Dân Việt

Ở nơi này của Bắc Giang, nông dân nuôi trâu vỗ béo gần khu công nghiệp, ai ngờ nhà nào cũng giàu lên

Nghề nuôi trâu vỗ béo ở huyện Việt Yên (Bắc Giang) đang được nhiều hộ dân ở xã thuộc khu công nghiệp huyện Việt Yên áp dụng, khi mà diện tích đất nông nghiệp đang dần bị thu hẹp. Hơn nữa, nuôi trâu vỗ béo được thương lái đến tận nhà mua nên không lo đầu ra, trâu lúc nào cũng được giá cao.

Anh Nguyễn Văn Trường ở thôn Khả Lý Hạ, xã Quảng Minh, huyện Việt Yên (tỉnh Bắc Giang), người đang sở hữu 60 con trâu trị giá trên 2 tỷ đồng chia sẻ, những năm trước anh vào miềm Nam làm ăn, học được kinh nghiệm nuôi trâu của bà con trong đó nên trở về quê đầu tư thuê đất để nuôi trâu vỗ béo.

Khu nuôi trâu được gia đình anh Trường thuê lại của trang trại nuôi lợn. Với dãy chuồng kiên cố nằm giữa cánh đồng thuộc thôn Tam Tầng, xã Quang Châu.

Đưa chúng tôi thăm đàn trâu, anh Trường cho biết nuôi trâu lành hơn nuôi bò, tăng trọng của trâu nhanh hơn. Thức ăn hàng ngày của trâu từ những phụ phẩm nông nghiệp như thân ngô, cỏ được ủ cùng với bột ngô, bã đậu và bã bia. 

Lúc đầu khi mới mua về trâu chưa quen với thức ăn nhưng trâu đàn chỉ sau khoảng 3 ngày chúng dần quen và ăn rất tốt.

Bí quyết nuôi trâu vỗ béo của anh Trường là tìm mua những con trâu đực còn non khoảng 24 tháng tuổi sẽ cho tỷ lệ xẻ thịt cao, chất lượng và độ mềm của thịt tốt và tăng trọng của trâu cũng cao hơn. 

Bởi vì, trâu non tốc độ lớn nhanh, bộ răng chắc khỏe nên khả năng tiêu hóa và đồng hóa thức ăn tốt hơn, khả năng tích lũy cũng cao hơn. Còn những con trâu già, gầy thì tỷ lệ xẻ thịt thấp, tốc tộ lớn và tăng trọng chậm. 

Đàn trâu sau khi mua về được tẩy giun sán, tiêm phòng các loại vacxin phòng bệnh theo khuyến cáo của cán bộ thú y.

Ở nơi này của Bắc Giang, nông dân nuôi trâu vỗ béo gần khu công nghiệp, ai ngờ nhà nào cũng giàu lên - Ảnh 2.

Nuôi trâu vỗ béo là mô hình đang được nhiều hộ nông dân ở huyện Việt Yên (Bắc Giang) học hỏi, làm theo. Trâu nuôi vỗ béo được rất nhiều thương lái đến thăm và đặt mua.

Khi vỗ béo trâu, quan trọng nhất vẫn là nguồn thức ăn, nước uống cho trâu vào những tháng vỗ béo. Đến mùa thu hoạch ngô, anh Trường thường mua thân cây ngô về ủ chua cùng với bột ngô, cám gạo, bã đậu và bã bia…làm thức ăn cho trâu ăn quanh năm. 

Thức ăn phải đảm bảo sạch sẽ, không bị nấm mốc hoặc lên men. Nếu thức ăn không sạch sẽ ảnh hưởng đến đường tiêu hóa không những không vỗ béo được mà còn mất rất nhiều thời gian nên chi phí chăm sóc nhiều hơn.

Nước cũng là yếu tố không thể thiếu, cần đảm bảo nguồn nước sạch và cho uống đầy đủ.

Đối với nuôi trâu nhốt chuồng khâu vệ sinh chuồng trại hết sức quan trọng. Hàng ngày cần dọn thức ăn, nước uống thừa và phân để tránh mất vệ sinh chuồng trại.

Trong những ngày nắng nóng có hệ thống phun sương, làm mát và hệ thống quạt được trang bị quanh chuồng. Bởi theo anh Nguyễn Văn Trường thì có chăm sóc trâu tốt đến đâu mà chuồng trại nắng nóng thì trâu không thể tăng trọng nhanh được. 

Chiều mát, tận dụng đồng cỏ rộng anh Trường thả trâu ra đồng để tích lũy thêm cỏ tươi và cho trâu vận động đi lại, tránh bị tù chân, mắc các bệnh do không vận động.

Cũng theo anh Trường, nuôi trâu vỗ béo khoảng 3 tháng là được xuất bán, mỗi con 1 tháng tăng trọng 15-20kg. 

Đàn trâu của gia đình đã vỗ béo được hơn 2 tháng, anh vừa bán cho thương lái 20 con, trung bình được giá 40 triệu đồng/con, lãi 3 triệu đồng/con. Hiện, số trâu còn lại được rất nhiều thương lái đến thăm và đặt mua.

Anh Trần Nhật Tân, cán bộ khuyến nông xã Quảng Minh, huyện Việt Yên cho biết, nhận thấy nhu cầu nuôi trâu, bò vỗ béo của bà con nông dân trên địa bàn xã là một hướng chăn nuôi phù hợp trong khi diện tích đất nông nghiệp dần bị thu hẹp.

Chính quyền địa phương đã tích cực tuyên truyền tạo điều kiện cho người dân được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi trâu bò vỗ béo hình thức nhốt chuồng và bán chăn thả.Thời điểm này, do ảnh hưởng của dịch Covid19 lượng tiêu thụ sản phẩm thịt giảm nên phần nào ảnh hưởng đến quá trình xuất bán đàn trâu.

Hiện trên địa bàn xã Quảng Minh, có vài hộ nuôi trâu, bò vỗ béo, xong nhiều hơn cả là các hộ thuộc khu công nghiệp như xã Quang Châu và Vân Trung (huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) nhưng với quy mô 60 con/lứa thì chỉ có số ít và chăm sóc được đàn trâu lớn nhanh, đều con thì chỉ có anh gia đình Nguyễn Văn Trường. Mô hình đem lại hiệu quả, được nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn áp dụng và học tập.