Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, hết 4 tháng năm 2022, cán cân kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam và Hoa Kỳ đạt 40,8 tỷ USD, đứng thứ 2 sau Trung Quốc. Tuy nhiên, về giá trị xuất khẩu, Mỹ là đối tác số 1 của Việt Nam với kim ngạch đạt 36,2 tỷ USD, bằng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước trong 4 tháng qua.
Giá trị xuất nhập khẩu của Hoa Kỳ gấp từ 3-5 lần so với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với các thị trường EU và ASEAN cộng lại trong 4 tháng qua.
Các mặt hàng xuất nhập khẩu chính của Việt Nam sang Hoa Kỳ và ngược lại là Gỗ với 3,3 tỷ USD, chiếm 59% giá trị xuất khẩu gỗ của Việt Nam ra các nước; mặt hàng dệt may xuất sang Hoa Kỳ đạt 5,9 tỷ USD, chiếm 50% giá trị xuất khẩu; mặt hàng giày dép đạt 3,1 tỷ USD, chiếm 42%; các mặt hàng máy vi tính, điện thoại mỗi loại xuất khẩu từ 4-4,4 tỷ USD, chiếm trên 20% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam…
Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng nhập lượng lớn hàng hoá từ Hoa Kỳ, trong đó có máy móc, nguyên liệu, thực phẩm, ô tô. Mặt hàng máy móc từ Mỹ bước đầu đã đạt con số 1,2 tỷ USD trong 4 tháng qua; trong khi đó mặt hàng bông sợi luôn có kim ngạch nhập khẩu ổn định với gần 400 triệu USD, chiếm 1/3 giá trị bông nhập khẩu của Việt Nam.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 4 tháng năm 2022 giữa Việt Nam và Hoa Kỳ tăng hơn 19,6% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng hơn 63% so với cùng kỳ 2020.
Trong năm 2021, bất chấp biến động của đại dịch Covid-19, kim ngạch thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ vẫn đạt thành tựu rực rỡ. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ ghi nhận con số 111,56 tỷ USD, tăng gần 21 tỷ USD so với năm 2020.
Hoa Kỳ trở thành thị trường thương mại trên 100 tỷ USD thứ 2 của Việt Nam sau Trung Quốc. Đây là dấu mốc lớn nhất kể từ khi hai nước bình thường hoá quan hệ năm 1995 và ký nhiều hiệp định hợp tác song và đa phương.
Trong năm 2020, kim ngạch thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ đạt 90,8 tỷ USD, tăng gần 20% so với năm 2019. Trong đó, xuất khẩu đạt trên 77 tỷ USD, tăng 19%; nhập khẩu đạt trên 13,7 tỷ USD.
Bắt đầu từ năm 1995, khi Hoa Kỳ dỡ bỏ lệnh cấm vận Việt Nam, khi ấy kim ngạch thương mại giữa hai nước chỉ vỏn vẹn 450 triệu USD, sau 26 năm ký hàng loạt hiệp định như Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ (2000); Quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn cho Việt Nam (năm 2006); Hiệp định khung về thương mại và đầu tư (năm 2007) và Hiệp định xác lập quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ năm 2013, thương mại giữa hai nước đạt thành tựu rất lớn tăng 247 lần sau 26 năm.
Năm 2021, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, có tới 13 nhóm hàng xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên, trong đó có 3 nhóm đạt hơn 10 tỷ USD.
Nhóm hàng xuất khẩu đạt kim ngạch lớn nhất là máy móc, thiết bị với 17,82 tỷ USD (chiếm 46% kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam sang các nước), dệt may 16,1 tỷ USD (chiếm 50% giá trị xuất khẩu), máy vi tính, điện tử và linh kiện đạt 12,76 tỷ USD (chiếm 1/4 giá trị).
Mỹ cũng là thị trường nhập khẩu nhiều tỷ USD gỗ, nông thủy sản từ Việt Nam, trong đó, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường này đạt 8,77 tỷ USD, thủy sản hơn 2 tỷ USD, hạt điều hơn 1 tỷ USD.
Chiều ngược lại, năm ngoái Việt Nam chi 15,27 tỷ USD nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ, tăng 11,4% so với năm 2020 và chiếm 4,6% kim ngạch cả nước.
2 nhóm hàng nhập khẩu có kim ngạch 1 tỷ USD trở lên là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 4,79 tỷ USD; bông 1,17 tỷ USD, máy móc, dụng cụ nhập gần 1 tỷ USD. Ngoài ra còn có các mặt hàng khác như chất dẻo, đậu tương, phế liệu sắt thép đạt kim ngạch từ 500 đến 700 triệu USD.
Tầm quan trọng của hợp tác về thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ không chỉ dừng lại ở trao đổi hàng hoá giữa hai nước mà kinh tế Mỹ - Việt còn hiện diện trong quá trình phát triển của nhau.
Vốn đầu tư của các doanh nghiệp Hoa Kỳ trực tiếp hoặc gián tiếp từ nước thứ 3 vào Việt Nam kể từ khi hai nước xác lập mối quan hệ kinh tế song phương, đa phương ngày càng nhiều. Điển hình phải kể đến những cái tên như Intel, Ford, Nike, P&G, Exxon Mobil, Murphy Oil, Chevron, Boeing, Wal-Mart, Amazon..
Tính đến nay, tính về số vốn đầu tư trực tiếp Hoa Kỳ là đối tác đầu tư thứ 11/141 đối tác, vùng lãnh thổ có vốn đầu tư vào Việt Nam. Ngoài đầu tư trực tiếp, các doanh nghiệp Hoa Kỳ còn đứng sau các công ty con, trung gian, liên doanh với đối tác thứ ba đầu tư vào Việt Nam ngày càng lớn.
Với tầm quan trọng đặc biệt và sự gần gũi, tin tưởng ngày càn cao, Hoa Kỳ nhanh chóng xác lập là 1 trong 10 đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KH&ĐT, hiện vốn FDI của Hoa Kỳ vào Việt Nam trải trên 1.100 dự án, tổng vốn đăng ký ước đạt 10,3 tỷ USD.
Trong khi đó, số vốn đầu tư, các nhà đầu tư của Việt Nam sang Hoa Kỳ làm ăn ngày càng nhiều, ở các dự án kinh doanh, đầu tư khác nhau. Tháng 3 vừa qua, Tập đoàn tư nhân hàng đầu Việt Nam, VinFast đã ký hợp đồng xây dựng nhà máy sản xuất xe ô tô điện và pin tại Mỹ với tổng vốn ước tính khoảng 4 tỷ USD. Đây là số vốn đầu tư lớn nhất của doanh nghiệp Việt trên đất Mỹ và hứa hẹn tạo 7.000 việc làm cho người dân Mỹ.
Cùng với hợp tác thương mại, hợp tác đầu tư giữa hai nước đã, đang và sẽ chứng tỏ được vị thế kinh tế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu và tầm quan trọng của Việt Nam trong mắt các doanh nghiệp Mỹ.
Với việc tham gia Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), gia nhập Tổ chức Kinh tế Thế giới WTO (2006), tham gia vào sân chơi lớn ở khu vực, liên khu vực và thế giới như ASEAN, CPTPP, EVFTA sắp tới là RCEP… Vị thế của Việt Nam đang ngày càng được khẳng định, trở thành chủ nhà của nhiều hội nghị, diễn đàn lớn về kinh tế, đối ngoại lớn của khu vực và thế giới.
Với Hoa Kỳ, Việt Nam không chỉ trở thành bạn hàng lớn, nhà xuất khẩu lớn nhất cho thị trường này mà đang trở thành đối tác hợp tác đầu tư, thương mại và chia sẻ các lợi ích song và đa phương trong chuỗi giá trị toàn cầu, địa chính trị kinh tế khu vực và liên khu vực.