Đây là lần thứ ba tôi đến Séc. Nhìn trên bản đồ thì sẽ phải đi gần hết chiều ngang của nước Đức. Trong thời gian này, người di tản khỏi cuộc chiến ở Ukraine được phép đi lại miễn phí có giới hạn nhất định, chúng tôi không được phép đi tàu tốc hành thẳng một mạch đến Dresden vì giá vé rất đắt. Các em tôi đề nghị trả tiền vé nhưng vợ chồng tôi quyết định đi tàu khách bình thường để trải nghiệm.
Có đi tàu khách thường mới biết nó rắc rối ra sao. Nếu như không nhờ sự giúp đỡ của người đi đường, chắc chắn sẽ bị lạc khi chuyển tàu. Theo lịch trình chúng tôi phải chuyển tàu 6 lần, mỗi lần nhiều nhất là 10 phút, nếu không kịp sẽ lỡ chuyến tàu và phải chờ hôm sau mới đi tiếp được.
Đường ngầm ra ga tàu từ Dortmund rất dài và đang sửa chữa, rất khó tìm đường ray. Chúng tôi đã đi nhầm lối ra và phải quay lại một đoạn, may là lúc đó còn sớm. Tìm được lối ra đường ray, còn đang băn khoăn đứng chờ tàu của mình thì tôi chợt nhìn thấy một cô bé trông có vẻ nhanh nhẹn nên tiến tới hỏi đường. Không biết tiếng thì chỉ vào lịch trình đã được nhân viên nhà ga in ra tờ giấy A4.
Cô bé hỏi "bà có biết tiếng Đức không", tôi lắc đầu. "Bà có biết tiếng Anh không", tôi ngượng nghịu trả lời "rất ít". Vậy là tôi hỏi đường bằng mấy từ bập bõm, lẫn lộn giữa tiếng Anh và tiếng Đức, bí quá thì dùng Google dịch, vậy mà hiểu nhau rất nhanh. Cô bé sợ chúng tôi bị lạc nên quyết định đưa chúng tôi lên tàu một chặng, di chuyển lên mặt đất, chuyển sang nhà ga khác rồi xuống đường ray. Hành trình đó chiếm mất của cô bé hơn một tiếng đồng hồ.
Tôi ngại quá mới hỏi "bạn có thời gian không, tôi rất xin lỗi vì đã làm phiền và ảnh hưởng tới thời gian quý báu của bạn". Cô bé viết "không sao, cháu đang rảnh. Cháu rất muốn giúp đỡ ông bà tới tận Dresden nhưng cháu không thể".
Ngồi chờ khoảng 15 phút tôi đã kịp hỏi thăm thân thế của cô bé. Cô ấy kể: "Cháu là người Ả Rập, năm nay 20 tuổi đang học chuyên ngành y tá. Vì cuộc chiến tại Syria mà cháu phải gác lại giấc mơ vào đại học và lưu lạc sang đây, cháu rất đồng cảm và chia sẻ cùng ông bà. Chiến tranh là một điều tồi tệ nhất, cháu cầu chúc cho ông bà gặp nhiều may mắn, cầu nguyện hòa bình đến sớm với đất nước Ukraine". Tôi rất xúc động và viết: "Cháu trẻ quá. Cháu là một cô gái xinh đẹp và rất tốt bụng. Chúc cháu có một người chồng thật tốt, một gia đình hạnh phúc và một tương lai tươi sáng..."
Đang nói chuyện thì cô bé có điện thoại nhưng đã ý tứ ngắt luôn chuông rồi nói "Cháu rất muốn đưa ông bà đi một chặng nữa nhưng tiếc là cháu có việc rồi. Bây giờ cháu sẽ tìm người giúp đỡ ông bà đi tiếp". Cô bé tiến tới một cô gái đang ngồi đợi tàu và nhờ giúp đỡ chúng tôi. Cô bé người Ả Rập và tôi kết bạn trên Facebook và trò chuyện với nhau bằng tiếng Nga.
Cứ thế, trên suốt chặng đường dài trải qua rất nhiều lần chuyển tàu cô bé luôn dõi theo, lo lắng cho chúng tôi cho đến khi chúng tôi đến được Dresden mới yên tâm. Dù không biết tiếng Đức nhưng chúng tôi đã đến được Dresden bình an vào lúc 21h nhờ sự giúp đỡ của hành khách trên các sân ga các chuyến tàu và sự trợ giúp đắc lực của Google dịch tiếng Nga, tiếng Anh...
Em dâu và cháu gái chạy xe từ Decin cộng hòa Séc sang đón vợ chồng tôi. Chị em tôi ôm nhau thật chặt cho thỏa nỗi nhớ mong sau 5 năm chia tay và em dâu bày tỏ niềm vui mừng, hạnh phúc khi thấy chúng tôi đã an toàn thoát khỏi chiến sự. Về đến nhà đã hơn 10h đêm, em tôi và bạn bè của em vẫn chờ cơm, rửa mặt mũi chân tay xong là chỉ việc ngồi vào bàn. Chúng tôi nâng ly mừng cuộc hội ngộ đầy cảm xúc này, chân thành cám ơn tất cả mọi người đã quan tâm, lo lắng và giúp đỡ chúng tôi trong suốt hành trình di tản khỏi cuộc chiến!
Ngày hôm sau là thứ Bảy chúng tôi theo vợ chồng đứa em đi thăm chợ biên giới.
