Thêm 4 sản phẩm nông sản, trong đó có chôm chôm, bột quế bị cảnh báo, doanh nghiệp cần chuẩn bị gì?
Thêm 4 sản phẩm nông sản, trong đó có chôm chôm, bột quế bị cảnh báo, doanh nghiệp cần chuẩn bị gì?
P.V
Thứ năm, ngày 11/11/2021 17:45 PM (GMT+7)
Tại cuộc tọa đàm "Nhìn lại công tác chỉ đạo điều hành vượt khó của ngành nông nghiệp giữa đại dịch Covid-19" do Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Báo NTNN/Dân Việt tổ chức ngày 11/11, Văn phòng SPS cho biết, có 4 sản phẩm: Chôm chôm, mộc nhĩ khô, hạt tiêu đen, bột quế của một số doanh nghiệp Việt Nam đã bị EU cảnh báo.
4 nông sản bị EU cảnh báo, sản phẩm bột quế bị đánh giá mức độ rủi ro nghiêm trọng
Theo Văn phòng SPS Việt Nam, trong tháng 10 năm 2021, Văn phòng SPS Việt Nam tiếp tục nhận được 4 cảnh báo về an toàn thực phẩm và thức ăn chăn nuôi của Liên minh châu Âu đối với sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam do vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm.
Cụ thể, trong cảnh báo số 2021.5398 ngày 07/10/2021, sản phẩm quả chôm chôm của Công ty xuất nhập khẩu và dịch vụ thương mại Khang An (TP. Hồ Chí Minh) bị Italy cảnh báo do mối nguy tồn dư thuốc bảo vệ thực vật gồm: Imidacloprid, Cypermethrin, Thiamethoxam, Clothianidin, Phenylphenol và chất cấm Permethrin, Profenofos có thể ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Mức độ rủi ro: Không xác định.
Sản phẩm mộc nhĩ khô của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Hanofood (Hải Dương) cũng bị Cộng hòa Liên bang Đức cảnh báo và thu hồi sản phẩm trên thị trường.
Nguyên nhân do ngành chức năng Đức phát hiện dư lượng Chlorpyrifos ở mức 0,24 ± 0,12 ppm, trong khi quy định mức dư lượng tối đa Chlorpyrifos đối với sản phẩm trên là 0,01 ppm. Đức đánh giá mức độ rủi ro là nghiêm trọng.
Sản phẩm hạt tiêu đen của Công ty TNHH Synthite Việt Nam (Bình Dương) cũng bị Tây Ban Nha từ chối nhập tại cửa khẩu do phát hiện dư lượng Chlorpyrifos ở mức 0,035±0,018 ppm, trong khi quy định mức dư lượng tối đa Chlorpyrifos đối với sản phẩm trên là 0,01 ppm.
Sản phẩm bột quế (Công ty CP Visimex, Hà Nội)) bị phía Italy cảnh báo do phát hiện vi khuẩn Bacillus cereus ở mức 16.000 CFU/g, trong khi mức cho phép tối đa 1.000 CFU/g. Italy đánh giá mức độ rủi ro là nghiêm trọng.
Theo Văn phòng SPS Việt Nam, cũng trong tháng 10/2021, trên Hệ thống cảnh báo (RASFF) có trên 400 thông báo đối với lô hàng của các quốc gia nhập khẩu hoặc lưu thông trên thị trường EU vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm.
Các nước dựng hàng rào kỹ thuật, doanh nghiệp cần chuẩn bị gì?
Chia sẻ tại Tọa đàm trực tuyến: "Nhìn lại công tác chỉ đạo, điều hành vượt khó của ngành nông nghiệp giữa đại dịch Covid-19" do Bộ NNPTNT phối hợp với Báo Nông thôn ngày nay/Dân Việt tổ chức, ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho biết, những cảnh báo của thị trường nhập khẩu không hẳn là rào cản mà chúng ta cần nhận thức lại cho đúng.
Khi tham gia WTO, điều kiện bắt buộc là thành lập hỏi đáp, minh bạch kiểm dịch động, thực vật…và biện pháp SPS mục tiêu để bảo vệ sức khỏe của con người.
Các quốc gia khi tham gia WTO đều phải xây dựng SPS. Phân bố sinh vật trên thế giới hoàn toàn khác nhau, các quốc gia phải có trách nhiệm, chính vì vậy phải xây dựng SPS.
"Người ta đưa ra quy định, nghiên cứu dựa trên cơ sở khoa học, thông qua đánh giá rủi do thì đương nhiên mình phải thay đổi để đáp ứng yêu cầu thị trường. Chúng ta không nên quá nóng vội, nếu chạy theo xuất khẩu, số lượng thì chỉ “ăn xổi". Các doanh nghiệp phải nghiên cứu để phù hợp với nhu cầu của thị trường, từ đó tổ chức lại canh tác" - ông Nam nói.
Ông Nam cũng khuyến cáo các doanh nghiệp phải có bộ phận nghiên cứu kỹ thuật để đáp ứng kịp thời các thay đổi của thị trường.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.