Thông tin với PV Dân Việt chiều nay (31/5), ông Nguyễn Đức Thanh-Tham tán Công sứ Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Italia cho biết: Trong số 100 container (conts) của 6 công ty xuất khẩu Việt Nam cho nhóm 5 công ty nhập khẩu Italia thì Thương vụ phối hợp với các đơn vị đã kịp thời dừng không giao 26 conts. Trong số 74 conts đã giao sang Italia thì phía ta đã kịp thời dừng một số conts tại cảng transit ở Singapore… cho quay trở lại Việt Nam. Một số conts đã và đang trên đường đến cảng Italia thì Thương vụ đôn đốc nhà xuất khẩu đòi lại ngay lập tức những bộ chứng từ gốc (BCTG) mà DHL ở Italia chưa giao cho ngân hàng nhóm mua. Cuối cùng ta chỉ bị mất kiểm soát 35 BCTG.
Trong số 39 conts còn BCTG chúng ta đã giải quyết được toàn bộ đưa về Việt Nam, bán luôn cho các nước khác và bán vào Italia.
Trong số 35 conts mất BCTG, đã giải quyết được 30 conts đưa về Việt Nam, bán luôn cho các nước khác và bán vào Italia vì các nhà xuất khẩu đã phải đặt cọc/bảo lãnh ngân hàng cho các hãng tàu để hãng tàu trả lại quyền sở hữu và làm lại BCTG mới.
"Chỉ còn 5 conts nằm lại tại cảng Italia từ đầu tháng 3, tháng 4 đến nay vì số cont này của 3 công ty nhỏ và không có đủ khả năng hoặc không muốn chuyển tiền đặt cọc/bảo lãnh ngân hàng cho các hãng tàu để hãng tàu trả lại quyền sở hữu mà chờ có Phán quyết Tòa trả lại sở hữu cho Việt Nam để chở về Việt Nam/bán cho người mua khác"-ông Thanh nói.
Về tiến trình đưa ra Tòa án ở Italia, ông Thanh cho biết, như các báo cáo trước đây, ngày 5/3/2022 Thương vụ đã xử lý ngay lập tức khi nhận được "Đơn kêu cứu" của 1 doanh nghiệp.
Ngày 6/3, nhận "Đơn kêu cứu" của doanh nghiệp thứ hai là Thương vụ đã cảm nhận đây là một vụ lừa đảo lớn nên một mặt hướng dẫn doanh nghiệp xử lý tức tốc đòi lại BCTG đang và đã chuyển tới Italia mà chưa bị nhóm lừa nhận, đồng thời thúc giục doanh nghiệp phải yêu cầu luật sư tại Việt Nam làm việc với Trung tâm Trọng tài Quốc tế-VIAC, Tòa án Kinh tế, Tòa Hình sự ra phán quyết khẩn cấp.
Ông Thanh nhớ lại: "Sáng ngày 7/3/2022, doanh nghiệp cho biết có thể VIAC ra được Phán quyết khẩn cấp, Thương vụ yên tâm là Hãng tầu sẽ tuân thủ phán quyết ra lệnh chi nhánh bên cảng Italia dừng không giao hàng cho bất cứ ai kể cả có BCTG. Nhưng sau đó được tin là VIAC không làm được việc này nên Thương vụ thúc đẩy Công ty Luật Italia làm việc ngay với doanh nghiệp Việt và ngay lập tức gửi Đơn kiện đầu tiên ra Tòa hình sự Italia và liên tiếp đâm đơn đi các tòa dân sự và hình sự tại Italia".
"Đồng thời Thương vụ chúng tôi gửi công văn đi khắp các nơi (Chính quyền cảng, Hải quan, Cảnh sát Kinh tài, Quân cảnh Cảng) và khởi hành đi lên cảng Genova làm việc với các cơ quan trên và được sự hỗ trợ của hãng tàu, các cơ quan tại Cảng và công ty luật nên đã kịp thời dừng ngay không giao những conts đầu tiên mới đến cảng và nhóm lừa đảo đang nộp phí cảng ở Napoli và đòi lấy hàng bằng BCTG mà họ đã bằng cách nào đó chiếm đoạt được mà chưa hề trả một đô la nào cho công ty xuất khẩu Việt Nam", ông Thanh nói tiếp.