Đây là khu chợ được xây dựng áp lưng vào vách núi dọc theo hai bên bờ suối chảy từ trong lòng núi đổ ra sông lớn nơi tàu thuyền qua lại nhộn nhịp, phong cảnh hữu tình. Cứ một đoạn lại có một cây cầu nhỏ bắc qua suối để tiện việc đi lại giữa đôi bờ. Người Việt Nam mình buôn bán ở đây khá đông. Ai khá giả thì có cửa hàng to, đẹp, hàng hóa phong phú khách mua khá đông; người không may mắn thì bán ở quầy có mái che, thu nhập cũng kém hơn nhiều. Khách hàng chủ yếu từ các vùng biên giới đi du lịch và tranh thủ mua sắm vì mặt hàng phong phú, giá cả phù hợp. Có nhiều nhà hàng, khách sạn rất đẹp đáp ứng mọi nhu cầu của khách mua bán và tham quan.
Trò chuyện với những người Việt Nam ở chợ tôi được biết, đa số mọi người đã ở đây trên 20 năm, có người đã gần 40 năm. Ai cũng chí thú làm ăn, gây dựng được cuộc sống rất khá giả, con cái phương trưởng, thật mừng cho người Việt vùng này.
Ngày Chủ nhật 1/5 chúng tôi ở nhà tranh thủ dọn vườn cho các em. Tiếng chim hót ríu rít, ánh nắng rực rỡ vui tươi. Vườn không rộng lắm nhưng cũng có đủ hoa, cây cảnh, có bãi cỏ đẹp, có lò nướng thịt và khu nhà kính nho nhỏ nơi để dụng cụ nhà bếp, có một chiếc nồi rất to chuyên để luộc bánh chưng. Em dâu tôi kể, Tết nào em cũng gói bánh để biếu mọi người ăn Tết. Vợ chồng em tôi có 2 con: Con trai lớn đang ở Việt Nam chăm sóc ông nội, con gái nhỏ đang học lớp 8 tại Sec, các cháu đều giỏi tiếng Việt và cháu gái còn biết nấu ăn ngon, pha chế các loại nước chấm cho các món ăn Việt Nam rất giỏi. Cuộc sống của các em tuy không sung túc như nhiều người khác nhưng cũng bình yên và hạnh phúc. Chúng tôi rất mừng cho các em. Tình cảm gia đình thật ấm cúng nhất là chúng tôi ở trong hoàn cảnh này cảm thấy được an ủi rất nhiều.
Ngày 4/5 em tôi chở chúng tôi đi tham quan Praha.
Lúc này nắng ấm đã lên, "Quảng trường Con Ngựa" nhộn nhịp khách du lịch đủ màu da. Quảng trường Thánh Václav người Việt Nam tại Sec quen gọi là "Quảng trường Con Ngựa" là một phần trung tâm của lịch sử Prague, một Di sản Thế giới.
Quảng trường này kéo dài thẳng xuống "Quảng trường Con Gà" theo cách gọi của người Việt. Đây là nơi có cột đồng hồ thiên văn Prague (đồng hồ Con Gà) từ thời trung cổ được lắp đặt lần đầu tiên vào năm 1410, mỗi một tiếng lại có hồi chuông ngân lên, các Vị Thánh hiện ra trên cửa sổ và chú gà nhảy ra chào đón khách tham quan, hết hồi chuông lại lui vào trong tháp. Bên trái Quảng trường Con Gà là các tòa tháp rất đẹp, mặt đường lát những viên đá cổ, một hàng xe ngựa đã thắng sẵn để phục vụ khách tham quan.
Đi tiếp là tới cầu Charles mà người Việt quen gọi là "Cầu Tình yêu". Đây là cây cầu cổ kính và lãng mạn nhất Prague. Trước đây, trên thành cầu là những chiếc khóa chồng chất theo năm tháng, chính quyền thành phố đã phải ra lệnh cưa bớt khóa, chỉ để lại một ít tượng trưng vì lo sập cầu. Khách tham quan mải mê ngắm mặt sông êm đềm, cảnh đẹp hai bên bờ sông và đập tràn nhô lên trên mặt sông trắng xóa... Tôi nhớ lại lần thứ nhất đến đây vào tháng 1 năm 2017, khi ấy còn lạnh lắm. Những bầy thiên nga, vịt trời đậu kín, bay là là trên mặt nước; những chú vẹt đủ màu sắc trên cầu sẵn sàng chụp ảnh cùng khách tham quan...
Lưu luyến chia tay Quảng trường trung tâm Prague sau khi bước trên những bậc thang lát đá của Bảo tàng, chúng tôi tiến về Trung tâm thương mại SaPa, nơi bà con Việt Nam tập trung buôn bán. Đủ các dịch vụ như ở các chợ Việt Nam, các biển hiệu bằng tiếng Việt, các nhà hàng ăn uống nhộn nhịp và điểm nhấn trong chợ là Chùa Linh Nghiêm nơi gửi gắm tâm linh của bà con người Việt. Người Việt từ khắp các vùng miền cần cù làm ăn, buôn bán và gây dựng cuộc sống tại đây. Rất nhiều người thành đạt. Mặc dù do ảnh hưởng suy thoái của đại dịch, cộng thêm chiến sự tại Ukraine làm đảo lộn cuộc sống của Châu Âu nhưng bà con vẫn bám trụ, hy vọng vào một ngày mai sáng sủa hơn...