Hôm 21/5, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký một dự luật cung cấp 40 tỷ USD viện trợ cho Ukraine.
Trước đó 2 ngày, Thượng viện Mỹ thông qua dự luật Gói viện trợ bổ sung cho Ukraine với số phiếu 86-11, sự phản đối là từ phía các đảng viên Cộng hòa, bao gồm Rand Paul và Josh Hawley.
Trước đó, Hạ viện thông qua dự luật với số phiếu 368-57. Gói mới bao gồm 4,5 tỷ USD viện trợ quân sự mà Washington cam kết với Kiev.
Thượng nghị sĩ Rand Paul cho biết Mỹ sẽ phải vay tiền từ Trung Quốc vì nước này không có tiền để gửi cho Ukraine. Thượng nghị sĩ nói thêm rằng Washington "không thể cứu Ukraine bằng cách làm suy yếu nền kinh tế Mỹ".
Mỹ đang trải qua một đợt lạm phát cao, Bộ Lao động Mỹ thông báo, chỉ số giá tiêu dùng vào tháng 3/2022 tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Do đó, chính phủ sẽ phải tìm cách để có được nguồn tiền cần thiết mà không làm nền kinh tế bị gián đoạn thêm.
"Mỹ cần giải quyết vấn đề thâm hụt và nợ của mình. Trừ khi chính phủ tăng thuế hoặc cắt giảm chi tiêu xã hội, còn không họ phải đi vay", Robert Singh, giáo sư chính trị tại Birkbeck, Đại học London, chia sẻ. Ông lưu ý thêm rằng Bắc Kinh đã mua trái phiếu kho bạc Mỹ trong nhiều thập kỷ.
Gloria Shkurti Ozdemir, một nhà nghiên cứu chính sách đối ngoại tại Tổ chức SETA có trụ sở tại Thổ Nhĩ Kỳ, đã đưa ra nhận định tương tự với tuyên bố của ông Paul.
"Chúng tôi đồng quan điểm với Thượng nghị sĩ Paul về khoản viện trợ cho Ukraine. Khoản viện trợ này là rất lớn và nó sẽ có tác động lớn đến nền kinh tế Mỹ, đặc biệt là khi lạm phát đã lên đến mức rất cao và nền kinh tế Mỹ đang gặp khó khăn", Shkurti tuyên bố.
Trong khi đó, Marshall Auerback, nhà phân tích thị trường và cộng sự nghiên cứu tại Học viện Kinh tế Levy thuộc Đại học Bard, nói: "Việc Mỹ tiếp tục triển khai một cuộc chiến ủy nhiệm với Nga có khả năng làm trầm trọng thêm những áp lực lạm phát, đặc biệt là trong bối cảnh cả Ukraine và Nga đều là những nhà sản xuất lương thực quan trọng toàn cầu".