Bắc Giang: Nuôi cá rô phi đực 100% áp dụng công nghệ cao, sao nhiều người đến xem thế
Bắc Giang: Nuôi cá rô phi đực 100% áp dụng công nghệ cao, sao nhiều người đến xem thế
Thứ sáu, ngày 20/11/2020 15:46 PM (GMT+7)
Ngày 18/11, Trung tâm Khuyến nông Bắc Giang, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm giữa các hộ nuôi cá rô phi toàn con đực hình thức thâm canh với các nhà khoa học, cán bộ kỹ thuật, doanh nghiệp có kinh nghiệm trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Tham dự có đại diện lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia; Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ NNPTNT; Sở NNPTNT tỉnh Bắc Giang; Trung tâm Dịch vụ và Kỹ thuật nông nghiệp một số huyện, TP cùng hơn 100 nông dân trong tỉnh.
Theo báo cáo của Chi cục Thủy sản tỉnh Bắc Giang, toàn tỉnh có tổng diện tích mặt nước hơn 23.000 ha. Nhờ chủ trương, chính sách phù hợp và tiềm năng mặt nước, những năm gần đây, sản xuất thuỷ sản của tỉnh phát triển mạnh.
Đến nay, diện tích nuôi thuỷ sản đạt 125.000 ha, trong đó nuôi thâm canh hơn 4.370 ha.
Sản lượng hơn 47.900 tấn, đứng thứ 2 trong 14 tỉnh khu vực trung du miền núi phía Bắc.
Nhiều địa phương như: Tân Yên, Việt Yên, Yên Dũng, Hiệp Hoà, Lạng Giang và TP Bắc Giang đã hình thành các vùng nuôi tập trung theo mô hình trang trại thủy sản thâm canh với đa dạng đối tượng thủy sản.
Rô phi là một trong những đối tượng thủy sản ăn tạp, dễ nuôi, ít dịch bệnh, thịt thơm ngon, có thể xuất khẩu, giá trị kinh tế cao, được thị trường ưa chuộng.
Do đó, tỉnh Bắc Giang định hướng phát triển loài cá rô phi đơn tính này trở thành sản phẩm chủ lực trong ngành thủy sản.
Để đạt hiệu quả, ngành thủy sản tỉnh Bắc Giang đã ứng dụng công nghệ vi sinh Biofloc trong nuôi cá rô phi thâm canh. Năm 2020 có 2 hộ tại thị trấn Cao Thượng (Tân Yên) tham gia Dự án liên kết nuôi cá rô phi đơn tính thâm canh ứng dụng công nghệ Biofloc gắn với tiêu thụ sản phẩm do Trung tâm Khuyến nông Bắc Giang chủ trì đã cho kết quả tốt, sản lượng đạt trên 20 tấn/ha/vụ, tăng hơn 10 tấn/ha so với nuôi thường…
Tại Hội thảo có 17 ý kiến thảo luận, trao đổi, giải đáp thắc mắc và những câu hỏi của bà con nông dân xoay quanh kỹ thuật nuôi cá rô phi đơn tính, chất lượng con cá rô phi giống; quản lý môi trường dịch bệnh; chăm sóc, quản lý thức ăn cho cá rô phi; việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và áp dụng công nghệ Biofloc.
Đại diện Công ty TNHH Biofloc chia sẻ ứng dụng công nghệ vi sinh Biofloc trong nuôi cá rô phi thâm canh.
Theo đó, Biofloc là phức hợp đa dạng của vi khuẩn, tảo, mùn xác hữu cơ động vật phù du, giun nhỏ…. dưới tác động của môi trường nước trong ao, kết dính lại với nhau thành thức ăn giàu dinh dưỡng cho tôm, cá.
Thực tế các ao nuôi có nhiều BioFloc cá rô phi đơn tính lớn nhanh hơn, sức đề kháng mầm bệnh tốt hơn, tốn ít thức ăn công nghiệp.
Công nghệ Biofloc được coi là một trong những công nghệ mới, mang tính đột phá trong nuôi thủy sản nói chung và cá rô phi nói riêng.
Phát biểu kết luận, ông Kim Văn Tiêu, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đề nghị các cơ quan thủy sản tỉnh Bắc Giang và đơn vị chuyển giao con cá rô phi giống, kỹ thuật… cần tăng cường xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả cao, an toàn thực phẩm gắn với tập huấn, đào tạo, thông tin tuyên truyền cho người dân hiểu và làm theo.
Ông Tiêu đề nghị, Trung tâm Khuyến nông phải đóng vai trò là cầu nối gắn kết bà con với khoa học, công nghệ; tổ chức sản xuất theo chuỗi, loại bỏ các mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ; kết nối người sản xuất với thị trường để có đầu ra bền vững.
Đối với bà con, trước khi đưa cá rô phi đơn tính vào nuôi thâm canh cần tham quan, học hỏi mô hình hiệu quả; chuẩn bị đầy đủ ao nuôi, nguồn vốn và kỹ thuật; thực hiện từ mô hình nhỏ đến lớn, đơn giản đến phức tạp; ghi chép sổ nhật ký đầy đủ để rút kinh nghiệm.
Trước đó, ngày 17/11, các đại biểu tham quan 2 mô hình liên kết nuôi cá rô phi đơn tính thâm canh ứng dụng công nghệ Biofloc gắn với tiêu thụ sản phẩm năm 2020 tại thị trấn Cao Thượng (huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.