Những con heo giống ông bà, cụ kị sau khi trải qua một thời gian được chăm sóc kỹ lưỡng và lai tạo công phu, ứng dụng những kĩ thuật công nghệ hiện đại, tiên tiến bậc nhất, đến nay đã cho ra đời lứa heo giống hậu bị đầu tiên.
De Heus Genetics cho biết, lứa heo được sinh ra hoàn toàn khỏe mạnh, sau đó được chăm sóc trong môi trường hoàn vô trùng với những điều kiện tốt nhất. Sắp tới, những con heo giống hậu bị này sẽ được phân phối ra thị trường với khả năng sinh sản vượt trội, khả năng cai sữa đặc biệt.
Những sản phẩm heo giống hậu bị này có chất lượng đạt tiêu chuẩn châu Âu, sẽ góp phần đáp ứng đủ nguồn heo giống chất lượng và an toàn cho thị trường chăn nuôi heo ở Việt Nam.
Trước đó, vào tháng 10/2021, Tập đoàn De Heus (Hà Lan) và Tập đoàn Hùng Nhơn (TP.HCM) đã nhập khẩu 1.225 con heo cụ kỵ, ông bà từ Canada về Việt Nam. Lô heo "hoàng gia" này được đưa về chăn nuôi tại Tổ hợp Nông nghiệp công nghệ cao DHN Đăk Lăk (huyện Cư M'Gar, tỉnh Đắk Lắk).
Đây là dự án nông nghiệp có quy mô lớn, và áp dụng công nghệ chăn nuôi hiện đại nhất ở Tây Nguyên hiện nay. Dự án do Tập đoàn De Heus và Tập đoàn Hùng Nhơn liên kết đầu tư, thông qua Công ty CP phát triển nông nghiệp công nghệ cao DHN Đắk Lắk.
Dự án có quy mô sử dụng đất khoảng 200ha, trong đó khu trang trại chăn nuôi heo giống có diện tích khoảng 80ha, với công suất 2.500 con heo giống. Tổng vốn đầu tư của dự án khoảng 66 triệu USD, tương đương 1.500 tỷ đồng (2 giai đoạn).
Ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hùng Nhơn cho biết, ngoài nuôi heo giống, dự án còn có khu trang trại nuôi gà giống 30ha, nhà máy giết mổ heo thịt và sản xuất phân bón 15ha, khu điều hành và hỗ trợ dịch vụ khoảng 20ha...
Dự án sau khi hoàn thiện, sẽ cung cấp nguồn heo giống chất lượng cao phục vụ ngành chăn nuôi heo cho khu vực Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.
Đánh giá về dự án nói trên, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, dự án không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với doanh nghiệp, mà còn mở ra triển vọng, đánh dấu một mốc phát triển mới của ngành chăn nuôi nói riêng và nền nông nghiệp Việt Nam nói chung.
"Dự án được đầu tư bài bản theo hướng thiết lập vùng an toàn dịch bệnh, sản phẩm chất lượng cao, tạo tiền đề cho các sản phẩm chăn nuôi chủ lực như thịt lợn, thịt gà của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Dự án sẽ giải quyết bài toán cung cấp ổn định nguồn giống lợn và gà năng suất chất lượng cao tại Việt Nam; tạo ra chuỗi liên kết, phát triển bền vững từ con giống đầu vào, thức ăn, quy trình chăm sóc, giết mổ, chế biến và phân phối theo chuỗi kinh tế tuần hoàn..." - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận xét.
Ông Gabor Fluit – Tổng Giám đốc De Heus Châu Á cho biết: Đến nay, De Heus đã hợp tác với Tập đoàn Hùng Nhơn thành công trong việc xây dựng và đi vào hoạt động tổ hợp khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN tại Đắk Lắk. Không lâu nữa, chúng tôi tiếp tục phát triển dự án tương tự ở Gia Lai cũng như một số tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên.
"Việc hợp tác đầu tư các Tổ hợp khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại một số tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên giúp Tập đoàn De Heus và Tập đoàn Hùng Nhơn hoàn thiện chuỗi sản xuất, cung ứng chăn nuôi heo khép kín giá trị cao. Từ đó, chúng tôi mang đến cho người chăn nuôi Việt Nam nguồn con giống có gen di truyền khỏe, sạch bệnh, năng suất, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế nông nghiệp áp dụng công nghệ 4.0 hiện nay" - ông Gabor chia sẻ.