Hệ lụy từ những công trường khai thác khoáng sản "khủng" nhất bắc miền Trung

Văn Hoàng Thứ tư, ngày 18/05/2022 08:21 AM (GMT+7)
Sống cạnh những công trường khai thác khoáng sản là "khổ", không chỉ người dân mà cả lãnh đạo địa phương cũng thừa nhận sự thật đó với phóng viên.
Bình luận 0

LTS: Nghệ An và Thanh Hóa là hai tỉnh có nhiều mỏ khoáng sản đã và đang hoạt động, đặc biệt là khai thác đá vôi, đá trắng và quặng thiếc. Có những công trường hàng chục doanh nghiệp đang khai thác, vận chuyển, chế biến, tạo nguồn thu lớn đóng góp vào ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Vậy nhưng, phía sau những công trường khai thác khoáng sản lớn nhất bắc miền Trung còn ẩn chứa những hệ lụy.

Phóng viên Báo điện tử Dân Việt đã tìm hiểu, gặp gỡ, thâm nhập thực tế, làm việc với Chính quyền địa phương và Lực lượng chức năng liên quan. Qua đó, cho thấy những hậu quả để lại như ô nhiễm môi trường, sụt lún, nhiều vi phạm pháp luật, địa phương giàu khoáng sản nhưng nghèo về kinh tế… Đặc biệt là công tác quản lý đang "có vấn đề" có thể dẫn đến thất thoát tài nguyên quốc gia.

Loạt bài viết sau đây của Phóng viên Báo điện tử Dân Việt đưa lại bức tranh khai khoáng chân thực đang diễn ra ở hai thủ phủ lớn nhất bắc miền Trung bằng cái nhìn khách quan, thực tế với mong muốn công tác quản lý, khai thác, chế biến, đóng quỹ, thuế, phí… khắc phục hậu quả được thực hiện tốt hơn nữa trong thời gian tới.

Hệ lụy từ những công trường khai thác khoáng sản "khủng" nhất bắc miền Trung - Ảnh 1.

Bùi đá bay mù mịt tại một mỏ đang đang khai thác tại huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ Anh. Ảnh: Văn Hoàng

 Bài 1: "Sương trắng" bên mỏ đá

Mọi hoạt động khai thác đá đều gây ra tiếng ồn và bụi đá bay khắp một vùng rộng lớn. Điều này đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cư dân địa phương cũng như môi trường xung quanh.

"Sắp sống không nổi rồi"

Gia đình bà H, ở bản Cà, xã Châu Quang, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An cả ngày lẫn đêm hứng chịu tiếng ồn, khói bụi từ nhà máy chế biến bột đá Trung Hải Nghệ An, dù chủ đầu tư của nhà máy đã xây một bức tường bằng đá rộng khoảng một mét, dài hàng trăm mét, cao quá nóc nhà bà H.

Phóng viên Dân Việt có mặt tại bản Cà lúc quá trưa, tiếng ồn vọng ra từ nhà máy khiến người dân đến gần đinh tai nhức óc. Bà H. cho biết: "Người dân sinh sống ở đây đã phản ánh bụi, tiếng ồn lớn, rung bởi nhà máy Trung Hải Nghệ An vận hành, trừ khi mất điện".

Ở giữa cánh đồng, cách nhà máy nghiền đá khoảng 300m, ông Nguyễn Văn Thinh, xã Châu Quang đang khơi thông dòng chảy lấy nước vào ruộng cho vụ lúa mới. 

Thấy phóng viên đến tìm hiểu ông Thinh bức xúc: "Tiếng ồn, khói bụi, sắp sống không nổi rồi, trên kia lá chuối xanh phủ một lớp màu trắng, bàn ghế sáng ra quét xong quay lại bụi phủ dùng tay vẽ lên bàn được".

"Vào buổi đêm dùng đèn sáng soi lên trời thấy bụi trắng như sương mù. Công ty làm 3 ca, tiếng ồn khiến loa của xóm thông báo nghe không biết trưởng xóm nói gì. Ngoài ra lâu ngày còn ô nhiễm nước". - ông Thinh lắc đầu chỉ tay về phía nhà máy chế biến đá nói.

