Anh nông dân Nam Định đào ao nuôi 50-60 tấn cá trắm đen, toàn cá nặng 10-18 kg, xe các nơi tấp nập về mua

Chủ nhật, ngày 08/05/2022 13:06 PM (GMT+7)
Nhờ kiên trì, chịu khó học hỏi, không chịu lùi bước trước khó khăn, nông dân Trần Thanh Năm, xóm 11, xã Xuân Vinh (Xuân Trường, tỉnh Nam Định) đã thành công với mô hình nuôi cá trắm đen bằng thức ăn công nghiệp.
Bình luận 0

Mô hình nuôi cá trắm đen của gia dình anh Năm góp phần mở ra hướng đi mới trong phát triển nuôi trồng thủy sản, nâng cao thu nhập cho các hộ nông dân tại địa phương.

Anh nông dân Nam Định đào ao nuôi 50-60 tấn cá trắm đen, toàn cá nặng 10-18 kg, xe các nơi tấp nập về mua - Ảnh 1.

Ông Trần Thanh Năm, xóm 11, xã Xuân Vinh (huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định) chăm sóc trang trại ủa gia đình.

Dẫn chúng tôi tham quan khu nuôi cá rộng 6ha, ông Năm cho biết bắt đầu nuôi cá trắm đen từ năm 2016 đến nay. Khu vực thả cá trước đây là vùng đất trũng, sản xuất lúa 2 vụ kém hiệu quả được chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản. 

Năm 2003, ông Năm đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích để nuôi tôm sú công nghiệp. Sau nhiều tháng nuôi, tôm sú cho hiệu quả cao ngay từ vụ nuôi đầu tiên, năng suất tốt. Nhưng sang lứa nuôi tiếp theo, các hộ chăn nuôi thủy sản quanh vùng đổ xô nuôi tôm sú, dẫn tới mật độ nuôi dầy đặc, môi trường nước bị ô nhiễm, xuất hiện một số dịch bệnh do đó hiệu quả kinh tế đem lại không còn cao. 

Trước khó khăn trên, ông Năm bàn bạc với gia đình thuê thêm 3ha của những hộ bên cạnh để quy hoạch, cải tạo ao nuôi và chuyển hướng sang nuôi cá truyền thống. Ông chọn cá trôi, mè, chép để phát triển mô hình nhưng hiệu quả kinh tế đem lại thấp, thu nhập chẳng được bao nhiêu. 

Từ năm 2009, ông chuyển sang nuôi cá vược, cá lăng chấm và trắm nhưng do giá cả luôn biến động nên lời lãi chẳng được bao. 

“Dù gặp thất bại triền miên với nghề nuôi trồng thủy sản, nhưng tôi vẫn không chuyển hướng làm kinh tế. Bởi, tôi nghĩ thất bại là mẹ của thành công. Và, ông trời sẽ không phụ công những người có chí hướng, biết vượt qua khó khăn vươn lên trong cuộc sống”, ông Năm cho biết. 

Năm 2016, qua tìm hiểu các mô hình nuôi cá ở các tỉnh, thành phố: Hải Dương, Ninh Bình, Hải Phòng, Hà Nam..., được bạn bè giới thiệu ông biết đến loài cá trắm đen với tỷ lệ rủi ro ít, lợi nhuận không nhiều như nuôi tôm nhưng hiệu quả kinh tế chắc chắn, năm nào cũng có lợi nhuận. 

Đến nay, trang trại nuôi trồng thủy sản của ông rộng đến 6ha, trong đó có 5ha diện tích mặt nước với con nuôi chủ lực là cá trắm đen. Với hơn 5 năm kinh nghiệm trong nuôi cá trắm đen, ông cho biết, cá ít khi bị bệnh nhưng do nhu cầu ô-xy cao hơn các loại cá nước ngọt khác và mật độ lớn trên một đơn vị diện tích nên hàng tuần đều phải bơm thêm nước mới, đầu tư máy sục khí ô-xy giúp cá phát triển khỏe mạnh. 

Định kỳ từ 10-15 ngày, ông sử dụng chế phẩm sinh học và vôi bột khử trùng nguồn nước. Thời điểm tháng 5, tháng 6, cá hay bị tuột vẩy, thối mang lúc thời tiết chuyển mùa nên ông Năm cho ăn thêm thuốc thảo mộc vào phòng bệnh.

“Nhiều năm nay, ngày nào tôi cũng xay tỏi rồi cho thêm một chút đường và dấm gạo nếp vào. Mấy thứ đó cho vào máy đảo đều lên, sau đó cho vào thùng ủ. Đợi tầm 5 hôm hỗn hợp tỏi xay, đường, dấm gạo này lên men rồi mang trộn vào cám mang cho cá ăn, cứ 1 bao cám cá trọng lượng 25kg là trộn thêm 3 bát tỏi ủ, cho ăn thường xuyên là không bao giờ sợ cá bị bệnh đường ruột. Cách làm này đơn giản, rẻ tiền nhưng cực kì hiệu quả, ngoài ra còn kích thích cá tiêu hóa nên đàn cá lớn trông thấy, thịt lại thơm ngon hơn”, ông Năm cho biết thêm. 

Bên cạnh đó, nguồn cá trắm đen giống cũng được ông tuyển chọn kỹ lưỡng trước khi thả xuống ao. Ông Năm cho biết, nguồn cá được trang trại mua ở những cơ sở sản xuất con giống có uy tín. Để chủ động nguồn giống, ông đã dành riêng 4 ao nhỏ với diện tích khoảng 1.500 m2/ao để ương cá. 

Ương khoảng 6 tháng, trọng lượng cá đạt từ 2-3kg/con thì chuyển sang ao nuôi cá thương phẩm. Thức ăn cho cá được chế biến từ ngô, đỗ tương, cám gạo, bảo đảm đủ dinh dưỡng cho cá phát triển. Để giảm bớt sức lao động, trang trại của gia đình ông Năm đã lắp đặt máy cho cá ăn tự động, có điều chỉnh tốc độ cho cá ăn. 

Do được chăm sóc cẩn thận, đúng kỹ thuật nên đàn cá của gia đình ông lớn nhanh, ít bị dịch bệnh, sau một năm nuôi đạt khối lượng từ 7-10 kg/con, nhiều ao có các loại cá trắm đạt trọng lượng từ 17-18kg. Cá trắm đen có giá trị dinh dưỡng cao, thịt chắc, ngọt... nên tiêu thụ khá thuận lợi. 

Vào vụ thu hoạch, nhiều nhà hàng, khách sạn, thương lái ở các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh... và chủ các hồ câu về tận nơi thu mua. 

Với giá bán 63 nghìn đồng/kg trắm đen loại 6kg; 83 nghìn đồng/kg loại 10kg và 150 nghìn đồng/kg loại 17-18kg, mỗi vụ gia đình ông bán được 50-60 tấn cá, thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm, cao hơn từ 3-4 lần nuôi cá truyền thống. 

Ngoài ra, trang trại của gia đình ông còn tạo công ăn việc làm cho 3 nhân công làm thường xuyên với thu nhập từ 6-9 triệu đồng/người/tháng và trên 10 lao động thời vụ với số tiền 350 nghìn đồng/buổi.

Thành công của ông Trần Thanh Năm với mô hình nuôi cá trắm đen đã tạo thêm động lực, khích lệ người dân nơi đây cùng nhau phát triển nghề nuôi cá trên mảnh đất quê hương. Không giấu nghề, ông Năm luôn sẵn sàng truyền đạt kinh nghiệm, tận tình giúp đỡ người dân trong xã về kỹ thuật nuôi cá để mọi người có thêm cách làm mới, ngày càng hiệu quả.

Văn Huỳnh (Báo Nam Định)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem