Chia sẻ với phóng viên Dân Việt, Thu Hồng cho biết, cô sinh ra và lớn lên ở Cồn Dơi - vùng đất quanh năm được phù sa bồi đắp nên phì nhiêu, màu mỡ, trồng cây gì tốt tươi cây ấy. Trong số đó không thể không kể đến chôm chôm.
Loại quả cứ đến chính vụ thu hoạch là cả một vùng hiện lên màu chín đỏ, cây nào cũng sai trĩu cành, cộng với tiếng chim gọi bầy kêu ríu rít, không khí một màu xanh trong lành của miền Tây sông nước cuốn hút bất kỳ ai đến với vùng đất này.
Hồng bảo với tôi rằng, ngôi nhà của gia đình cô nằm bên bờ sông Tiền, nơi ghi dấu ấn nhiều kỷ niệm cùng đám bạn thời thơ ấu. Bây giờ vì công việc, mưu sinh nên mỗi người một nơi, người thì ở nước ngoài, đứa lập nghiệp Sài Gòn, còn cô thì vẫn đeo đuổi đam mê lập nghiệp ở mảnh đất Cồn Dơi này. Hồng nói "mơ ước của em là tạo ra nhiều việc làm cho người dân quê mình, ở đây còn nhiều người đang thất nghiệp, họ không có tay nghề, ít được học hành nên cuộc sống mưu sinh còn khó khăn lắm".
Trò chuyện với tôi, Hồng nhớ lại khoảng 5 năm trước, ở Phú Đức bạt ngàn chỉ toàn vườn chôm chôm chứ không trồng nhiều sầu riêng và mít như bây giờ. Tới mùa vụ, giá loại quả chôm chôm rất rẻ chỉ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.
Thậm chí, có khi bán không được phải chế biến nấu nước màu bán, vườn nhà ai may mắn ra loại quả sớm thì bán được giá hơn.
Cô kể, thương lái họ ép giá, lại thêm phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc nên chôm chôm vẫn khó bán, nếu bán được thì giá của loại quả này cũng... rẻ bèo.
Lúc đó, mơ ước giản đơn trong đầu của cô gái trẻ này là làm sao có thể giúp cho gia đình, bà con sau khi thu hoạch có thể bảo quản chôm chôm được lâu hơn, cũng như tìm đầu ra ổn định, mang lại lợi nhuận cho người làm vườn, để họ an tâm trồng trọt.
"Nhìn từng vườn chôm chôm bị chặt bỏ em thấy buồn lắm. Nhiều vườn chôm chôm có tuổi đời hàng chục năm cũng bị đốn chặt không thương tiếc", Hồng nói.
Và rồi cơ duyên đã đến, với kiến thức hơn 3 năm làm nhân viên kiểm soát chất lượng thực phẩm tại một nhà máy sản xuất cá phi lê đông lạnh và chút ít kinh nghiệm mua bán trái cây "lề đường", trong một dịp về quê nghỉ lễ, thấy loại quả này bán giá rẻ quá, Hồng cùng mấy chị em trong gia đình mua về, bỏ vỏ, lấy cùi bên trong xào lên làm mứt để ăn thử. Thật bất ngờ, sản phẩm làm ra có thể ăn được luôn, mùi thơm, có vị béo bùi như đậu phộng.
Sau đó, cô làm thêm mứt chôm chôm để tặng bạn bè, người thân, ai ăn cũng tấm tắc khen ngon. Và từ đây, cô cũng bắt đầu tập tành đăng lên Facebook để bán online. Kết quả đến khá bất ngờ, dịp Tết 2017, cô bán được gần 6 tấn mứt chôm chôm thành phẩm.
"Từ kết quả bất ngờ này, tôi chính thức nghỉ làm ở công ty để tập trung toàn sức vào làm mứt chôm chôm", Hồng chia sẻ.
Những ngày đầu, để làm thành phẩm mứt chôm chôm, các công đoạn đều làm thủ công. Cô huy động cả gia đình cùng tham gia làm, công việc mỗi ngày bắt đầu từ 4 giờ sáng đến 22 giờ đêm.
Trong suốt quá trình khởi nghiệp làm mứt chôm chôm, Hồng cho biết, may mắn cũng có và khó khăn cũng nhiều. Lúc đầu chưa có kinh nghiệm nên sản phẩm bị lỗi, không đạt chất lượng, màu không chuẩn, vị quá ngọt....dẫn đến phải đem bỏ.
Nhưng rồi, những khó khăn ấy cũng dần qua đi, Hồng đã cải tiến từng khâu chế biến, bắt đầu áp dụng máy móc vào sản xuất. Ban đầu chôm chôm được sấy bằng ánh sáng mặt trời tự nhiên. Còn hiện tại cô đã chuyển qua sấy bằng máy điện, mứt dẻo hơn, vị chua dịu và ngọt thanh, ăn không bị ngán.
Hồng cho biết, 1 tấn chôm chôm tươi sau khi sơ chế, chế biến được thành phẩm chỉ còn được 150 kg. Sau khi thu mua chôm chôm tươi, công nhân sẽ tách vỏ, rửa sạch qua 3 nước, sau đó ướp với đường khoảng 6 tiếng. Tiếp đó, là xào loại quả trên bếp củi, trong quá trình xào cho thêm nước ép từ dứa và quả tắc để tạo vị chua tự nhiên, trong bóng, sau khi đạt độ chín, dẻo, chuyển màu vàng sẽ tiến hành sấy 10 tiếng thì để nguội và đóng gói.
Hiện cơ sở của Hồng sản xuất mứt chôm chôm để hạt và chôm chôm tách hạt sấy dẻo. Cơ sở thường xuyên tạo công ăn việc làm từ 8 đến 10 lao động. Năm 2021, sản phẩm được UBND tỉnh Bến Tre công nhận đạt OCOP 3 sao.
Cô cho hay, sản phẩm mang thương hiệu "mứt chôm chôm sấy dẻo cô Chín", là bởi đây tên mẹ của mình. "Em để tên sản phẩm như vậy là để nhắc nhở mọi người trong gia đình luôn nhớ đến mẹ, người phụ nữ chịu thương, chịu khó, ý chí và kiên cường, người giúp em vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống, hễ có khó gì cứ hỏi mẹ sẽ.... thông hết", cô nở nụ cười mãn nguyện nói.