Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã trình bày báo cáo thẩm tra về tình hình kinh tế - xã hội trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV sáng 23/5.
Tại báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, xu hướng tăng giá hàng hóa cơ bản cộng thêm tác động từ xung đột Nga – Ukraine leo thang, khiến giá năng lượng tăng cao kỷ lục.
Các tổ chức quốc tế đều dự báo kịch bản giá dầu bình quân năm 2022 tăng khoảng 20-30 USD (tức là tăng khoảng 30-40%, từ mức bình quân 69 USD/thùng năm 2021 lên mức bình quân khoảng 90-100 USD/thùng năm 2022). Ngân hàng Golman Sachs dự báo giá dầu có thể tăng lên mức 125 USD/thùng vào Quý III/2022.
Theo đó, giá xăng dầu tăng sẽ ảnh hưởng lớn đến chi phí sản xuất trong nước, gây sức ép đến lạm phát năm 2022.
Cụ thể, theo số liệu thống kê chỉ số CPI tháng 4 tăng 2,09% so với cuối năm 2021, gấp gần 2 lần so với cùng kỳ các năm 2018-2021. Nhiều ý kiến cho rằng mục tiêu lạm phát dưới 4% khó có khả năng đạt được.
Theo đánh giá của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, so với mức tăng giá hàng hóa thế giới những tháng đầu năm 2022, lạm phát trong nước tăng chậm hơn nhờ vào giá thực phẩm luôn ở mức âm từ tháng 10/2021 đến tháng 3/2022 (nhóm hàng này có trọng số là 22,6% cao hơn nhiều so với mức 9,37% của nhóm hàng giao thông trong rổ tính CPI), tiêu dùng khôi phục chậm nhất là tiêu dùng dịch vụ.
Tuy nhiên, giá thực phẩm đang có xu hướng âm ít hơn và có khả năng dương trở lại trong các tháng tới; kinh tế tiếp tục xu hướng phục hồi; giá cả hàng hóa thế giới biến động phức tạp khiến rủi ro lạm phát thời gian tới là không thể chủ quan.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh, lạm phát chuỗi cung ứng là nhóm tạo áp lực lớn nhất, do nền kinh tế nước ta có độ mở lớn, sản xuất phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài. Vì vậy, Ủy ban Kinh tế kiến nghị Chính phủ chỉ rõ nguyên nhân, các yếu tố chính làm tăng lạm phát để kiểm soát hiệu quả.
Cụ thể hơn về thị trường xăng dầu, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh cho biết, mặt hàng xăng dầu quý I năm 2022 có nhiều biến động. Nguồn cung xăng dầu trong nước chịu ảnh hưởng lớn từ việc Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (đơn vị chiếm 35-40% tổng cung) đã giảm mạnh công suất sản xuất và không cung ứng đủ sản lượng xăng dầu cho thị trường như đã cam kết và ký hợp đồng với các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và không cung ứng đủ sản lượng xăng dầu cho thị trường.
Bên cạnh đó, cơ cấu giá xăng dầu còn chưa hợp lý (các loại thuế, phí và các yếu tố cấu thành giá cơ sở, các định mức hao hụt, chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức…) cần sớm điều chỉnh hợp lý, bảo đảm hài hòa lợi ích các bên liên quan.
Trong khi đó, nguồn xăng dầu từ nhập khẩu gặp khó khăn do giá tăng mạnh, cạnh tranh lớn khi nguồn cung cấp bị gián đoạn do xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine.
Trước diễn biến phức tạp của thị trường, giá xăng dầu tăng mạnh, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 ngày 23/3/2022 về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Cụ thể, giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng (trừ etanol), dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn từ ngày 01/4/2022 đến hết ngày 31/12/2022; giảm 70% mức thuế bảo vệ môi trường đối với dầu hỏa từ ngày 01 tháng 4 năm 2022 đến hết ngày 31/12/2022.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, Ủy ban Kinh tế cho biết có ý kiến cho rằng bên cạnh việc cần đặc biệt chú ý về nguy cơ nhập khẩu lạm phát từ bên ngoài, cần nghiên cứu kịch bản tiếp tục giảm thuế tiêu thụ đặc biệt để ứng phó trong trường hợp giá dầu thế giới biến động lớn, tăng cao hơn, cũng như thực hiện hoãn, giãn việc tăng các sắc thuế, phí nhằm bình ổn giá các mặt hàng tiêu dùng khác.
Ngoài ra, có ý kiến đề nghị báo cáo rõ hơn về tình trạng khan hiếm xăng dầu thời gian vừa qua; cho rằng công tác điều hành giá xăng dầu vẫn còn nhiều bất cập.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng lưu ý, với việc ngân hàng Trung ương các quốc gia lớn, đặc biệt là Hoa Kỳ có động thái thắt chặt tiền tệ do lo ngại lạm phát có thể dẫn tới dư địa các chính sách tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ phục hồi kinh tế sẽ bị thu hẹp hơn; lãi suất đồng USD tăng có thể làm gia tăng nghĩa vụ trả nợ nước ngoài (khi tỷ lệ nợ nước ngoài bằng đồng USD vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong nợ nước ngoài).