Ở một diễn biến khác, rạng sáng nay (27/5) trên địa bàn xã Châu Hồng tiếp tục xuất hiện thêm hố sụt lớn tại nhà dân ngay trước cổng UBND xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp gây hoang mang cho người dân địa phương.
Tiếp tục xảy ra sụt lún ở Châu Hồng
Rạng sáng nay cách trụ sở UBND xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An đã xuất hiện một hố sụt trong nhà dân sau tiếng nổ lớn. Đây là hiện tượng thường xuyên diễn ra trong những năm gần đây. Nguyên nhân được nhiều người dân cho rằng do hoạt động khai thác khoáng sản gây ra.
Theo đó, trao đổi với Phóng viên Báo điện tử Dân Việt sáng nay, ông Trương Văn Hóa, Chủ tịch UBND xã Châu Hồng cho biết: "Hố sụt xuất hiện rạng sáng nay tại nhà bà Lê Thị Nga ở bản Na Hiêng, xã Châu Hồng, ngay trước cổng trụ sở xã Châu Hồng. Nhận thông tin chính quyền xã đã cử người đến hỗ trợ gia đình di chuyển tài sản, đồng thời cắm biển cảnh báo để đảm bảo an toàn".
Được biết, hố sụt ban đầu mới xuất hiện rộng chưa tới một mét, tuy nhiên mỗi lúc rộng ra, đến thời điểm 9h30 sáng nay đã rộng gần 10 mét. Nguy cơ nhà của bà Nga bị đổ sập rất cao.
Trước đó, trao đổi với Phóng viên Báo điện tử Dân Việt tại trụ sở UBND xã Châu Hồng, ông Trương Văn Hóa cho biết: "Hiện nay đã có 299 giếng nước bị cạn trơ đáy, 191/900 hộ dân bị nứt, hàng chục hố sụt xuất hiện trên địa bàn xã".
Hiện nay điều đáng lo ngại nhất là trường học và trụ sở UBND xã cũng xuất hiện những vết nứt gây nguy hiểm đến con người và tài sản.
Theo thông tin UBND xã Châu Hồng cung cấp, hiện ở xã có 11 doanh nghiệp khai thác khoáng sản, bao gồm 5 doanh nghiệp khai thác quặng, 7 doanh nghiệp khai thác đá. Và một trong những nguyên nhân nghi vấn dẫn đến sụt lún, giếng cạn bất thường là do khai thác khoảng sản gây ra.
Được biết, khoảng 3 tuần nay Liên đoàn địa chất Bắc Trung Bộ đang điều tra, nghiên cứu nguyên nhân gây ra tình trạng sụt lún, nứt nhà nhà, nước ngầm cạn kiệt.
Xử lý nhiều lãnh đạo xã ở Quỳ Hợp liên quan đến khai thác khoáng sản
Theo nguồn tin Phóng viên báo điện tử Dân Việt có được, Ủy ban kiểm tra Huyện ủy Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An ban hành hàng loạt Quyết định kỷ luật liên quan công tác tổ chức Đảng và đảng viên về thực hiện công tác lãnh đạo, chỉ đạo quản lý Nhà nước về khai thác, chế biến khoáng sản và bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện.
Theo đó, Uỷ ban Kiểm tra Huyện ủy đã thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với các ông: Lương Minh Quang, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Liên Hợp; Lô Thanh Đồng, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Liên Hợp; Lương Khánh Tùng, Phó Chủ tịch UBND xã Liên Hợp.
Kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với các ông Lưu Xuân Điểm, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Châu Cường; Sầm Phúc Thảo, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã Châu Cường; Quang Văn Thân, Phó Chủ tịch UBND xã Châu Cường.
Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng tiến hành thi hành kỷ luật đối với công chức địa chính xã Liên Hợp và công chức địa chính xã Châu Cường, xã Châu Lộc.
Trước đó, một số cán bộ chủ chốt xã Châu Lộc cũng đã bị xử lý kỷ luật do để xảy ra tình trạng khai thác đá trái phép trên địa bàn xã.
Thời gian qua tình trạng khai thác trái phép, chế biến gây ô nhiễm, buôn bán, đóng thuế, phí liên quan đến hoạt động khoảng sản ở Nghệ An đang "nóng" từ cuộc họp của Hội đồng nhân dân tỉnh đến các địa phương, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân cũng như thất thoát tài nguyên khoáng sản của quốc gia.
Hiện nay Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Nghệ An đang tiến hành kiểm tra một số doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện Quỳ Hợp, bước đầu đã đề nghị xử phạt vi phạm hàng chính một số doanh nghiệp hàng trăm triệu đồng và truy thu thuế hàng tỷ đồng.
Được biết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã chỉ đạo Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh ủy xem xét dấu hiệu vi phạm và đề nghị xử lý kỷ luật đối với tập thể, cá nhân thuộc thẩm quyền tại UBND huyện Qùy Hợp và các ngành liên quan.
Từ ngày 18/5 đến 25/5 Báo điện tử Dân Việt đã đăng tải loạt bài phản ánh tại hai tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa có nhiều mỏ khoáng sản đã và đang hoạt động, đặc biệt là khai thác đá vôi, đá trắng và quặng thiếc. Có những công trường hàng chục doanh nghiệp đang khai thác, vận chuyển, chế biến, tạo nguồn thu lớn đóng góp vào ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Vậy nhưng, phía sau những công trường khai thác khoáng sản lớn nhất bắc miền Trung còn ẩn chứa những hệ lụy.
Phóng viên Báo điện tử Dân Việt đã tìm hiểu, gặp gỡ, thâm nhập thực tế, làm việc với Chính quyền địa phương và Lực lượng chức năng liên quan. Qua đó, cho thấy những hậu quả để lại như ô nhiễm môi trường, sụt lún, nhiều vi phạm pháp luật, địa phương giàu khoáng sản nhưng nghèo về kinh tế… Đặc biệt là công tác quản lý đang "có vấn đề" có thể dẫn đến thất thoát tài nguyên quốc gia.
Loạt bài đưa lại bức tranh khai khoáng chân thực đang diễn ra ở hai thủ phủ lớn nhất bắc miền Trung bằng cái nhìn khách quan, thực tế với mong muốn công tác quản lý, khai thác, chế biến, đóng quỹ, thuế, phí… khắc phục hậu quả được thực hiện tốt hơn nữa trong thời gian tới.