Chàng trai người Chăm Ninh Thuận, biến vùng đất sa mạc thành ao nuôi tôm càng xanh, ai ngờ lại "hốt bạc"

Đức Cường- Bùi Phụ Thứ hai, ngày 13/12/2021 13:01 PM (GMT+7)
Rất nhiều người bất ngờ khi hay tin anh nông dân La Hoài Giang (dân tộc Chăm) tại thôn Hiếu Thiện, xã Phước Ninh, huyện Thuận Nam (Ninh Thuận) mấy năm qua đã bỏ công đào bới vùng đất cằn cỗi, khô hạn... thành những ao nuôi tôm càng xanh và thu nhập gần cả chục triệu đồng mỗi ngày.
Bình luận 0

Từ trung tâm TP Phan Rang-Tháp Chàm chúng tôi di chuyển khoảng 15km theo hướng Nam để tìm về trại nuôi tôm càng xanh của nông dân La Hoài Giang. Có thể nói, đây được xem là trại nuôi tôm càng xanh đầu tiên trên nền đất cát trắng, khô hạn ở tỉnh Ninh Thuận.                  

Nông dân người Chăm nuôi tôm càng xanh “có 1 không 2” trên miền sa mạc cát Ninh Thuận - Ảnh 1.

Nông dân La Hoài Giang giới thiệu mô hình nuôi tôm càng xanh đầu tiên ở tỉnh Ninh Thuận của mình. (Ảnh: Đức Cường)

Nuôi tôm càng xanh trên xứ khô hạn 

Tiếp chúng tôi ở trại nuôi tôm càng xanh rộng hơn 6.000 mét vuông nằm lọt thỏm giữa những cánh đồng điện gió, điện mặt trời và bao quanh là núi đá, nông dân trẻ La Hoài Giang háo hức"khoe" những con tôm càng xanh to, bự...

"Đây là thành quả của vợ chồng em sau gần 2 năm tự mày, học hỏi và đưa con tôm càng xanh từ tỉnh Bến Tre về Ninh Thuận, rồi thả nuôi trên nền đất khô hạn này đó các anh ạ!", Giang bộc bạch.

Anh Giang cho biết, trước đây mình từng có gần chục năm trong nghề nuôi tôm thẻ tại thôn Từ Thiện, xã Phước Dinh (huyện Thuận Nam) nhưng không hiệu quả. Sau đó anh vào TP HCM mưu sinh và cưới được cô vợ người Long An rồi cả hai dắt nhau về Ninh Thuận sinh sống. 

Thấy đất đai cha mẹ để lại nhiều, nhưng bỏ hoang quá lãng phí, đầu năm 2020 anh Giang bắt đầu lên mạng Internet mày mò rồi tìm về các tỉnh miền Tây quê vợ để học hỏi cách nuôi cá chạch lấu.

"Ban đầu tôi chỉ muốn cải tạo lại đất để làm ruộng, sau đó đổi ý nuôi cá chạch lấu, nhưng cuối cùng qua tìm hiểu và trải nghiệm thực tế tại các tỉnh miền Tây thì tôi bị thuyết phục bởi con tôm càng xanh...", anh Giang tâm sự.

"Bởi giống tôm này rất dễ nuôi, ít bệnh tật, thị trường tiêu thụ lớn, tôm giống cái có thể tự sinh sản ra tôm giống con nên người nuôi chỉ cần bỏ vốn lần đầu nên khả năng thu hồi vốn và hiệu quả kinh tế cao...", anh Giang cho biết thêm.

Sau khi có ít kiến thức lận lưng, anh Giang quyết định chọn vùng đất khô cằn của gia đình để gầy dựng sự nghiệp nuôi tôm càng xanh trên miền sa mạc cát Ninh Thuận.

Nông dân người Chăm nuôi tôm càng xanh “có 1 không 2” trên miền sa mạc cát Ninh Thuận - Ảnh 3.

Anh Giang phấn khởi với mẻ tôm càng xanh được nuôi thương phẩm trên miền khô hạn bậc nhất Việt Nam. (Ảnh: Đức Cường)

Ý tưởng ban đầu ban đầu của anh Giang, đã vấp phải sự ngăn cản của nhiều người bởi ai cũng cho rằng vùng đất khô cằn này nước không đủ sinh hoạt thì lấy đâu ra nước sạch để nuôi tôm càng xanh?

Nhưng sau đó, thấy anh Giang quá nhiệt huyết, người thân trong gia đình chấp nhận đầu tư cho anh nuôi tôm càng xanh.

Có mặt tại các ao nuôi tôm càng xanh của anh La Hoài Giang, chúng tôi không khỏi bất ngờ trước cách nghĩ "khác người" cùng quy mô đầu tư máy móc, trang thiết bị của anh nông dân trẻ tuổi này.

Với nguồn vốn đầu tư ban đầu gần 1 tỷ đồng, anh Giang cho xây dựng 4 ao nuôi tôm càng xanh với đầy đủ trang thiết bị chuyên dụng và do tự tay anh thiết kế. Anh Giang thuê thợ khoan 4 giếng nước với độ sâu hơn 50 mét và phải xuyên qua mấy tầng đá ngầm mới đến được mạch nước trào. Nhờ đó có được nguồn nước ngọt bơm vào các ao tôm...

Lứa tôm đầu tiên anh Giang thả nuôi 15.000 con giống tôm, sau gần 8 tháng nuôi đến giữa tháng 11/2021 gia đình anh bắt đầu kéo lứa tôm đầu tiên lên bán. 

Và từ đó đến nay, ngày nào gia đình anh cũng thu hoạch khoảng 40 ký đến 1 tạ tôm càng xanh, giá bán tại chỗ khoảng 220 nghìn đồng/kg. Sau khi trừ chi phi, anh Giang cầm chắc trong tay hàng chục triệu đồng mỗi ngày. 

