“Thủ tướng Johnson đã mang đến cho Kiev hai thông điệp đơn giản. Phải gây áp lực lên ông Putin. Không thể đàm phán. Và thứ hai, nếu bạn (Ukraine) sẵn sàng ký bất kỳ thỏa thuận nào với ông ta (Putin), thì chúng tôi sẽ không tham gia. Chúng tôi có thể thỏa thuận với bạn, nhưng không phải với ông ấy” - tờ báo dẫn lời một nguồn tin nội bộ trong chính quyền của Tổng thống Ukraine Zelensky cho biết khi nói về chuyến thăm Kiev của Thủ tướng Boris Johnson.
Ông Johnson còn cho rằng, "các nước phương Tây, vào tháng Hai đã kêu gọi Zelensky đầu hàng và bỏ chạy, giờ đây đã cảm thấy rằng ông Putin không thực sự toàn năng như mọi người vẫn tưởng" - tờ báo viết. Hơn nữa còn có cơ hội “ép” ông Putin và phương Tây muốn sử dụng nó.
Trong các phát biểu trước công chúng trong chuyến đi của mình, Thủ tướng Johnson thề rằng Vương quốc Anh - cùng với Hoa Kỳ, Đức và các cường quốc phương Tây khác - sẽ tiếp tục tăng cường “hỗ trợ quân sự và kinh tế cũng như triệu tập một liên minh toàn cầu để chấm dứt thảm kịch này, và đảm bảo Ukraine tồn tại và phát triển như một quốc gia tự do và có chủ quyền".
Trong những tuần trước chuyến thăm ngày 9 tháng 4 của ông Johnson, các cuộc đàm phán ngoại giao cấp cao tổ chức ở Belarus và Thổ Nhĩ Kỳ đã không đạt được bước đột phá ngoại giao, mặc dù các báo cáo vào giữa tháng 3 chỉ ra rằng các phái đoàn Nga và Ukraine "đã đạt được tiến bộ đáng kể" để đạt được thỏa thuận hòa bình 15 điểm, trong đó iên quan đến việc Ukraine từ bỏ tham vọng NATO để đổi lấy việc Moscow rút quân.
Tuy nhiên, các cuộc đàm phán kể từ đó đã đi vào bế tắc khi Nga tiếp tục mở rộng chiến sự.
Ngày 12/4, Tổng thống Nga Putin tuyên bố rằng các cuộc đàm phán hòa bình đã đi vào "ngõ cụt". Và trong khi Zelensky yêu cầu một cuộc gặp trực tiếp với Putin vào cuối tháng 3, một trong những cố vấn của Tổng thống Ukraine cho biết trong một cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh vào tháng trước rằng "đây vẫn chưa phải là thời điểm cho các cuộc đàm phán giữa hai tổng thống."
Thủ tướng Johnson trước đó cũng đã công khai bác bỏ triển vọng về một giải pháp ngoại giao sắp xảy ra cho cuộc xung đột. Phát biểu với báo giới ngày 20/4, Thủ tướng Anh nói: “Rất khó để thấy người Ukraine có thể đàm phán với Putin bằng cách nào khi ông ấy tỏ ra thiếu thiện chí”.
Không rõ Tổng thống Zelensky phản ứng như thế nào trước sự thúc đẩy của Thủ tướng Johnson để tạm dừng các cuộc đàm phán hòa bình. Cùng ngày thủ tướng Anh đến Kyiv, Zelenskyy nói với hãng tin AP trong một cuộc phỏng vấn rằng "không ai muốn đàm phán với một người hoặc những người đã tra tấn quốc gia này."
Tuy nhiên, ông Zelensky nói thêm, "chúng tôi không muốn đánh mất các cơ hội, nếu chúng tôi có, cho một giải pháp ngoại giao."
Hôm 6/5, ông Zelensky cho biết trong phát biểu trực tuyến với tổ chức tư vấn Chatham House của Anh rằng "không phải tất cả các cây cầu" dẫn đến một giải pháp hòa bình với Nga "đều bị phá hủy”.
Bài báo của Pravda, cùng với các tuyên bố công khai của Johnson và các nhà lãnh đạo phương Tây khác, làm dấy lên lo ngại lâu nay rằng các cường quốc toàn cầu đang cố loại bỏ cơ hội đạt được một giải pháp ngoại giao cho cuộc chiến Ukraine.
"Chính phủ Anh đã trở thành một trở ngại cho hòa bình ở Ukraine bằng cách khuyến khích tiếp tục chiến tranh thông qua các chuyến hàng vũ khí khổng lồ và những lời hùng biện mang tính kích động", Lindsey German, người triệu tập của Liên minh Ngừng Chiến tranh có trụ sở tại Anh, cho biết trong một tuyên bố ngày 6/5. " Xung đột ở đó đang phát triển thành một cuộc chiến ủy nhiệm giữa Nga và NATO và chính người dân Ukraine sẽ là người gánh chịu hậu quả".