Dân Việt

Vì sao nhiều người than thời buổi này "kiếm đâu ra tôm sông, cá đồng"?

Thành Nghĩa 25/05/2022 08:27 GMT+7
Mấy ông con cũng bắt chước sắm cần câu, đi thọc trứng kiến, kiếm mấy chỗ nước những (nước đứng, không ròng, không lớn, là thời điểm cá hay đớp mồi), gần cống bộng thả cần câu cá lòng tong.

Biết tôi mê món cá lòng tong kho quéo, hôm nào ra chợ thấy mấy người bưng bán 1-2 rổ cá này, bà chị Tư - chị dâu của bà xã tôi - liền gọi điện thoại, nói sẽ mua rồi kho giùm nhà tôi. 

Chị Tư kho cá lòng tong rất khéo, không quá mặn nước mắm, không quá ngọt đường, nhiều hành, tiêu, có khi có tép mỡ... Con cá đậm đà, cứng khừ... ăn với cơm nóng thì ôi thôi hao cơm, tốn nhiều nước giếng, nước lọc...

 Sau này, nhỏ em Út cũng biết tánh tôi, đi chợ thấy có cá lòng tong thế nào cũng mua về, gửi bà xã tôi kho. Nói không phải nịnh, bà xã tôi kho cũng một chín, một mười với chị Tư.

Rồi có lúc thấy có cá dứa nhỏ, người bán nói là cá dứa sông; cá bống dừa, bống trứng, bống cát, rồi cả cá lóc (cá tràu), cá sặc, cá rô - người bán bao giờ cũng rao là cá đồng…, tôi cũng là cái đích nhắm đến của mấy chị em đi chợ, bán cá ở chợ và mấy anh đi xiệt điện, chích cá.

Cái gu thích cá sông, cá đồng hình thành nơi tôi từ nhỏ. Lúc đó đi học một buổi, về quăng cái cặp là đi túm tụm với mấy đứa bạn đồng lứa, con của mấy nhà từ Bến Cát, Lộc Ninh... tản cư xuống xóm tôi. Mấy nhà này đa số làm nghề đăng đó, bắt cá trên sông Sài Gòn, dọc từ Lái Thiêu xuống tới Bình Lợi. Phổ biến là đào ổ mối, thọc trứng kiến để làm mồi "bẫy" cá lòng tong, cá dứa...

Trong nhóm bạn hồi đó, tôi là đứa không "sát cá" nên có khi cả buổi không câu được con nào. Tham gia cho vui! Thằng Cu Điếc thì thường mang về cho má nó cả giỏ...

Có lúc ngại thọc trứng kiến vì bị kiến vàng cắn đầy mình mẩy, đám tụi tôi đi đào trùn để câu cá bống dừa. Nhấp cần câu trong mấy bẹ dừa nước, giật được một con là cả đám vui mừng không kể xiết...

Vì sao nhiều người than "kiếm đâu ra tôm sông, cá đồng"? - Ảnh 2.

Cá rô đồng.

Có lẽ hiện giờ, chỉ cá lòng tong là chưa nuôi được; nó trở thành hàng hiếm, giá không rẻ. Còn các loại khác, kể cả bống dừa, bống trứng, bống cát... đều đã là sản phẩm của các nhà chăn nuôi. Ra ngoài chợ, cá dứa, cá lóc gọi là sông, là đồng vì nó còn nhỏ thôi, chứ thịt nó bở, chứng tỏ người ta nuôi bằng cám vi lượng... Cá dứa sông gì mà bự chà bá, mỡ vàng như cá tra!

Tôm thì khỏi nói. Kiếm đâu ra hương vị của tôm sông, dù dọc theo đường, các anh chàng bán tôm chỉ đặt một rổ, một thau nhỏ và ghi bảng hẳn hoi: Tôm sông!

Các bạn đọc bài này đừng cho rằng tôi "kỳ thị", "phân biệt đối xử" giữa cá, tôm tự nhiên với cá, tôm nuôi; "đánh" vào những người nuôi cá, tôm chân chính…

Quy luật cung - cầu tất yếu phải dẫn đến việc phát triển các loại hình chăn nuôi thủy hải sản để đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn, đa dạng của thị trường và xã hội.

Thế nhưng, đây đó không phải không có những ngậm ngùi tiếc nuối về cái thời một số trong chúng ta được thưởng thức những sản vật thanh sạch, thiện lành mang mùi hương, vị ngọt tự nhiên của các loại cá đồng, tôm sông... Hiểu chuyện thị trường phải tuân theo quy luật cung - cầu nhưng tiếc nuối có cái lý của nó.

Có những đêm, tôi mơ thấy mình còn ở tuổi 12-13, xách cần câu đi câu cùng nhóm bạn. Thậm chí thấy rõ mồn một mình từng đi câu còng bằng xác mía, đi mò tôm ở rạch gần nhà, lật rơm ngoài ruộng để bắt cua đồng...