Nhìn những con tôm càng xanh to, bự được kéo từ dưới ao lên. chúng tôi không khỏi thán phục với các làm không giống ai của anh Giang. "Em tính toán khác người nên từ đây đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, ngày nào em cũng kéo lưới thu hoạch vài chục ký tôm càng xanh để phục vụ cho khách hàng...". Giang tâm sự.  

Để tôm nuôi phát triển ổn định dưới điều kiện thời tiết nắng nóng như Ninh Thuận, anh Giang đã tự mày mò áp dụng thực hiện việc phủ lưới tạo bóng mát trên mặt tất cả các hồ. Việc này để tránh ánh nắng chiếu trực tiếp làm tăng nhiệt độ nước. Nếu nhiệt độ nước và nồng độ oxy trong nước ổn định con tôm phát triển khỏe mạnh.

Thả bèo lục bình nuôi tôm càng xanh 

Thời điểm chúng tôi có mặt tại ao nuôi, anh Giang cùng công nhân đang tất bật thu hoạch những mẻ tôm càng xanh tươi để bán cho các nhà hàng, khách sạn hoạt động sau dịch Covid-19. 

Nông dân người Chăm nuôi tôm càng xanh “có 1 không 2” trên miền sa mạc cát Ninh Thuận - Ảnh 4.

Để giúp tôm nuôi sinh trưởng và phát triển tốt, nông dân trẻ người Chăm áp dụng các biện pháp chăm sóc tự nhiên. (Ảnh: Đức Cường)

Theo anh Giang, để tạo dựng được lòng tin và nhu cầu thực phẩm sạch từ khách hàng, trại tôm càng xanh của anh hoàn nuôi và chăm sóc theo hướng vi sinh. 

Trong quá trình nuôi, anh Giang hoàn toàn không sử dụng kháng sinh hóa học mà chỉ dụng vi sinh tự nhiên. Từ việc tạo màu nước, đến thức ăn và phương pháp chăm sóc, vệ sinh ao nuôi. 

"Tôi có thể tự tin khẳng định tôm càng xanh ở đây là tôm sạch hoàn toàn, nếu phát hiện hàm lượng khám sinh trong mỗi con tôm, tôi sẽ đền cả trại tôm." Anh Giang tự hào.

Để minh chứng cho việc chăn nuôi theo hướng vi sinh, đặc biệt là trong việc tạo môi trường sống và nguồn thức ăn tự nhiên, anh Giang tận tay vớt từng bó lục bình đang thả nổi trên mặt hồ. 

Theo anh Giang, việc thả lục bình trong ao tôm vừa tạo bóng mát, vừa tạo thức ăn tự nhiên cho con tôm. 

Đặc biệt, những khóm lục bình cũng là nơi nơi trú ẩn an toàn cho những đàn tôm con. Sau khi lọt lòng mẹ, tôm con sẽ trú ngụ trong những khóm lục bình này và sau đó lớn lên, sẽ có thêm đàn tôm giống mới mà chủ không tốn tiền đi mua tôm giống như lần đầu...

Do đặc tính tôm bố mẹ có thể sinh sản trong môi trường nuôi tại đây nên tụi em không lo về nguồn giống. Hàng ngày chỉ tốn công theo dõi, để tách các lứa tôm con ra khỏi đàn bố mẹ sau đó nuôi lớn và bán gối vụ quanh năm. 

Nếu không ảnh hưởng của dịch Covid-19 như thời gian vừa qua, gia đình em có thể thu lời từ 700 triệu đồng đến 1 tỷ mỗi năm với mô hình này...", chàng nông dân người Chăm nói.

Nông dân người Chăm nuôi tôm càng xanh “có 1 không 2” trên miền sa mạc cát Ninh Thuận - Ảnh 5.

Anh Giang cũng là người tiên phong trên cả nước áp dụng việc thả lục bình trên ao nuôi.(Ảnh: Đức Cường)

Theo nhận định của nhiều người, mô hình nuôi tôm càng xanh như anh Giang là đầu tiên ở Ninh Thuận. Đặc biệt là việc nuôi sinh sản thành công giống tôm càng xanh tại chỗ, tự sinh, tự nở và lớn lên trong ao. 

Có thể nói, mô hình nuôi tôm càng xanh của anh Giang đã mở ra hướng đi mới, phù hợp cho nhiều hộ nuôi tôm ở Ninh Thuận. 

Nông dân người Chăm nuôi tôm càng xanh “có 1 không 2” trên miền sa mạc cát Ninh Thuận - Ảnh 6.

Với việc nuôi và nhân giống thành công tôm càng xanh, nông dân trẻ người Chăm cũng tạo ra hướng đi mới cho nhiều nông hộ lựa chọn để chuyển đổi cây trồng vật nuôi phù hợp. (Ảnh: Đức Cường)

>> Ninh Thuận là một tỉnh duyên hải Nam Trung bộ, có chiều dài bờ biển hơn 105 km, là một trong những tỉnh có thế mạnh về sản xuất giống thủy sản, đặc biệt là tôm giống.

>>> Hàng năm, tỉnh Ninh Thuận sản xuất trên 25 tỷ con tôm giống, cung cấp trên 50% lượng tôm giống cho nghề nuôi tôm cả nước. Sự phát triển nghề sản xuất tôm giống ở Ninh Thuận trong những năm qua đã đóng góp tích cực cho nghề nuôi tôm của Việt Nam, cũng như sự phát triển kinh tế biển của Ninh Thuận.

>>>> Ít ai ngờ, anh nông dân người Chăm với tên gọi La Hoài Giang đã làm giàu khác người và thành công ngoài mong đợi với mô hình nuôi tôm càng xanh.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem