Các nguồn tin nội bộ trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nói với các nhà báo rằng, các thành viên liên minh đã đồng ý không chính thức cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine, vì lo ngại Nga sẽ thực hiện các biện pháp trả đũa.
Theo thông tin từ hãng thông tấn Deutsche Presse-Agentur (DPA), ý tưởng của việc không cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine bao gồm chiến đấu cơ và xe tăng là nhằm đảm bảo nguy cơ xảy ra đối đầu quân sự trực tiếp giữa NATO và Nga ở mức thấp nhất có thể.
Đã có những lo ngại rằng, Nga có thể chính thức coi việc NATO cung cấp xe tăng chiến đấu và máy bay chiến đấu cho Ukraine là hành động tham chiến, và sau đó Moscow sẽ thực hiện các biện pháp trả đũa quân sự. Hiện các hệ thống vũ khí loại này vẫn chưa được các thành viên NATO chuyển giao cho Ukraine, các nguồn tin trong Liên minh tiết lộ với DPA.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và nhiều quan chức khác từng nhiều lần nhấn mạnh "giới hạn" của các loại vũ khí mà NATO cam kết ủng hộ Ukraine.
"Có một giới hạn, đó là không trở thành một bên tham chiến", ông Macron tuyên bố vào tháng 3 sau hội nghị thượng đỉnh NATO về chủ đề chuyển giao vũ khí cho Ukraine.
Đây là lý do đằng sau cho việc Ukraine nhiều lần bị từ chối máy bay chiến đấu hoặc vũ khí hạng nặng. Ví dụ, việc chuyển giao các máy bay MiG-29 có thể bị "các cơ quan tình báo của Moscow hiểu nhầm", Tod D. Wolters, Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Mỹ ở châu Âu cho biết.
Một phát ngôn viên của NATO tuyên bố, tất cả các quyết định chuyển giao vũ khí cuối cùng là vấn đề được quyết định bởi từng quốc gia thành viên.
Các nhà ngoại giao nói với DPA rằng, cho đến nay các nước vẫn tuân thủ thỏa thuận của NATO. Một trong những lý do là, họ sẽ bị "bỏ rơi" nếu không có sự hỗ trợ của Liên minh trong trường hợp Nga tấn công họ. Cũng vì lý do này, Ba Lan được cho là đã không giao máy bay chiến đấu MiG-29 từ thời Liên Xô cho Ukraine vào tháng 3.
Nhiều nước Đông Âu đã cung cấp cho Ukraine các thiết bị và vũ khí từ thời Liên Xô kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Tuy nhiên, Quốc vụ khanh Quốc phòng Đức Siemtje Möller mới đây bất ngờ tiết lộ trên đài truyền hình ZDF rằng trong khối NATO đã đồng ý không cung cấp cho Ukraine bất kỳ phương tiện bộ binh hoặc xe tăng nào của phương Tây.
Trên thực tế, nguồn cung vũ khí từ Đức cho Ukraine cũng đang bị trì hoãn. Chính phủ Đức đã thông qua quyết định cung cấp vũ khí hạng nặng như xe tăng và xe chở quân bọc thép cho Ukraine, nhưng Thượng viện nước này không cho phép làm điều đó.
Nghị sĩ Johann Wadephul, một thành viên đối lập trong Quốc hội Đức xác nhận, cho đến nay không có thiết giáp hạng nặng nào của Đức được giao cho Ukraine.
"Điều đó không xảy ra. Khi làm như vậy, chính phủ liên bang đang vi phạm một quyết định ràng buộc của quốc hội", nghị sĩ Johann Wadephul tuyên bố.
Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Zelensky vẫn nhấn mạnh, Ukraine phải được đáp ứng 100% nhu cầu quân sự để chống lại Nga và ngăn chặn cuộc xung đột đang diễn ra ở nước này.
"Ukraine cần tất cả các loại vũ khí mà chúng tôi yêu cầu, không chỉ những vũ khí mà chúng tôi được cung cấp", ông Zelensky tuyên bố tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos vào thứ Ba tuần này.