Hệ lụy từ những công trường khai thác khoáng sản "khủng" nhất bắc miền Trung - Ảnh 2.

Xưởng chế biến đá trắng của Công ty Trung Hải Nghệ An nằm sát khu dân cư, dù đã xây bức tường cao quá nóc nhà dân những theo bà con tình trạng bụi, tiếng ồn vẫn ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống người dân nơi đây. Ảnh: Văn Hoàng

Được biết, trước tình trạng khói bụi, bà con đã nhiều lần phản ánh đến xóm, "muốn kiện cũng kiện của khoai, kiện trên đồi, chứ ai giải quyết cho được. Có hộ dân khi công ty xây tường bao quanh nhà máy, nước không chảy được nên tràn vào nhà cũng đang kêu mà chưa được giải quyết" - một người dân bản Cà, xã Châu Quang nói thêm.

Bị ảnh hưởng ít hơn, thậm chí đã được di dời một lần ra xa khỏi nhà máy, nhưng gia đình bà Vi Thị Huệ vẫn chưa tránh khỏi ô nhiễm bụi, tiếng ồn. Bà Huệ kể: "Trước đó nhà ở gần khu xưởng, dân phản ánh nên họ di chuyển 7 hộ dân trong đó có gia đình tôi, tưởng thoát cảnh ô nhiễm nhưng đến nay đâu lại vào đó".

Di chuyển xuyên qua bản Cà, xã Châu Quang, phóng viên đi dọc bức tường cao quá những nóc nhà dân bên cạnh, có đoạn đang được các công nhân hoàn thiện, hai bên đường lá cây phủ trắng lớp bột đá. Khi rung cành cây, bụi rơi lả tả xuống vũng nước ven đường. 

Làm việc với Phóng viên Báo điện tử Dân Việt tại trụ sở, ông Phạm Công Truyền, Chủ tịch UBND xã Châu Quang cho biết: "Trên địa bàn xã có 4 doanh nghiệp hoạt động khai thác, chế biến đá là Cường Hải, Quân Khu 4, An Lộc, Trung Hải, trước đây có xảy ra ô nhiễm, huyện, xã cũng đã kiểm tra và yêu cầu khắc phục, dù họ đã xây tường cao nhưng cũng chỉ khắc phục được phần nào. Về tiếng ồn thì không thể tránh khỏi".

Hệ lụy từ những công trường khai thác khoáng sản "khủng" nhất bắc miền Trung - Ảnh 3.

Bức tường được xây dựng bằng đá trắng để ngắn bụi, tiếng ồn ảnh hưởng đến khu dân cư ở xã Châu Quang, huyện Quỳ Hợp. Ảnh: Văn Hoàng

Khi được hỏi về việc trước khi xây dựng nhà máy nghiền đá chủ đầu tư có tham vấn ý kiến của người dân trong quá trình lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) không? Ông Truyền cho biết: "Thời gian khi thực hiện xây dựng nhà máy thì không có". Vị Chủ tịch xã hẹn sẽ cung cấp thông tin liên quan đến Công tác thực hiện cam kết bảo vệ môi trường của các công ty đang hoạt động trên địa bàn nhưng  đến nay chưa hồi âm.

Theo tìm hiểu của phóng viên, ô nhiễm tiếng ồn, khói bụi, nước thải từ các hoạt động khai thác, vận chuyển, chế biến khoáng sản (đá) gây ảnh hưởng đến cuộc sống người dân địa phương, môi trường xung quanh cũng đang diễn ra tương tự ở các xã Châu Hồng, Châu Tiến, Châu Cường,…thuộc huyện Quỳ Hợp.

Điều đáng nói, trong buổi làm việc với Phóng viên Dân Việt tại trụ sở UBND huyện Quỳ Hợp, ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch UBND huyện và ông Lê Sỹ Hào, Trưởng phòng TNMT huyện Quỳ Hợp không cung cấp được Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) hay Kế hoạch bảo vệ môi trường của bất kỳ công ty khai thác đá nào trên địa bàn huyện. Điều này cho thấy những lỗ hổng trong công tác quản lý môi trường đối với các dự án khai khác, chế biến khoáng sản trên địa bàn huyện Quỳ Hợp.

Hệ lụy từ những công trường khai thác khoáng sản "khủng" nhất bắc miền Trung - Ảnh 4.

Bụi đá từ các xưởng chế biến đá trên địa bàn huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An bám trắng ngọn cây xanh. Ảnh: Văn Hoàng

Những "thước phim câm" ở đại công trường khai thác đá Yên Lâm

Câu chuyện cũng xảy ra ở huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân thị trấn Yên Lâm về việc các mỏ khai thác, chế biến đá không tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn lao động, gây nên tình trạng ô nhiễm, nguy hiểm cho người khai thác và các phương tiện tham gia giao thông. Phóng viên Dân Việt đã dành thời gian đến Yên Lâm nhiều lần để tìm hiểu những gì đang điễn ra.

Ở bắc miền Trung nước ta, ngoài vùng đá nổi tiếng Quỳ Hợp, Quỳ Châu thuộc tỉnh Nghệ An còn có vùng khai thác đá được nhiều người biết đến, các sản phẩm đá nơi đây buôn bán ở nhiều nơi trong nước và quốc tế. 

Hầu hết các mỏ này đang hoạt động ở Yên Lâm. Việc nhiều mỏ đá được cấp phép trong một khu vực rộng lớn, với nhiều hình thức khai thác khác nhau đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và cuộc sống người dân nơi đây.

Bà Nguyễn Thị Q. ở xóm 8 thị trấn Yên Lâm đang cho đàn dê ăn cỏ thì giật bắn người khi tiếng mìn nổ phát ra, phía xa trên ngọn núi đá lăn ầm ầm xuống chân núi, bụi đá bay lên không trung. Ở phía xa theo hướng tay bà Q chỉ, trên các ngọn núi đá đang bị khoan, cắt, những chiếc máy xúc, máy cẩu bò lổm ngổm, vươn cần cào, múc.

Hệ lụy từ những công trường khai thác khoáng sản "khủng" nhất bắc miền Trung - Ảnh 5.

Bà Q, ở xóm 8, thị trấn Yên Lâm, huyện Yên Định hằng ngày chăn đàn dê bên các mỏ đá đang hoạt động tại thị trấn. Ảnh: Văn Hoàng

Đi sâu vào làng đá, từng chiếc xe tải chở đá hộc đến đổ vào máy nghiền cho ra các loại đá theo kích thước đã định sẵn. Giữa "làng đá" bám sát con đường chính là những khu xưởng cắt, xẻ các tảng đá to bằng cả gian nhà thành sản phẩm theo yêu cầu của khách hàng.

Những công đoạn khai thác đá không được thực hiện đúng như thiết kế khai thác và các biện pháp bảo vệ môi trường như đã cam kết của các tổ chức, cá nhân khai thác dẫn đến bụi đá bay mù mịt, nước thải chảy theo mương nước ra môi trường, bột đá đặc quánh được múc lên khỏi bể lắng tràn ra đường đi, tiếng máy móc hoạt động ầm ào. Thỉnh thoảng tiếng nổ mìn "long trời lở đất" lại vang lên.

Những hình ảnh vừa kể trên là những gì ghi nhận trước thời điểm chính quyền địa phương biết phóng viên có mặt. Cả "làng đá" Yên Lâm như vắng lặng khi nhóm phóng viên đến liên hệ với UBND huyện Yên Định và UBND thị trấn Yên Lâm, sự khác biệt có thể thấy rõ, gần như toàn bộ máy móc, thiết bị đang rầm rộ khai thác, chế biến, vận chuyển đá mà phóng viên ghi nhận trước đó đều án binh bất động. Làng nghề vắng lặng như những thước phim câm, dừng hình.

Hệ lụy từ những công trường khai thác khoáng sản "khủng" nhất bắc miền Trung - Ảnh 6.

Bên trong một xưởng chế biến đá tại thị trấn Yên Lâm. Ảnh: Văn Hoàng

Được biết, năm 2021 UBND huyện Yên Định đã tổ chức Thanh tra theo Quyết định số 888/QĐ-UBND ngày 15/4/2021 về kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn. 

Qua đó đã chỉ ra một số doanh nghiệp chấp hành chưa nghiêm các quy định của Nhà nước về khai thác, sản xuất, chế biến, sử dụng tài nguyên khoáng sản. Tình trạng khai thác khoáng sản ngoài phạm vi mỏ, khai thác vượt trữ lượng, chấp hành chưa tốt các quy định về BVMT trong khai thác khoáng sản gây búc xúc trong nhân dân.

PV đã trực tiếp làm việc với đại diện các cơ quan chức năng tại trụ sở UBND thị trấn Yên Lâm  gồm: ông Đoàn Quang Phi, Phó chủ tịch UBND thị trấn, ông Hoàng Văn Tiến – Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Yên Định, ông Nguyễn Hữu Quảng - Chủ tịch Hiệp hội làng nghề khai thác và chế biến đá Yên Lâm.

Ông Đoàn Quanh Phi, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Yên Lâm cho biết: "Tại thị trấn Yên Lâm hiện có 34 Doanh nghiệp hoạt động khai thác, chế biến đá. Một số doanh nghiệp hoạt động chế biến gây ảnh hưởng đến môi trường bởi sử dụng máy xay, máy nghiền gây bụi. 

Thời gian qua địa phương đã tuyên truyền các doanh nghiệp khi xay phải có nước để tránh trường hợp bụi bay ra và xay tránh giờ nghỉ (trưa, tối). Việc các xe chưa che chắn cẩn thận khi vận chuyển đá và xẻ đá gây ô nhiễm môi trường.

Hệ lụy từ những công trường khai thác khoáng sản "khủng" nhất bắc miền Trung - Ảnh 7.

Nước thải trong quá trình cắt, nghiền đá tại một xưởng chế biến đá tại thị trấn Yên Lâm, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa tràn ra môi trường. Ảnh: Văn Hoàng

Ông Phi chia sẻ thêm: "Khi kiểm tra doanh nghiệp chế biến cần quan sát bể lắng có ít nhất 3 bể lắng theo quy định, đảm bảo không để nước bẩn chảy ra môi trường, nhà xưởng đảm bảo bụi không ra ngoài". Nhưng cũng theo ông Phi việc khai thác chế biến đá mà 100% không ô nhiễm thì rất khó.

Còn ông Hoàng Văn Tiến, Trưởng Phòng TNMT huyện Yên Định cho rằng: "Việc khai thác không thể tránh khỏi ảnh hưởng đến môi trường, cố gắng để người dân không ý kiến là được, triệt để thì khó. Huyện không có thẩm quyền cấp mỏ, nhưng địa phương nào có mỏ là vất vả".

Đại diện phía làng nghề đá, ông Nguyễn Hữu Quảng thẳng thắn: "Việc phương tiện vận chuyển vật liệu xây dựng không thể tránh được ô nhiễm, tỉnh lộ 518C đi vào giữa làng nghề. Đây là đường người dân cả tỉnh đi chứ không phải đường của riêng làng nghề. Trước đây phía làng nghề cũng huy động các công ty đóng tiền để thuê xe tưới nước nhưng gần đây không còn hoạt động".

Hệ lụy từ những công trường khai thác khoáng sản "khủng" nhất bắc miền Trung - Ảnh 8.

Hoạt động khai thác, chế biến đá tại thị trấn Yên Lâm, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa diễn ra rầm rộ trước khi phóng viên liên hệ làm việc với lãnh đạo huyện, thị trấn. Ảnh: Văn Hoàng

Khi được hỏi về việc chấp hành cam kết bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn.Theo ông Quảng, hiện làng nghề đá Yên Lâm cơ bản chấp hành tốt công tác bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, còn 5 doanh nghiệp chưa thực hiện đầy đủ cam kết, thời hạn cuối cùng để thực hiện là tháng 6/2022. Sau thời gian đó nếu không thực hiện sẽ kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật.

Mời đọc giả đón đọc Bài 2: Vi phạm treo trên vách núi, tràn ra môi trường vào sáng ngày 19/5.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem