Tỷ phú nông dân ở Yên Bái miệng nói hay, tay làm ra tiền tỷ nhờ nuôi la liệt lợn trắng, gà tía
Nuôi con gì kín cả chuồng mà anh Bí thư chi bộ thôn ở Yên Bái miệng nói hay, tay làm ra tiền tỷ?
Hoàng Hữu
Thứ sáu, ngày 13/05/2022 13:03 PM (GMT+7)
Từ một hộ gia đình còn gặp nhiều khó khăn, Bí thư chi bộ thôn Bến Muỗm Mông Văn Sư (xã Vĩnh Lạc, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái) đã vượt khó, mỗi năm thu khoảng 2 tỷ đồng nhờ chăn nuôi lợn, gà.
Clip: Với mô hình nuôi lợn thịt, nuôi gà thịt, anh Mông Văn Sư, Bí thư chi bộ thôn Bến Muỗm, xã Vĩnh Lạc, huyện Lục Yên (Yên Bái) vượt khó, thành tỷ phú nông dân.
Ngay từ lúc còn trẻ, với sự nhanh nhẹn, hoạt bát, anh Mông Văn Sư (người dân tộc Tày, trú tại thôn Bến Muỗm, xã Vĩnh Lạc, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái) đã được tín nhiệm bầu làm Bí thư chi đoàn thôn, rồi trưởng ban công tác mặt trận thôn.
Năm 2016, anh tiếp tục được bầu làm trưởng thôn. Đến 4 năm sau, năm 2020, anh Mông Văn Sư được các Đảng viên và nhân dân thôn Bến Muỗm bầu làm Bí thư chi bộ thôn. Dù ở cương vị nào, anh cũng luôn nhiệt tình, trách nhiệm, gương mẫu đi đầu để các Đảng viên và người dân noi theo.
Không chỉ là tấm gương Đảng viên mẫu mực, Bí thư chi bộ thôn Bến Muỗm còn là điển hình về phát triển kinh tế gia đình, được nhiều người xung quanh học hỏi.
Thế nhưng, để đạt được thành công, anh Mông Văn Sư cũng phải trải qua nhiều lần thất bại khi nhiều lần thử nghiệm trồng các loại cây trồng, vật nuôi khác nhau nhưng không hiệu quả, thậm chí rơi vào cảnh nợ nần.
Đến năm 2015, anh đầu tư chăn nuôi lợn. Chỉ sau 4 năm, anh Sư không những trả được hết nợ mà còn có tiền làm được ngôi nhà sàn khang trang.
Không chỉ tập trung vào nuôi lợn, anh Sư còn học hỏi và đầu tư nuôi thêm gà. Hiện nay trong chuồng của gia đình anh lúc nào cũng có 100 con lợn và 3.000 con gà. Mỗi năm, anh xuất chuồng 2 lứa lợn với 20 tấn thịt hơi, thu về xấp xỉ 2 tỷ đồng.
Anh Mông Văn Sư cho hay, gia đình anh không có nhiều diện tích đất. Để phát triển kinh tế, anh cũng phải cố gắng và tham khảo nhiều từ mô hình của các hộ chăn nuôi khác, sau đó đúc kết lại, áp dụng vào mô hình của gia đình.
"Mới đầu cũng phát triển nhỏ lẻ, nhưng qua quá trình thấy mình phát triển có kết quả, do vậy mới mở rộng thêm chuồng trại để mình chăn nuôi. Qua đó cũng tuyên truyền thêm và nhân rộng đến các đồng chí Đảng viên và anh em, bạn bè để cùng nhau phát triển," anh Mông Văn Sư chia sẻ.
Nhận thấy cách làm kinh tế của Bí thư thôn mang lại hiệu quả, nhiều người dân quanh vùng đã học hỏi làm theo. Hiện có khoảng 30 – 40 hộ gia đình đã đến học hỏi và chăn nuôi theo anh Sư. Bản thân anh cũng không hề ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm và hướng dẫn bà con cùng làm.
Ông Hoàng Văn Màu (thôn Bến Muỗm, xã Vĩnh Lạc, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái) cho biết: "Từ lúc ban đầu làm cho đến bây giờ, đồng chí Sư cũng có rất nhiều cố gắng. Thứ nhất về chăn nuôi, phát triển kinh tế hộ gia đình, thứ hai nữa về công tác xã hội thì hoàn thành chương trình, chỉ tiêu của cấp trên giao xuống, đối với bà con và quần chúng trong thôn thì triển khai mô hình được nhiều người dân đồng tình."
Trao đổi với Báo điện tử Dân Việt, ông Hoàng Chí Ngàn, Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Lạc, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái nhận xét: "Trước đây hoàn cảnh kinh tế gia đình đồng chí Sư khó khăn. Sau khi vay vốn ngân hàng, đến nay gia đình phát triển kinh tế rất tốt, trong đó tập trung vào chăn nuôi lợn, gà. Đây là tấm gương tiêu biểu trong việc phát triển kinh tế hộ gia đình Đảng viên, cũng là mô hình chăn nuôi hiệu quả. Xã Vĩnh Lạc cũng đăng ký mô hình này là mô hình kinh tế tiêu biểu của xã."
Được biết, mô hình phát triển kinh tế của anh Mông Văn Sư được Đảng ủy xã Vinh Lạc chọn đăng ký với huyện là mô hình dân vận khéo, là công trình chào mừng 75 năm thành lập Đảng bộ huyện Lục Yên.
Với những thành tích nổi bật, Bí thư Chi bộ Mông Văn Sư đã được nhận nhiều Giấy khen, Bằng khen của các cấp, các ngành.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.