Dân Việt

Nuôi động vật hoang dã, nhiều con có trong Sách Đỏ Việt Nam, nông dân nơi này của Hậu Giang khá giả

Duy Khánh 14/05/2022 06:01 GMT+7
Ngoài thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, huyện Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang) còn biết đến là địa phương phát triển rất mạnh các mô hình nuôi động vật hoang dã cho giá trị kinh tế cao.

Với tổng đàn bố mẹ 270 con, mỗi năm trang trại cua đinh giống Nguyệt Lâm, ở xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) , cung ứng cho người nuôi ở khắp các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long gần 1.500 con cua giống, với giá bán dao động từ 500.000-800.000 đồng/kg (tùy vào ngày tuổi). 

Theo chủ trang trại, trung bình một bể xi măng 20m2 có thể thả nuôi được từ 15-20 con giống. Sau 3 năm thả nuôi sẽ đạt trọng lượng từ 4-5kg, với giá bán như hiện nay, trừ hết chi phí con giống, thức ăn người nuôi lãi gần 1,5 triệu đồng/con.

Nuôi động vật hoang dã, nhiều con có trong Sách Đỏ Việt Nam, nông dân nơi này của Hậu Giang khá giả - Ảnh 1.

Mỗi năm, anh Ngôn, thị trấn Cây Dương, huyện Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang) thu về hơn 200 triệu đồng từ việc bán rắn ri voi giống.

Chị Trần Thị Mộng Tuyền, chủ trang trại cua đinh Nguyệt Lâm, cho biết: “Hai năm gần đây tuy ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, việc tiêu thụ cua đinh có chậm hơn trước đây nhưng mỗi năm trang trại cũng xuất bán hết lượng cua giống sinh sản. Cua giống của trang trại được tuyển chọn kỹ càng nên được người nuôi tin tưởng khắp nơi tìm đến để mua giống. Nhiều thời điểm hết giống bà con phải đặt hàng vài tháng”.

Không chỉ có con cua đinh, con rắn ri voi cũng đang là loài vật nuôi đặc trưng của huyện Phụng Hiệp. Như trường hợp của anh Trương Thành Ngôn, ở thị trấn Cây Dương. 

Với 600 con rắn ri voi bố mẹ, năm rồi đàn rắn của anh Ngôn sinh sản hơn 2.000 con rắn ri voi con, cung ứng cho người nuôi trong huyện và các tỉnh như: Cần Thơ, Vĩnh Long, với giá bình quân từ 90.000-100.000 đồng/con, trừ hết chi phí thu về lợi nhuận hơn 200 triệu đồng từ việc bán giống, chưa kể việc anh bán rắn hậu bị cho người nuôi có nhu cầu.

Anh Ngôn cho biết: “Rắn ri voi dễ nuôi, nhẹ chăm sóc, thông thường từ 5-7 ngày mới cho ăn một lần nên phù hợp với những người có ít quỹ thời gian. Chưa kể thức ăn đa phần là các loại thủy sản da trơn như: cá trê, ếch, lươn…, đây là những thức ăn dễ tìm, chi phí khá rẻ”.

Rắn ri voi sau 12 tháng nuôi có thể xuất bán rắn thịt, sau 18 tháng nuôi sẽ bắt đầu cho sinh sản. Rắn con sau 1 năm thả nuôi sẽ đạt trọng lượng từ 600gram đến 1kg là có thể xuất bán rắn thịt. Hiện nay rắn ri voi loại I từ 700 gram trở lên có giá từ 600.000-700.000 đồng/kg (tùy thời điểm), riêng rắn hậu bị sinh sản có giá lên 1 triệu đồng/kg.

Ông Dương Văn Diệp, ở quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ, cho biết: “Cũng xuất phát từ việc đam mê con rắn ri voi, qua tìm hiểu trên internet và được sự giới thiệu của ngành nông nghiệp địa phương nên tôi biết được ở huyện Phụng Hiệp có trang trại cung ứng rắn ri voi chất lượng nên xuống mua giống về nuôi”.

Theo ngành nông nghiệp huyện Phụng Hiệp, phong trào nuôi động vật hoang dã ở huyện đang phát triển rất mạnh. 

Hiện huyện Phụng Hiệp đang quản lý theo dõi 109 cơ sở nuôi động vật hoang dã với 8.566 cá thể quý hiếm như: cầy vòi hương, trăn đất, cá sấu nước ngọt, rùa răng. Và 34 cơ sở với 5.855 cá thể thông thường như: rắn ri voi, rắn ri cá, heo rừng, cua đinh, ba ba.

Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang), cho biết: Định hướng thời gian tới huyện sẽ quy hoạch và phát triển việc nuôi động vật hoang dã ở những nơi phù hợp, với các loài đặc trưng như rắn, lươn, cua đinh, ba ba, cầy vòi hương…

Theo đó, ngành nông nghiệp huyện sẽ tham mưu cho UBND huyện ban hành kế hoạch để hỗ trợ nông dân về vốn, khoa học kỹ thuật và quy trình nuôi. 

Đồng thời, tổ chức cho nông dân tham quan và liên kết với nhau để tạo nên sản lượng lớn đáp ứng cho việc liên kết với công ty, doanh nghiệp bao tiêu, thu mua. Đặc biệt với một số loài vật nuôi phù hợp, huyện sẽ gắn kết để phát triển với các mô hình du lịch.