Buổi tọa đàm diễn ra ngay sau đợt mưa lũ dị thường, có ý nghĩa vô cùng quan trọng nhằm hướng dẫn nông dân giải pháp khắc phục thiệt hại và tái sản xuất phù hợp với biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng gay gắt.
Theo báo cáo của Sở NNPTNT tỉnh Quảng Trị, từ ngày 31/3-2/4/2022, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã xảy ra mưa rất lớn, gây lũ lụt dị thường trên diện rộng.
Ngoài thiệt hại về người, nhà ở, hạ tầng, lũ lụt bất thường đã ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất, khiến 11.718ha lúa (70% thiệt hại hoàn toàn) và 2.528ha hoa màu bị hư hỏng (trên 90% thiệt hại hoàn toàn). Ước tính tổng thiệt hại lên tới 1.000 tỷ đồng. Thiệt hại do lũ dị thường đã ảnh hưởng đến an ninh lương thực của khoảng 50.000 hộ dân tỉnh Quảng Trị.
Bà Nguyễn Thị Hồng Phương - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Quảng Trị cho biết, theo đúc kết của ông cha ta có câu: "Lúa trổ Thanh minh thì vinh cả xã/Lúa trổ Cốc vũ no đủ mọi nhà", căn cứ vào đó, Sở NNPTNT tỉnh Quảng Trị chủ động lên lịch thời vụ phù hợp, mọi năm gặt hái vụ mùa bội thu.
Để kịp thời cho bà con gieo trồng vụ hè thu, hội thảo thống nhất tiếp tục kiến nghị Chính phủ sớm xuất cấp giống, có cơ chế hỗ trợ vốn vay cho các hợp tác xã, người dân để mua phân bón, kịp thời tái sản xuất.
Thế nhưng, đợt mưa lũ năm nay quá dị thường, 60 năm mới diễn ra một lần, gây thiệt hại chưa từng thấy, đời sống nhân dân vô cùng khó khăn. Thời tiết, khí hậu ngày càng thay đổi khắc nghiệt hơn do biến đổi khí hậu.
Vì vậy, chúng ta cần có những giải pháp phù hợp để giảm thiểu thiệt hại, cải thiện môi trường.
Theo đó, buổi toạ đàm tập trung bàn giải pháp tổng hợp để khắc phục thiệt hại trên cây lúa và hoa màu có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong vụ hè thu và những năm tiếp theo, nhằm sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tại buổi toà đàm, ông Nguyễn Như Đá - Giám đốc Hợp tác xã Thọ Bắc, xã Hải Thọ, huyện Hải Lăng, đề nghị cơ quan chính quyền hỗ trợ giống cây trồng cho bà con nông dân, đặc biệt là lúa giống, phân bón để người dân kịp thời gieo cấy vụ hè thu trước 20/5, thu hoạch trước 25/8 nhằm tránh lũ gây thiệt hại; bên cạnh đó cần có chính sách hỗ trợ nông dân lãi vay, cho vay vốn sản xuất.
Ông Hồ Sỹ Anh - Giám đốc Hợp tác xã Đơn Quế (xã Hải Quế, huyện Hải Lăng) cho biết, hệ thống đê bao, bơm chống úng của xã đang bị xuống cấp, công suất nhỏ nên cần hỗ trợ nâng cấp.
Ông Dương Viết Hải - Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng cho hay, vụ đông xuân đã mất, vì vậy mối quan tâm hiện nay là làm sao vụ hè thu phải thắng lợi để đảm bảo an ninh lương thực. Muốn thắng lợi phải gieo trồng sớm giống ngắn ngày, thu hoạch trước mùa lũ tháng 8. Tuy nhiên, vấn đề thiếu giống đang rất nan giải.
Vì vậy, ông Hải đề nghị Sở NNPTNT, UBND tỉnh tiếp tục bám sát, kiến nghị Chính phủ xuất cấp giống lúa hỗ trợ nông dân kịp thời sản xuất.
Tại cuộc tọa đàm, lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành đã đưa ra một số giải pháp khắc phục thiệt hại trên cây lúa và hoa màu. Việc đầu tiên phải làm là xử lý, vệ sinh đồng ruộng trước khi gieo, trồng trở lại. Cần tập trung cắt thân lúa tận gốc, đưa ra khỏi đồng ruộng để ủ phân, tủ gốc… Dùng 500kg vôi/ha rải đều trên đồng ruộng.
Sau khi bón vôi 5-7 ngày, tiến hành phun các chế phẩm xử lý gốc rạ như Sumitri và tiến hành cày lật gốc rạ nhằm hạn chế ngộ độc hữu cơ cây lúa vụ hè thu. Việc xử lý vôi và chế phẩm phải triển khai trước khi gieo 7-10 ngày.
Sau khi thu hoạch cần sử dụng 500kg vôi/ha và 20kg chế phẩm Sumitri để bón trên đồng ruộng. Sau đó, cày lật để diệt trừ nguồn sâu bệnh trước khi gieo, trồng trở lại.
PGS - TS Trần Thị Thu Hà – giảng viên cao cấp Trường Đại học Nông Lâm Huế nêu giảp pháp sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu như: Cần tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, thay đổi cơ cấu giống lúa chống chịu mưa lũ, sử dụng các chế phẩm sinh học, vi sinh học, sản xuất thân thiện với môi trường…
Sở NNPTNT tỉnh Quảng Trị khuyên bà con nông dân nên gieo trồng lạc, ngô ăn trái, rau các loại hoặc dưa hấu, vừng, đậu xanh ở các chân đất cạn.
Bà Nguyễn Thị Hồng Phương – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Quảng Trị cho hay, sau lũ dị thường, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo các địa phương khẩn trương khắc phục hậu quả; thống kê thiệt hại; đồng thời đề xuất Chính phủ hỗ trợ 900 tấn giống lúa và 300 tấn giống ngô, rau, đậu các loại cho nông dân tái sản xuất. Tuy nhiên, đến nay Chính phủ chưa có quyết định xuất cấp hỗ trợ.
Trước mắt, bằng nhiều cách khác nhau, UBND tỉnh Quảng Trị, Sở NNPTNT đã liên hệ các đơn vị cho các địa phương bị thiệt hại tạm ứng giống cây trồng cho bà con sản xuất kịp thời vụ hè thu, nhưng mới chỉ đáp ứng 1/3 nhu cầu về lúa giống.