Theo ông Thanh, ngày 8/3/2022, Thương vụ mới nhận được "viber group" của Hiệp hội Vinacas và thúc Hiệp hội phải gửi ngay công văn về vụ việc cho các Bộ ngành, Thương vụ Đại sứ quán.
Từ tháng 3/2022, đoàn điều tra của Thương vụ Đại sứ quán, Thông tấn xã Việt Nam thường trú tại Italia đã đến các ngân hàng, DHL, các Phòng Thương mại khu vực nơi 5 công ty lừa đảo Italia đăng ký kinh doanh và đến tất cả các địa điểm theo đăng ký kinh doanh, theo hợp đồng họ nêu ra với nhà xuất khẩu Việt Nam và các địa chỉ thêm khác do các Phòng Thương mại khu vực cung cấp thêm, kể cả các địa chỉ của các công ty kiểm toán cho các công ty trong nhóm lừa đảo.
Nhưng kết quả là 4/5 công ty là công ty "ma" không gặp trực tiếp được ai, không có địa chỉ đó, không có công ty nào ở các địa chỉ đăng ký, không gặp được công ty kiểm toán kế toán... và đoàn công tác đã cung cấp các thông tin này cho Luật sư và Tòa và các cơ quan công quyền Italia để sử dụng trong quá trình điều tra xử lý.
Ông Thanh cho biết, từ đầu tháng 4/2022, Thẩm phán của Tòa án dân sự đã đưa ra lịch cho phiên điều trần đầu tiên vào ngày 27/5/2022; như vậy sẽ hơi muộn khiến container điều dễ bị hư hỏng.
"Công ty luật của nhóm bán Việt Nam đề nghị Thẩm phán cho xét xử nhanh và sớm hơn ngày 27/5/2022 nhưng Thẩm phán không đồng ý, vẫn quyết định chỉ có thể xử vào ngày 27/5 như đã thông báo. Vì vậy, Công ty luật của nhóm bán phải đề nghị Thương vụ Đại sứ quán hỗ trợ đến làm việc với Tòa cho xét xử và ra phán quyết sớm"-ông Thanh nói.
Đoàn công tác Thương vụ Đại sứ quán đã đến làm việc với Chủ tịch Tòa Larino, ông Michele Russo. Tham tán Công sứ trình bày sự việc, nêu những lý do cần một phán quyết khẩn cấp. Tham tán Công sứ cũng đưa ra những hình ảnh dẫn chứng về sự không tồn tại của các công ty mua do đoàn công tác đã thu thập được. Vì vậy, việc trả lại quyền sở hữu cho người bán là hành động thể hiện công lý được thực thi, một phán quyết khẩn cấp cần được đưa ra để hàng hóa được giải phóng khỏi cảng.
Ông Thanh lưu ý là luật sư bên Italia gửi hồ sơ đến Tòa án theo đường thư điện tử bảo đảm theo hệ thống riêng và không cần phải nộp hồ sơ giấy tờ. Luật sư cũng không được gặp riêng Thẩm phán mà chỉ có thể hẹn và gặp Thẩm phán cùng với luật sư các bên liên quan. Do đó việc tác động đến Thẩm phán theo con đường thông thường không hề dễ dàng nhưng nếu có con đường khác mà ai đó tận dụng thì là câu chuyện khác.
"Sau hai lần xét xử của Tòa dân sự Larino, luật sư nhóm bán Việt Nam rất lo ngại là ảnh hưởng của mafia lên vụ việc và cũng như Thương vụ đã báo cáo là nhóm lừa đã bị ta cản trở họ lừa 20 triệu USD nên họ tìm mọi cách không được ăn thì đạp đổ"-ông Thanh nói thêm.
Luật sư của ta đã về Việt Nam để làm việc với Trung tâm Trọng tài Quốc tế-VIAC bên cạnh Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các Tòa án kinh tế ở TP. Hồ Chí Minh để ra phán quyết và đem phán quyết sang trình các tòa bên Italia để đòi thực thiện.
Mặt khác, từ tháng 3/2022, Thương vụ Đại sứ quán, Thông tấn xã đã cùng Lãnh sự Danh dự Napoli đi làm việc với chính quyền cảng, Carabinieri, Cảnh sát Kinh tài, Cơ quan chống mafia nên các cơ quan này đã vào cuộc điều tra riêng vì nhóm người lừa đảo chủ yếu từ khu vực này.
Tòa án dân sự và hình sự cảng Genova cũng chuyển hồ sơ kiện về thành phố Napoli phối hợp với các hồ sơ trước đó của Thương vụ Đại sứ quán và Lãnh sự Danh dự nên các Công tố viên Napoli tích cực vào cuộc...
Kết quả đến hôm nay, phán quyết của Tòa án dân sự Larino và Công tố thành phố Napoli đã trả lại quyền sở hữu của 3 conts của nhóm công ty lừa đảo nằm trong phạm vi tố tụng của các tòa này. Còn 2 conts hiện hãng tàu Cosco chưa đồng ý trả cho 1 công ty Việt Nam khác do chưa có đặt cọc/bảo lãnh và cũng chưa có phán quyết tương ứng của tòa khu vực. Chúng ta cùng với luật sư và Lãnh sự Danh dự sẽ tiếp tục xử lý. Nhưng như vậy tất cả 35 conts mất BCTG đã được giải quyết và trong mấy ngày tới, 5 cont cuối cùng trong số này sẽ được giao trả cho Việt Nam để bán cho khách hàng khác.
Đồng thời, chúng ta cùng với luật sư cũng phải tiếp tục yêu cầu các hãng tàu phải trả lại các khoản tiền đặt cọc/bảo lãnh ngân hàng (từ 18 tháng đến 6 năm thời hạn) cho các công ty xuất khẩu Việt Nam đã phải nộp cho hãng tàu từ tháng 3, 4 để được lấy 30 conts trước đây khi chưa có phán quyết tòa.
Có thể nói, nhờ công tác huy động nhanh chóng mọi nguồn lực trực tiếp, gián tiếp để xử lý vụ việc; từ việc ngay lập tức đến gặp chính quyền cảng, Cảnh sát Kinh tài, Quân cảnh, hãng tầu, luật sư lập hồ sơ kiện khắp các tòa dân sự hình sự tại các địa phương cho đên việc đánh động toàn ngành ngân hàng tài chính Italia liên quan xuất nhập khẩu, chúng ta đã thành công trong xử lý vụ việc.
Về phía Việt Nam, từ Thủ tướng chỉ đạo 5 Bộ ngành vào cuộc, cả dư luận vào cuộc. Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp, Bộ GTVT, Bộ Công an đến nay đã triển khai làm việc thúc đẩy Interpol phối hợp với Interpol Italia và các ngành an ninh cảnh sát Italia để đưa nhóm lừa đảo ra vành móng ngựa.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có thư gửi Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Tài chính, Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Cộng hòa Italia đề nghị các bên cùng phối hợp tham gia hỗ trợ giải quyết sự việc, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các doanh nghiệp Việt Nam là những tác động cụ thế, nhanh chóng, quyết liệt khiến các cơ quan chính quyền Italia cũng cảm nhận sức nóng của vụ việc.
Thành công bước đầu của các phán quyết dù tạm thời cũng là thành công quyết định đã trả lại quyền sở hữu các lô hàng cho các doanh nghiệp Việt Nam. Chúng ta vẫn còn nhiều công việc, hồ sơ tòa tiếp theo phải xử lý bên Italia. Sự hỗ trợ từ Trung tâm VIAC, các Tòa kinh tế, hình sự tại Việt Nam vẫn rất cần thiết. Thương vụ ĐSQ thấy việc Bộ Công an ta hỗ trợ thúc đẩy xử lý vụ việc với các cơ quan liên quan ở trong nước cũng như với Interpol sẽ rất hiệu quả về lâu dài giải quyết dứt điểm vụ việc này hoàn toàn có lợi chính đáng cho phía Việt Nam.