Hệ lụy từ những công trường khai thác khoáng sản "khủng" nhất bắc miền Trung (Bài 3): Nguồn thu đang chảy về đâu?

Văn Hoàng Thứ sáu, ngày 20/05/2022 08:37 AM (GMT+7)
Những tưởng sinh sống ở địa phương được thiên nhiên ban tặng nhiều loại khoáng sản có giá trị sẽ mang lại nguồn thu lớn cho người dân và địa phương. Thế nhưng những gì đang diễn ra ở vùng mỏ đang khiến người dân bất bình đến bất lực.
Bình luận 0

Giàu khoáng sản, nghèo kinh tế

Được biết, trong cấu trúc một sản phẩm khoáng sản có thuế tài nguyên, tiền thuế đất, ký quỹ môi trường, VAT, thuế xuất khẩu, phí bảo vệ môi trường, tiền cấp quyền khai thác...

Trong đó có khoản thu từ phí bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản theo quy định tại Nghị định 164/2016/NĐ-CP sẽ được dùng để phục vụ công tác phòng ngừa sự cố môi trường, quản lý môi trường, cải tạo môi trường, tạo cảnh quan nơi xảy ra hoạt động khoáng sản, và khoản thu này địa phương nơi thực tế diễn ra hoạt động khai thác khoáng sản được hưởng 100%.

Tuy nhiên trên thực tế theo ghi nhận của phóng viên, ở những nơi đang có hoạt động khai thác khoáng sản thì địa phương (cấp xã) chưa thực sự nhận được phân bổ từ nguồn thu này.

Hệ lụy từ những công trường khai thác khoáng sản "khủng" nhất bắc miền Trung (Bài 3): Nguồn thu đang chảy về đâu? - Ảnh 1.

Nguồn nước bị đổi màu, có dấu hiệu ô nhiễm do hoạt động khai thác khoáng sản gây ra ở thị trấn Quỳ Hợp, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An. Ảnh: Văn Hoàng

Dọc tuyến đường tỉnh ĐT 532 từ thị trấn Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An qua các xã Châu Lộc, Châu Tiến rất nhiều mỏ đá đang được khai thác, nhà máy chế biến cũng vận hành hết công suất. bà H, xóm Lộc Tiến, xã Châu Tiến vừa ngơi tay làm cỏ vườn nói với phóng viên trong tiếng ầm ầm của máy đập đá: "Nhà tôi ở đây chưa thấy được hưởng gì ngoài bụi đá và tiếng ồn".

Cách nhà bà H vài trăm mét, bên cạnh bãi đá thải màu trắng chất cao như núi, gần lối vào Xí nghiệp khai thác số 2 của Công ty Trung Hải Nghệ An có hàng chục ngôi nhà đóng cửa im lìm, có nhà bạt quây kín. Sát đường tỉnh nhiều nhà dân đã chuyển đi nơi khác nhường chỗ cho các hoạt động khai thác đá, những ngôi nhà xây kiên cố bị phá hủy dang dở như vừa bị một trận pháo kích đánh trúng.

Trao đổi với phóng viên tại trụ sở làm việc, ông Lang Văn Hanh, Chủ tịch UBND xã Châu Tiến cho biết: "Châu Tiến là xã giàu tài nguyên, hiện có hai mỏ khai thác thiếc và đá có giải quyết được lao động phổ thông cho địa phương. Còn tiền phí bảo vệ môi trường khai thác người dân không được hưởng gì từ nguồn thu đó, chỉ được "hưởng" bụi bặm, tiếng ồn, lũ lụt do khai thác đá làm tắc các hang đá tự nhiên không thoát được nước, năm 2009 ngập một nửa xã miền núi này.

Hệ lụy từ những công trường khai thác khoáng sản "khủng" nhất bắc miền Trung (Bài 3): Nguồn thu đang chảy về đâu? - Ảnh 2.

Theo người dân thôn Lộc Tiến, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Hợp thì hoạt động khai khoáng gây hỏng đường giao thông, bụi đá ảnh hưởng đến hoa màu của bà con, còn tiếng ồn thì ở mỏ đá nào cũng có. Ảnh: Văn Hoàng

Tiếp tục đi dọc "tuyến đường đau khổ" bậc nhất tỉnh Nghệ An đang ngày đêm bị "băm nát" bởi xe tải trọng lớn chở đá qua lại. 

Phóng viên di chuyển theo những chiếc xe đầu kéo chở đá trắng "kéo" bụi tung mù mịt khi chúng di chuyển. Đến xã Châu Hồng, nơi có trụ sở làm việc 2 tầng khang trang.

Tại phòng làm việc của mình, ông Trương Văn Hóa – chủ tịch UBND xã Châu Hồng nói: "Trụ sở UBND xã mới được xây dựng, các doanh nghiệp hoạt động ở địa phương đóng góp không đáng kể. Còn hậu quả do khai thác khoáng sản để lại thì thấy rõ".

Ông Hóa lấy ví dụ: "Đường tỉnh lộ là tuyến đường huyết mạch của xã mà đã hơn 20 năm bị xe tải quần nát nhưng không được sửa chữa, thỉnh thoảng doanh nghiệp đổ vật liệu lấp ổ gà, mùa hè nắng bụi, mùa mưa xảy ra nhiều tai nạn giao thông, đi lại rất vất vả. Mỗi lần tôi ra trung tâm huyện họp dù trời nắng vẫn phải mặc áo mưa vì bụi".

Hệ lụy từ những công trường khai thác khoáng sản "khủng" nhất bắc miền Trung (Bài 3): Nguồn thu đang chảy về đâu? - Ảnh 4.

Xe tải chở đá dii chuyển trên đường từ thị trấn Quỳ Hợp vào xã Châu Tiến, Châu Hồng gây bụi bay mù mịt. Ảnh: Văn Hoàng

Đó là chưa kể có những doanh nghiệp sau khi khai thác hết hạn giấy phép hoặc không còn khoáng sản đã bỏ đi nơi khác mà không hoàn thổ đúng như cam kết. 

Dù các doanh nghiệp có ký quỹ bảo vệ môi trường nhưng cũng chưa hoàn thiện hết nghĩa vụ của mình, hoặc tiền ký quỹ thấp hơn cả tiền thực hiện hoàn thổ nên doanh nghiệp thà bỏ tiền ký quỹ hơn là thực hiện nghĩa vụ hoàn thổ phục hồi môi trường, điều này để lại hậu quả lớn cho địa phương.

"Xã Châu Hồng có nhiều hoạt động khoáng sản, cư dân địa phương trực tiếp hứng chịu ảnh hưởng nhưng trên thực tế không được hưởng nhiều từ phí bảo vệ môi trường" - ông Hóa nói. Mặc dù Châu Hồng là một trong những xã có nhiều mỏ và nhiều doanh nghiệp hoạt động nhất nhì của huyện Quỳ Hợp - 13 doanh nghiệp với 12 mỏ đang hoạt động.

Là người đứng đầu chính quyền xã và nhiều năm công tác ở UBND xã nên ông Trương Văn Hóa hiểu rất rõ niềm mong mỏi của người dân đang sinh sống ở vùng đất giàu khoáng sản nhưng nghèo kinh tế. Ông mong muốn: "Cần tu sửa tuyến đường tỉnh lộ 532 cho bà con đi lại thuận tiện. Mong doanh nghiệp thực hiện đúng cam kết bảo vệ môi trường, có trách nhiệm và ủng hộ bà con nhân dân nhiều hơn nữa".

Hệ lụy từ những công trường khai thác khoáng sản "khủng" nhất bắc miền Trung (Bài 3): Nguồn thu đang chảy về đâu? - Ảnh 5.

Thời gian gần đây ở Quỳ Hợp xảy ra nhiều vụ sụt lún, nhà dân bị nứt được cho là do hoạt động khai thác quăng thiếc gây nên. Ảnh một mot khai thác quặng thiếc ở xã Châu Tiến, Quỳ Hợp: Văn Hoàng

Hiện nay trên địa bàn xã Châu Hồng có một số công ty khai thác khoáng sản đang hoạt động như Công ty Kim loại màu, Công ty Hà An, Công ty Hồng Lương, Công ty Tân Hoàng Khang, Công ty Duyên Hằng, Công ty Trung Hải Nghệ An, Công ty Phú Thắng, Công ty 747, Công ty Chính Nghĩa, Công ty Á Châu… Có một số công ty đã không còn hoạt động ở địa phương nhưng chưa hoàn thổ như tại mỏ đá Phủ Quỳ của Công ty đá Phủ Quỳ .

Đặc biệt, thời gian gân đây hiện tượng sụt lún, nứt nhà xảy ra nhiều hơn ở Quỳ Hợp, người dân địa phương cho rằng nguyên nhân là do hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn.

Ông Nguyễn Giang Hoài, Chủ tịch Hiệp Hội doanh nghiệp vừa và nhỏ huyện Quỳ Hợp cho biết: Tỉnh lộ 532 phân cấp vốn duy thu, bảo dưỡng, cải tạo của tỉnh. Các doanh nghiệp hàng tháng vẫn góp tiền đổ bột đá lu lại. Để làm một con đường 60 - 70 tỷ đồng, không đủ kinh phí. Một năm xã Châu Hồng thu không dưới 6-7 tỷ đồng tiền phí bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản với các mỏ, cả huyện 20 tỷ, theo luật phải phân bố khoản này cho các xã có hoạt động khoáng sản.

Hiện nay khoản này được chia cho các xã như nhau (trong đó có các xã không có hoạt động khoáng sản những vẫn được nhận như nhau). Chúng tôi đã kiến nghị Sở tài chính, UBND tỉnh, nhưng làm việc này còn liên quan đến luật phân bổ ngân sách.

"Nơi nào chịu nhiều tác động từ khai thác phải được hưởng nhiều hơn"

Không riêng gì các xã Châu Tiến, Châu Hồng, tại xã Châu Quang nằm sát thị trấn Quỳ Hợp, ông Phạm Công Truyền, Chủ tịch xã Châu Quang khi làm việc với phóng viên tại trụ sở cũng nói "địa phương chưa được hưởng lợi gì từ khai thác đá".

Theo tìm hiểu của phóng viên, khi mỏ dừng khai thác, đơn vị đó phải thực hiện đề án đóng của mỏ, tỉnh thành lập hội đồng thẩm định đề án đó, phê duyệt đề án xong sẽ thực hiện đóng cửa mỏ, chọn nhà thầu xây dựng, sau đó thẩm định xem đã đúng đề án đóng của mỏ.

Đối với việc phục hồi môi trường sau khai thác, trước khi được cấp phép mỏ phải nộp quỹ vào 1 tài khoản hay còn gọi là ký quỹ bảo vệ môi trường, sau khi đóng cửa mỏ, nếu doanh nghiệp thực hiện phục hồi môi trường thì lấy lại tiền đó, còn nếu không làm thì quỹ này lấy ra để thuê đơn vị khác phục hồi môi trường.

Hệ lụy từ những công trường khai thác khoáng sản "khủng" nhất bắc miền Trung (Bài 3): Nguồn thu đang chảy về đâu? - Ảnh 7.

Hoạt động khai thác khoáng sản tại Nghệ An đang phải đánh đổi giữa môi trường và kinh tế rất lớn. Công tác hoàn thổ sau khai thác ở một số nơi chưa được thực hiện như cam kết của doanh nghiệp. Ảnh: Văn Hoàng

Với cương vị lãnh đạo cấp huyện, ông Nguyễn Đình Tùng – Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp cho biết: "Mấy năm vừa rồi, huyện đã thành lập Đoàn liên ngành chống thất thu thuế, đã giải quyết được nhiều vấn đề, tăng thu ngân sách. Tuy nhiên huyện mới bỏ cách đây mấy tháng do trái với quy định của Luật thuế".

Được biết, một năm hoạt động khoáng sản nói chung trên địa bàn huyện Quỳ Hợp nộp vào ngân sách nhà nước khoảng 300-350 tỷ đồng, ngoài ra còn có khoản tỉnh Nghệ An giao cho huyện thu (năm 2021 thu 180 tỷ), một số doanh nghiệp tỉnh thu (theo phân cấp); hoặc doanh nghiệp sản xuất kinh doanh ở Quỳ Hợp nhưng đăng ký nộp thuế ở địa bàn khác như họ nộp tại Hải quan cảng Hải Phòng, cảng Nghi Sơn (Thanh Hóa), cảng Cửa Lò xuất khẩu theo đường hàng không, đường bộ.

Tiếp tục nói về vấn đề được hưởng gì từ các hoạt động khai thác đá trên địa bàn, ông Tùng thẳng thắn: "Trong khi, Nghị đinh 203/2013/NĐ-CP và Luật Khoáng sản quy định rõ về tiền cấp quyền và tiền trúng đấu giá phải phân bổ lại lại cho địa phương nơi có khoáng sản (xã, huyện) để phát triển kinh tế và NĐ 164/2016/NĐ-CP quy định tiền phí bảo vệ môi trường được phân bổ cho địa phương khắc phục hậu quả môi trường do hoạt động khai khoáng gây ra, nhưng địa phương hiện nay hòa chung các khoản trên vào ngân sách địa phương và chi theo Luật ngân sách gây mâu thuẫn với Luật Khoáng sản quy định, đã đề nghị cấp trên xem xét"

Khi phóng viên đặt câu hỏi về vấn đề minh bạch trong thu thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường thì cơ quan thuế không trực tiếp đi kiểm tra, doanh nghiệp hiện nay tự kê khai sản lượng, có những doanh nghiệp được cấp phép 30 năm mà chưa đến 3 năm đã khai thác hơn số sản lượng được phép, có doanh nghiệp được cấp phép khai thác đá thông thường nhưng khai thác đá hoa trắng dẫn đến nguồn thu không thực chất, đánh giá trữ lượng không chuẩn, lỗi trong thẩm định và kê khai. 

Vậy chính quyền địa phương đã vào cuộc như thế nào để đảm bảo nguồn thu và xác nhận đúng loại đá? Đã chấn chỉnh như thế nào? Về nội dung này ông Tùng giới thiệu phóng viên sang ngành thuế để trao đổi.

Hệ lụy từ những công trường khai thác khoáng sản "khủng" nhất bắc miền Trung (Bài 3): Nguồn thu đang chảy về đâu? - Ảnh 8.

Nhiều hộ dân ở xã Châu Tiến đã phải dời chỗ ở để nhường cho hoạt động khai thác đá. Ảnh: Văn Hoàng

Về vấn đề thuế trong khai thác khoáng sản nói chung và đá nói riêng ở tỉnh Nghệ An, ông Trịnh Thanh Hải - Cục trưởng Cục thuế tỉnh Nghệ An đã giải trình tại Kỳ họp thứ 4, Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An khóa XVIII đầu tháng 12/2021.

Theo đó, tại kỳ họp ông Hải nói: "Trong hoạt động quản lý thuế, khai thác khoáng sản trên địa bàn, Cục thuế hiện quản lý 294 tổ chức doanh nghiệp có khai thác khoáng sản và nộp thuế tài nguyên, bảo vệ môi trường. Năm 2020 đã nộp 869 tỷ, riêng 11 tháng năm 2021 đã nộp 1.125 tỷ, gần 8% tổng thu ngân sách.

Tuy nhiên, hoạt động khai thác khoáng sản là lĩnh vực nhạy cảm, nhiều rủi ro. Thời gian qua, ngành đã triển khai tham mưu nhiều biện pháp chống thất thu thuế, đơn cử như xây dựng các định mức tiêu hao vật liệu nổ trong khai thác khoáng sản về đá, tiêu hao năng lượng trong chế biến đá, xác minh hàng hóa qua cảng, các đơn vị khác, tham mưu thành lập các đoàn liên ngành ở Quỳ Hợp, đã góp phần chống thất thu ngân sách.

Năm 2020 triển khai 86 đoàn thanh tra, kiểm tra, truy thu hơn 25 tỷ; 11 tháng năm 2021 thực hiện 60 đoàn, truy thu 15,6 tỷ. Tuy nhiên công tác quản lý tài nguyên nói chung, thu ngân sách nói riêng đối với hoạt động khai thác khoáng sản còn nhiều bất cập. Trong đó, có 2 hiện tượng: Khai thác trái phép, khai thác vượt công suất thiết kế.

Tuy phát hiện ra nhưng ngành Thuế không có đủ thẩm quyền, chức năng xác định thực tế sản lượng khai thác. Cục đã có văn bản gửi Sở TNMT, Bộ TNMT giải quyết vấn đề này để làm cơ sở xác định mức thuế phải nộp để chống thất thu ngân sách".

Hệ lụy từ những công trường khai thác khoáng sản "khủng" nhất bắc miền Trung (Bài 3): Nguồn thu đang chảy về đâu? - Ảnh 9.

Khai khoáng mang lại nguồn thu lớn cho tỉnh Nghệ An. Tuy nhiên, tình trạng khai thác trái phép gây nên tình trạng thất thu thuế. Ảnh: ĐT

Chuyện tương tự cũng xảy ra ở tỉnh Thanh Hóa, ông Đoàn Quang Phi, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Yên Lâm nói: "Theo quy định, năm 2021, xã được hưởng 20% phí BVMT, 10% thuế tài nguyên. Theo đúng Luật Khoáng sản, các doanh nghiệp trên địa bàn nào phải có trách nhiệm đóng góp xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng của địa bàn đó. Trước đến nay xã cũng đã vận động doanh nghiệp về chính sách xã hội, năm hết tết đến đóng góp cho các hộ khó khăn. Đúng ra mà nói nơi nào chịu nhiều tác động từ khai thác phải được hưởng nhiều hơn".

Ở cấp quản lý cao hơn, ông Hoàng Văn Tiến – Trưởng phòng TNMT huyện Yên Định khẳng định "thời gian tới sẽ hành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra chuyên ngành từng nội dung như giám sát việc kê khai thuế, thực hiện các công tác bảo vệ môi trường".


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem