Nhằm đa dạng hóa đối tượng nuôi và mở hướng kinh tế mới cho người dân. Đầu năm 2021, sau khi tìm hiểu về kỹ thuật cũng như khảo sát thị trường, Trung tâm giống thủy sản tỉnh Nghệ An đã triển khai mô hình thử nghiệm nuôi cá chạch lấu trong ao đất quy mô công nghiệp, bước đầu cho kết quả tích cực.
Với diện tích 1.500m2 mặt nước, Trung tâm cho thả 9.000 con giống, sau hơn 7 tháng thả nuôi, cá phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt trên 70%.Hiện cá đang phát triển đạt 4-5 con/kg, chưa xuất hiện bệnh và quy trình chăm sóc khá dễ, mỗi ngày cho ăn 2 buổi vào lúc trời mát.
Thức ăn chủ yếu của cá chạch lấu là cá tạp, cua, ốc, tép xay nhuyễn hoặc cắt ra từng miếng nhỏ. Thức ăn được cho vào sàn và đặt sàn ăn gần giá thể là các ống nhựa để cá trú ẩn.
Người nuôi thường xuyên kiểm tra ao nuôi, quá trình tăng tưởng của cá; định kỳ bổ sung vitamin C, men tiêu hóa trộn vào thức ăn để giúp cá tiêu hóa tốt và tăng sức đề kháng trong thời điểm giao mùa...
Người nuôi cá chạch lấu quản lý tốt nguồn nước,giữ môi trường ao nuôi sạch sẽ, nồng độ ô-xy hòa tan phải đảm bảo cho cá sinh trưởng và phòng, tránh các bệnh khác.
Hiện cá chạch lấu có giá từ 300.000 – 350.000 đồng/kg, được người tiêu dùng ưa thích, thị trường tiêu thụ ổn định.
Ông Hoàng Sỹ Ngân - Giám đốc Trung tâm giống thủy sản tỉnh Nghệ An cho biết, mục đích của mô hình nuôi thí điểm cá chạch lấu là tìm kiếm, mở rộng đối tượng nuôi thủy sản nước ngọt cho nông dân. Từ thành công của mô hình nuôi thí điểm này, Trung tâm sẽ đánh giá hiệu quả kinh tế, xây dựng quy trình nuôi để chuyển giao và nhân rộng ở những địa phương có điều kiện nuôi phù hợp.
Tại buổi nghiệm thu đánh giá mô hình thử nghiệm nuôi cá chạch lấu tại Trung tâm giống thủy sản Nghệ An, đoàn công tác Sở NNPTNT, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Nghệ An ghi nhận và đánh giá cao hiệu cảu mô hình đạt được.
Nhận thấy, đây là mô hình thuỷ sản mang lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện sinh thái Nghệ An, có khả năng nhân rộng để phát huy lợi thế về nguồn nước. Mặt khác, đây là đối tượng dễ nuôi, phù hợp với trình độ kỹ thuật, điều kiện đầu tư của người dân.
Tuy nhiên, để nhân rộng mô hình nuôi cá chạch lấu, cần có kế hoạch, chiến lược đầu tư phù hợp bởi đây là mô hình đòi hỏi vốn đầu tư và kỹ thuật nuôi chăm sóc đầy đủ, bài bản cũng như xây dựng chuối liên kết bao tiêu sản phẩm.
Ông Trần Xuân Học - Phó Giám đốc sở NNPTNT tỉnh Nghệ An cho biết: Chủ trương của Nghệ An là đa dạng đối tượng nuôi thủy sản, đặc biệt là những loài có giá trị kinh tế cao. Nuôi cá chạch lấu thí điểm thành công sẽ được nhân rộng, thay thế nhiều diện tích nuôi tôm thất bát, nhiều diện tích nuôi thủy sản bị bỏ hoang trong thời gian qua.
Thời gian tới,Sở NNPTNT tỉnh Nghệ An sẽ phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan, xây dựng quy trình nuôi cá chạch lấu bài bản để hướng dẫn nông hộ nuôi thương phẩm rộng khắp tại các ao, hồ, sông, suối, hồ đập trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Để nhân rộng mô hình và mang lại hiệu quả cao, Trung tâm giống thủy sản tỉnh Nghệ An đang xây dựng quy trình kỹ thuật nuôi cá chạch lấu bài bản để chuyển giao cho Trung tâm Khuyến nông tỉnh Nghệ An để tập huấn, trang bị cho nông hộ được chọn xây dựng mô hình nuôi cá chạch lấu thương phẩm trong thời gian sắp đến.
Trao đổi với PV, ông Tạ Quang Sáng - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Nghệ An cho biết: Đối với mô hình chạch lấu thì quá trình nuôi đến thời điểm này khẳng định đó là một đối tượng phát triển tốt, có giá trị kinh tế cao trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Với mô hình này, sau khi Sở NNPTNT, Trung tâm giống thủy sản Nghệ An xây dựng, hoàn thiện quy trình nuôi và bàn giao lại cho Trung tâm Khuyến nông để chuyển giao lại cho bà con nông dân. Từ đó, tạo ra các sản phẩm thành một chuỗi liên kết tiêu thụ các đối tượng nuôi nước ngọt có giá trị kinh tế cao, nhất là các loại đặc sản như cá chạch lấu .
Tuy nhiên, mặc dù mô hình nuôi cá chạch lấu trong ao đất quy mô công nghiệp tại Nghệ An bước đầu thu được kết quả khả quan, khẳng định phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu trên địa bàn tỉnh, mang lại hiệu quả kinh tế.
Nhưng khó khăn lớn hiện nay là trên địa bàn tỉnh Nghệ An chưa có cơ sở sản xuất cá giống chạch lấu tại chỗ nên giá con giống còn cao.
Người dân và các tổ chức có ở Nghệ An nhu cầu nuôi cá chạch lấu phải đến các tỉnh phía Nam để mua giống, chi phí vận chuyển cao, đường xa ảnh hưởng đến chất lượng. Vì vậy, song song với việc xây dựng thêm mô hình nuôi cá chạch lấu thương phẩm; cần đồng thời nghiên cứu sản xuất cá chạch lấu giống nhân tạo tại chỗ nhằm chủ động nguồn giống cung ứng nhu cầu phát triển sản xuất.