một cây cầu vòm có dáng cuộn như dải lụa ở hai đầu cầu, nhưng ít ai biết rằng, để có được hình ảnh như bây giờ, thành phố phải trải qua rất nhiều cuộc họp và tại lần trình hình ảnh thứ 3, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố mới đồng ý phương án thiết kế cầu.
Thay vì chỉ làm một cây cầu Rào đơn thuần tại vị trí cầu Rào cũ và không ảnh hưởng nhiều đến giải phóng mặt bằng, thành phố quyết định làm lại cầu Rào và nâng cấp nút giao thông tại vòng xuyến cầu Rào cũ thành nút giao thông khác mức 2 tầng.
Đồng thời, tổ chức giải phóng mặt bằng lên đến 20,7ha, trong đó xây dựng cầu Rào và nút giao thông khoảng 12,7ha; cải tạo hạ tầng đường Lạch Tray khoảng 8ha.
Ngay từ ý tưởng thiết kế cầu vòm, nhưng ở đoạn nối vòm với đỉnh vòm cầu được đan xen bằng những đoạn thép tròn và những đoạn thép tròn này được kết lại giống như hình chiếc lưới đánh cá. “Tấm lưới thép” khổng lồ này có điểm nút cuối cùng được thiết kế giống chiếc đuôi cá, hướng về phía Nam, nơi ngư dân Đồ Sơn nói riêng và ngư dân Hải Phòng nói chung ngày đêm vươn khơi, bám biển, khai thác thủy sản và bảo vệ biển đảo quê hương.
Điểm cuối của vòm thép vươn lên thể hiện cho khát vọng vươn lên của thành phố Hải Phòng hướng về biển, tập trung phát triển kinh tế biển như hướng phát triển của thành phố Hải Phòng trong thời gian tới. Trên đỉnh vòm cầu là hình tượng của 3 bông hoa phượng, là loài hoa mang tên gọi của thành phố Hải Phòng.
Mái vòm cầu được thiết kế đan xen, kết nối thể hiện sự vĩnh cửu, được kết nối với tổng thể chung quanh, thể hiện sự trường tồn và phát triển mạnh mẽ của thành phố Hải Phòng theo tinh thần Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Hình tượng của “sóng” chính là cảm hứng và được đưa vào trong suốt quá trình xây dựng cầu Rào. So với những cây cầu khác có hệ thống lan can thẳng, kết nối các điểm trên một đường thẳng, nhưng tại dự án cầu Rào, lan can rời cũng được thiết kế theo hình vòm và thanh nối lan can cầu cũng được tạo hình của sóng biển.
Phía ngoài lan can cầu là dải cây xanh bằng hoa chạy dọc theo thân cầu, phía dưới chậu hoa dài nhất này có hệ thống tưới tự động, phun ngược từ dưới để thấm vào đất, có thể được tùy chỉnh. Phía dưới chân cầu thuộc khu vực nút giao dưới cầu xây dựng công viên (đang trong quá trình xây dựng), tại đó có hình tượng một chiếc mỏ neo được kết bằng hoa, thể hiện nét độc đáo của thành phố cảng, nơi có những con tàu ngày đêm qua lại.
Theo dự kiến, tháng 4/2022, công viên dưới cầu Rào sẽ hoàn thành, phục vụ nhân dân vui chơi, luyện tập thể thao… Từ nút giao, đường dẫn và toàn bộ phần cầu, có lẽ cầu Rào là một trong những cây cầu được trồng hoa nhiều nhất cả nước hiện nay.
Qua nhiều lần thay đổi, ý tưởng về 3 bông hoa phượng trên đỉnh vòm cầu Rào được thông qua. Nhiều người thắc mắc tại sao cầu Rào lại để 3 bông hoa phượng mà không phải là 1 hoặc 5 bông, hay con số nào khác.
Nhưng thực chất, 3 bông hoa phượng, bông ở giữa có diện tích lớn nhất thể hiện sự phát triển đô thị thành phố Hải Phòng từ vùng lõi. Hai bông hoa phượng một bên phía Bắc, một bên phía Nam thể hiện sự phát triển của thành phố theo 2 hướng quan trọng này và cũng xuất phát từ lời bài hát về thành phố: “sánh vai cùng Sài Gòn, Đà Nẵng quê hương”. Trong 3 bông hoa phượng trên đỉnh vòm, mỗi bông có 5 cánh, tổng là 15 cánh hoa, tương ứng với 15 quận, huyện của thành phố Hải Phòng hiện nay.
Cũng là hình ảnh về bông hoa phượng, loài hoa đặc trưng của thành phố Hải Phòng, nhưng được gắn thêm ở thành và lan can cầu để đi đến đâu, người dân cũng có thể cảm nhận được về thành phố Cảng, nhưng ít người biết rằng, có tổng số 888 cánh hoa phượng được gắn lên đó.
Từ vòm cầu được kết nối với mặt cầu sử dụng 36 thanh cáp giằng, theo quan niệm xưa, số 36 là thiên cang, thể hiện cho sự may mắn. Cầu Rào được xây dựng lại đúng tại vị trí cầu cũ và cầu chính có chiều dài 456m, là con số “tiến” khá ấn tượng, các con số trên cầu chủ yếu được ứng với số 8.
Theo đó, cầu có 6 làn xe, 2 làn dành cho người đi bộ (hoặc làn dừng khẩn cấp), với tổng là 8 làn; bề rộng mặt cầu rộng 30,5m, cộng con số lại cũng thành 8; phần nhịp dẫn bờ phía quận Hải An và Ngô Quyền có chiều rộng mặt cầu 23,5m, cộng hai số cuối cũng thành số 8.
Những hình tượng mang nét đặc trưng của thành phố Hải Phòng và các con số trên cầu Rào được thể hiện từ khi thiết kế đến quá trình tổ chức thi công cho thấy sự khát vọng và quyết tâm vươn lên của thành phố trong quá trình phát triển, mở mang đô thị, đẩy mạnh kết nối mạng lưới giao thông liên vùng, với vị trí trung tâm.
Với hệ thống hoa được trồng dày đặc, cầu Rào của thành phố Hải Phòng là một trong số ít cây cầu được trồng hoa nhiều nhất cả nước.
Và những con số đặc trưng sẽ tiếp tục được thực hiện tại cây cầu Bến Rừng qua sông Bạch Đằng sắp được khởi công xây dựng với 3 trụ chính hình chữ V, viết tắt của chữ Victory (chiến thắng), thể hiện quân dân nước Việt 3 lần đánh bại quân xâm lược trên dòng sông lịch sử này.
Vượt qua nhiều khó khăn, trở ngại, dự án đầu tư xây dựng cầu Rào hoàn thành đúng tiến độ, bảo đảm thông xe kỹ thuật trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 theo chỉ đạo của UBND thành phố Hải Phòng. Sau khi thông xe, dự án sẽ tiếp tục thực hiện các hạng mục tiếp theo về cải tạo nút giao, xây dựng công viên dưới cầu, hoàn thành thi công cải tạo hè đường Lạch Tray… phấn đấu hoàn thiện toàn dự án vào tháng 4/2022.