Hệ lụy từ khai thác khoáng sản (Bài cuối): Cần giảm tác động môi trường, tạo việc làm cho cộng đồng địa phương

Văn Hoàng Thứ tư, ngày 25/05/2022 09:33 AM (GMT+7)
Một dự án khai khoáng hiệu quả cần giúp tăng thu ngân sách nhà nước thông qua các nghĩa vụ tài chính và đóng góp phát triển kinh tế đất nước, tạo công ăn việc làm cho cộng đồng địa phương, giảm thiểu tác động đến môi trường, xã hội và đời sống của cộng đồng địa phương nơi có hoạt động khai thác khoáng sản.
Bình luận 0

Clip: Hệ lụy từ những công trường khai thác khoáng sản "khủng" nhất bắc miền trung

Doanh nghiệp bảo vệ môi trường chưa tốt

Phóng viên Báo điện tử Dân Việt đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Giang Hoài, Đại biểu HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVII, nhiệm kỳ 2016-2021, hiện là Phó chủ tịch hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Nghệ An, Chủ tịch Hội doanh nghiệp nhỏ và vừa huyện Quỳ Hợp.

Sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh của Báo điện tử Dân Việt, ông Hoài cho biết: "Về vấn đề khai thác vượt công suất ở Nghệ An khoảng 5-6 năm trước đây có một vài mỏ cá biệt khai thác vi phạm".

Giải thích về trường hợp cá biệt, ông Hoài nói: "Có một doanh nghiệp xây dựng cơ bản mỏ, đến 2019 sản lượng thu được nhiều hơn, vẫn công suất khai thác đó và làm đúng thiết kế. 

Tuy nhiên, hàm lượng quặng trong đất đá có biến đổi, ví dụ vẫn đào 1.000 tấn đất đá 1 năm nhưng không phải thu được 5 tấn mà thu được 20 tấn quặng, doanh nghiệp đã có báo cáo lên tỉnh, do có đột biến cấu trúc nên xin nộp thuế hoặc tiền cấp quyền cao hơn, hoặc thăm dò để đánh giá lại hàm lượng quặng trong thực tế để đánh giá lại giấy phép".

Về công tác thực hiện Đánh giá tác động môi trường (ĐTM), cam kết bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp khai khoáng trên địa bàn, ông Hoài phân tích rằng "hiện nay phân cấp ĐTM, các giấy phép Bộ cấp thì hội đồng của Bộ sẽ thẩm định, phê duyệt ĐTM (tương tự tỉnh cấp thì hội đồng tỉnh phê duyệt, thẩm định). 

ĐTM đưa ra giải pháp, các hạng mục đối với bụi, chất thải rắn, sau đó có giấy nghiệm thu ĐTM xem đã làm đúng các hạng mục chưa (giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường) hầu hết các đơn vị đều có. Khai thác đá gây bụi không thể tránh khỏi. Ô nhiễm từ nhà máy và mỏ.

Hệ lụy từ những công trường khai thác khoáng sản (Bài cuối): Giảm tác động môi trường, tạo công việc cho cộng đồng địa phương - Ảnh 2.

Khai thác khoáng sản tại tỉnh Nghệ An đang để lại những hệ lụy cho người dân địa phương. Ảnh: ĐT

Ở góc độ người dân, ông Hoài đánh giá vấn đề thực hiện BVMT của các doanh nghiệp chưa tốt hẳn vì nguồn kinh phí hạn chế. Tiền phí môi trường doanh nghiệp nộp để khắc phục môi trường nhưng khoản này không được phân bổ về tỉnh (phân bổ cả những tỉnh không có mỏ).

Về tình trạng sụt lún đang diễn ra ở xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp ảnh hưởng đến hàng trăm hộ dân, gây hoang mang trong dư luận, nhiều người dân cho rằng do hoạt động khai khoáng gây ra. Theo ông Hoài, bản thân Châu Hồng là vùng đất nứt nẻ sụt lún. 

Trong các bài viết trước, Báo điện tử Dân Việt đã phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường, hư hỏng đường giao thông (tỉnh lộ 532) đoạn qua địa bàn huyện Quỳ Hợp. Về nội dung này, Chủ tịch Hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Quỳ Hợp cho biết: "Về phân cấp vốn duy tu, bảo dưỡng, cải tạo của tỉnh. Các doanh nghiệp hàng tháng vẫn góp tiền đổ bột đá lu lại. Để làm một con đường 6-7 chục tỷ, không đủ kinh phí".

Trong cấu trúc một sản phẩm khoáng sản có thuế tài nguyên, tiền thuế đất phí trả lại rừng, VAT, thuế xuất khẩu, còn phí môi trường... để phục vụ công tác phòng ngừa sự cố môi trường; quản lý môi trường; cải tạo môi trường, tạo cảnh quan nơi xảy ra hoạt động khoáng sản, do địa phương (cấp xã, huyện) thực hiện.

Hệ lụy từ những công trường khai thác khoáng sản (Bài cuối): Giảm tác động môi trường, tạo công việc cho cộng đồng địa phương - Ảnh 3.

Một hố sụt vừa mới xuất hiện gây đây tại xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An. Ảnh: DV

Được biết, đối với xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp tiền thu từ hoạt động khai khoáng mỗi năm không dưới 6 tỷ đồng với các mỏ, cả huyện khoảng 20 tỷ đồng, theo quy định của pháp luật phải phân bố khoản này cho các xã có hoạt động khoáng sản. Hiện nay khoản này được chia cho các xã như nhau, trong đó có những xã không có hoạt động khoáng sản nhưng vẫn được nhận.

Cộng đồng chịu sự tác động trực tiếp lại ít được hưởng lợi từ việc khai thác, chế biến khoáng sản

Sau khi đọc Loạt bài "Hệ lụy từ những công trường khai thác khoáng sản "khủng" nhất bắc miền Trung" Thạc sĩ chuyên ngành Khoa học Môi trường bà Nguyễn Minh Phương, hiện đang công tác tại Trung tâm Con người và Thiên nhiên (Pannature) là một chuyên gia trong Liên minh khoáng sản cho rằng "cần bảo hộ quyền lợi cộng đồng trên cơ sở đảm bảo tiếp cận đầy đủ thông tin cả dự án và phân bổ công bằng nguồn thu từ phí bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản".

Liên minh Khoáng sản là một mạng lưới gồm 7 tổ chức có mối quan tâm chung về quản trị hiệu quả tài nguyên khoáng sản và giảm thiểu các tác động về môi trường và xã hội của ngành công nghiệp khai khoáng ở Việt Nam. Liên minh khoáng sản gồm các thành viên: Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature), Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI), Diễn đàn các Nhà báo Môi trường Việt Nam (VFEJ), Hội Địa chất Kinh tế Việt Nam, Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Hà Giang.

Liên minh ra đời nhằm nâng cao nhận thức của các bên liên quan về minh bạch và trách nhiệm giải trình trong quản trị khoáng sản. Các hoạt động chính của Liên minh là nghiên cứu hiệu lực và tác động của các văn bản luật và dưới luật quản lý ngành công nghiệp khai khoáng ở Việt Nam cũng như hiện trạng quản lý nguồn thu từ công nghiệp khai khoáng, tác động môi trường – xã hội...

Theo bà Phương, đối với mỗi dự án khai thác khoáng sản (KTKS) được đánh giá là khai thác hiệu quả thì 3 tiêu chí đầu tiên cần đạt được bao gồm: Một là giúp tăng thu ngân sách nhà nước thông qua các nghĩa vụ tài chính và đóng góp phát triển kinh tế đất nước/địa phương. Hai là tạo công ăn việc làm cho cộng đồng địa phương. Ba là giảm thiểu/ít tác động đến môi trường, xã hội và đời sống của cộng đồng địa phương nơi có hoạt động khai thác khoáng sản.

Hệ lụy từ những công trường khai thác khoáng sản (Bài cuối): Giảm tác động môi trường, tạo công việc cho cộng đồng địa phương - Ảnh 6.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực khai khoáng, cộng đồng địa phương đang phải hứng chịu những hệ lụy và tác động tiêu cực do khai khoáng gây ra. Ảnh: Văn Hoàng

Tuy nhiên, trên thực tế cộng đồng mặc dù được xác định là chủ thể trực tiếp chịu sự tác động của hoạt động khai thác khoáng sản nhưng lại ít được hưởng lợi từ việc khai thác, chế biến khoáng sản. Nhiều khảo sát cũng chỉ ra rằng các xung đột hiện hữu giữa cộng đồng và các công ty khai khoáng xuất phát từ các vấn đề liên quan đến những tác động tiêu cực lên môi trường sống của cộng đồng.

Các rủi ro, xung đột gia tăng hơn ở các khu vực mà cộng đồng không được tiếp cận hoặc tiếp cận không đầy đủ các thông tin liên quan đến tác động môi trường – xã hội của dự án khai khoáng do không được tham vấn hoặc tham vấn không đầy đủ trong quá trình chủ đầu tư lập ĐTM.

Về phía các đơn vị khai thác khoáng sản, ngoài việc phải tuân thủ các biện pháp bảo vệ môi trường như đã cam kết trong ĐTM thì những đơn vị này vẫn phải đóng khoản phí bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản (phí BVMT) – đây là nghĩa vụ tài chính độc lập không liên quan đến chi phí thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường mà đơn vị khai thác khoáng sản đã nêu trong ĐTM.

Cần phân bổ và quản lý, sử dụng hiệu quả phí BVMT từ khai thác khoáng sản

Theo chuyên gia Liên minh khoáng sản thì khoáng sản là nguồn tài nguyên thiên nhiên không tái tạo, vì vậy, việc sử dụng hiệu quả nguồn thu từ khai thác khoáng sản nhằm quay trở lại địa phương tái đầu tư và phát triển kinh tế đồng thời hỗ trợ giảm thiểu những tác động từ việc khai thác khoáng sản đến môi trường và xã hội đặc biệt là là cần thiết và nên được ưu tiên hàng đầu.

Phí BVMT là một trong những khoản thu ngân sách mà địa phương (cụ thể là cấp huyện và cấp xã nơi có hoạt động khai thác khoáng sản) được hưởng 100% nguồn thu này được sử dụng để giảm thiểu và khắc phục những tác động xấu về môi trường do hoạt động khai khoáng gây ra theo quy định tại Điều 8 Nghị định 164/2016/NĐ-CP (thay thế Nghị định 12/2016/NĐ-CP ngày 19/02/2016).

img

Bà Nguyễn Minh Phương, chuyên gia thuộc Liên minh khoáng sản. Ảnh: Văn Hoàng

"Nộp phí BVMT trong khai thác khoáng sản không có nghĩa là doanh nghiệp khai thác không phải khắc phục các sự cố, tác động môi trường do hoạt động khai thác khoáng sản gây ra. Mà doanh nghiệp vẫn phải tuân thủ thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường và khắc phục các sự cố, rủi ro gây ra bởi hoạt động khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật" Bà Nguyễn Minh Phương nói.

Việc chưa hiểu đúng bản chất của phí BVMT, phân bổ phân tán nhỏ lẻ thiếu công bằng và sử dụng chưa đúng mục đích dẫn đến việc phân bổ chưa công bằng giữa các khu vực có nhiều hoạt động khai khoáng và khu vực ít có hoạt động khai khoáng là những bất cập tồn tại trong công tác thực thi chính sách về quản lý, sử dụng nguồn thu từ phí BVMT trong khai thác khoáng sản tại nhiều địa phương khiến cho việc sử dụng nguồn thu này trở nên kém hiệu quả hơn.

Theo loạt bài phóng sự "Hệ lụy từ những công trường khai khoáng "khủng" nhất bắc miền trung" đăng tải trên Báo điện tử Dân Việt cho thấy thực tế hiện nay không chỉ ở 2 tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa, hầu hết cộng đồng thậm chí là lãnh đạo cấp xã không biết đến quy định và thực tế khoản phí BVMT trong khai thác khoáng sản phải được phân bổ về địa bàn xã nơi có khai thác khoáng sản.

Nhiều địa phương sử dụng nguồn này để xây dựng các công trình nông thôn mới, các công trình văn hóa (theo điều tra nghiên cứu của PanNature năm 2017 tại Hòa Bình) dẫn đến các tác động về môi trường thì vẫn hiện hữu, mâu thuẫn về tác động môi trường vẫn gia tăng giữa cộng đồng và doanh nghiệp nhưng việc giải quyết, khắc phục các tác động môi trường thì vẫn không được giải quyết triệt để do phân bổ thiếu công bằng và chi sai mục đích nguồn tiền từ phí BVMT trong khai thác khoáng sản.

Hệ lụy từ những công trường khai thác khoáng sản (Bài cuối): Giảm tác động môi trường, tạo công việc cho cộng đồng địa phương - Ảnh 10.

Hiện nay nhiều địa phương dù không có mỏ khai thác khoáng sản trên địa bàn những vẫn được phân bổ tiền thuế, phí bảo vệ môi trường do hoạt động khai mỏ ở địa phương khác đóng. Ảnh một điểm khai thác đá tại thị trấn Yên Lâm, Yên Định, Thanh Hóa: Văn Hoàng

Khác với các khoản thu ngân sách thông thường, khoản thu từ phí BVMT có tính đặc thù riêng về việc sử dụng, do đó nhằm đảm bảo quyền lợi về môi trường cho cộng đồng dân cư sống gần khu vực khai thác, việc các địa phương xây dựng và ban hành quy định về quản lý phân bổ và sử dụng phí BVMT trong khai thác khoáng sản trên địa bàn của tỉnh là thực sự cần thiết.

Trong đó ưu tiên thứ nhất đưa ra nguyên tắc phân bổ cũng như những tiêu chí ưu tiên sử dụng, làm rõ nội dung chi được sử dụng và không được sử dụng nguồn thu từ phí BVMT. Hai là lập kế hoạch sử dụng phí BVMT dựa trên những nguyên tắc và căn cứ để đảm bảo sử dụng đúng và hiệu quả nguồn phí này. Ba là tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong việc giám sát sử dụng nguồn thu từ phí BVMT trong khai thác khoáng sản.

Để đảm báo tính công bằng, hiệu quả trong khai thác khoáng sản, việc quy định phân bổ nguồn lực tài chính từ phí BVMT về các cấp quản lý (huyện, xã) theo đúng quy định, tránh phân tán nhỏ lẻ trong đó đảm bảo bố trí ít nhất 50% tổng nguồn thu từ phí BVMT về các xã để ưu tiên giải quyết các tác động môi trường từ khai thác khoáng sản, trên cơ sở có sự tham gia của cộng đồng trong việc giám sát sử dụng nguồn lực tài chính, nhằm nâng cao hiệu quả của phí BVMT được sử dụng đúng mục đích cho công tác bảo vệ, đầu tư cho môi trường tại địa phương nơi có hoạt động khai thác khoáng sản.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem