Quảng Ninh: Đặc sản trông như quả chôm chôm nhưng ở dưới biển, được thượng đế mê mệt coi như "nhân sâm biển"

Cổng TTĐT Vân Đồn Thứ năm, ngày 23/12/2021 14:39 PM (GMT+7)
Dù mùa Cầu Gai chỉ kéo dài từ tháng ba cho đến tháng bảy Âm lịch nhưng đã đem lại cho ngư dân xã Quan Lạn (Vân Đồn, Quảng Ninh) nguồn thu nhập khá sau mỗi vụ.
Bình luận 0
Quảng Ninh: Đặc sản trông như quả chôm chôm nhưng ở dưới biển, được thượng đế mê mệt coi như "nhân sâm biển" - Ảnh 1.

Ngư dân thôn Yến Hải – Quan Lạn được mùa Cầu Gai

Cầu Gai không chỉ được biết tới là một món ăn ngon mà còn được ví như “Nhân sâm biển” bởi các dưỡng chất có trong trứng (gạch) Cầu Gai. Trong đó điển hình nhất là lượng Protein quý giá và nguồn Vitamin phong phú. Bên trong Cầu Gai có cả vitamin A và E, có tác dụng đến nhiều cơ quan của cơ thể. Đồng thời kết hợp cùng canxi và iốt mang lại nguồn dinh dưỡng quý báu. Đặc biệt, đây là một trong số ít động vật có hàm lượng chất xơ cao. Thích hợp làm món ăn cho người đang có chế độ giảm cân hay ăn kiêng. Tuy vậy vẫn cung cấp đầy đủ năng lượng và axit béo có lợi cho cơ thể như Omega 3…

Ghi nhận tại thôn Yến Hải xã Quan Lạn, những ngày trời yên, biển lặng là thời điểm ngư dân vào vụ mùa khai thác Cầu Gai. Vào khoảng 5 giờ đến 15 giờ mỗi ngày, khu vực các gành đá gần bờ biển Quan Lạn luôn diễn ra cảnh nhộn nhịp, có rất đông ngư dân hành nghề lặn Cầu Gai biển. Để bắt được Cầu Gai biển, các ngư dân lặn xuống, sau đó dùng móc sắt để giật cho con cầu gai rơi ra, rồi nhặt cho vào sọt. Trung bình mỗi ngư dân bắt được từ 50 -100kg Cầu Gai vỏ một ngày.

Quảng Ninh: Đặc sản trông như quả chôm chôm nhưng ở dưới biển, được thượng đế mê mệt coi như "nhân sâm biển" - Ảnh 2.

Cầu Gai có hình tựa trái chôm chôm, màu đen thẫm

Cầu Gai thuộc loại nhuyễn thể sống ở những gành đá ven bờ biển. Khi nhỏ, Cầu Gai tựa trái chôm chôm, màu đen thẫm. Lớn lên, có hình tròn dẹt, đường kính khoảng 8-10 cm; dày 3 - 4 cm, bên ngoài có rất nhiều gai. Phần thịt bên trong (thường gọi là trứng Cầu Gai) rất ít so với khối lượng vỏ của chúng. Thớ thịt của cầu gai được cấu tạo thành hình sao 5 - 8 cánh, bám dọc theo vỏ, có màu cam hoặc màu vàng.

Theo các ngư dân thôn Yến Hải - Quan Lạn cho biết: Giờ là mùa săn Cầu Gai bán cho các nhà hàng, các tiểu thương nên thu nhập cũng khá hơn so với đi biển bình thường. Nghề này đa số dành cho trai tráng và những người có sức khỏe. Cả ngày, cứ ngụp lặn dưới nước, bám vào ghềnh đá tìm Cầu Gai.

Quảng Ninh: Đặc sản trông như quả chôm chôm nhưng ở dưới biển, được thượng đế mê mệt coi như "nhân sâm biển" - Ảnh 3.

Trứng là phần có giá trị kinh tế nhất của con Cầu Gai.

Cầu Gai sau khi bắt dưới biển lên được ngư dân đem về rửa sạch, tách làm đôi, sau đó dùng dao hay thìa bóc tách lấy phần trứng bên trong lớp vỏ lởm chởm gai nhọn. Công việc làm sạch trứng Cầu Gai cũng không hề đơn giản, nếu không lấy phần bọng cát màu đen và gân máu bên trong nó bỏ đi, khi chế biến món ăn sẽ rất tanh. Trứng Cầu Gai là phần có giá trị kinh tế nhất của con Cầu Gai. Trung bình 15kg -17kg vỏ sẽ bóc được 1kg trứng Cầu Gai. Số trứng Cầu Gai này thường được nhập cho các nhà hàng hoặc thương lái chuyển đi Trung Quốc với giá rất cao, từ 500.000 đồng - 700.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm lên đến cả triệu đồng mỗi kg.

Người dân Quan Lạn thường chế biến thành các món ăn như mắm Cầu Gai, canh Cầu Gai, chả Cầu Gai, cháo Cầu Gai, Cầu Gai nướng mỡ hành… Đặc biệt, Cầu Gai còn được du khách khi đến du lịch trên đảo tìm mua về ngâm rượu làm quà biếu.

Với giá thành cao và nhiều giá trị dinh dưỡng đem lại nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe, Cầu Gai là món "lộc biển" đem lại giá trị kinh tế cho ngư dân tại Yến Hải - Quan Lạn.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem