Dân Việt

"Hãy cho con đi học bơi trước khi làm tiến sĩ, kỹ sư..." (Bài 2)

Ngọc Vũ 02/06/2022 08:00 GMT+7
Để phòng, chống đuối nước cho trẻ em, những năm qua có một số cá nhân, tổ chức đoàn thể xã hội đã ngăn kênh mương, ao hồ, sông suối… để dạy bơi cho trẻ em. Tuy nhiên, đó chỉ là những giải pháp tạm thời, áp dụng ở phạm vi hẹp, hiệu quả chưa cao.

Phòng chống đuối nước cho trẻ: Dạy bơi cho trẻ trong "bể bơi" tự chế

10 năm nay, cứ mỗi dịp hè người ta lại thấy thầy giáo Nguyễn Viết Tước (Trường Tiểu học và THCS Hải Vĩnh, xã Hải Hưng, huyện Hải Lăng, Quảng Trị) ngăn kênh thuỷ lợi N1 tại địa phương để dạy bơi miễn phí cho trẻ em.

Tìm lời giải phòng chống đuối nước cho trẻ em: Những giải pháp tạm thời (Bài 2) - Ảnh 1.

Thầy giáo Nguyễn Viết Tước (Trường Tiểu học và THCS Hải Vĩnh, xã Hải Hưng, huyện Hải Lăng, Quảng Trị) ngăn kênh thuỷ lợi N1 tại địa phương để dạy bơi miễn phí cho trẻ em. Ảnh: Ngọc Vũ.


Là người con Hải Lăng – huyện chiêm trũng, rốn lũ của địa phương, thầy Tước và nhân dân nơi đây luôn nơm nớp nỗi lo trẻ em đuối nước. Thầy Tước đã chứng kiến nhiều cái chết vì sông nước đầy xót xa, nạn nhân chủ yếu là học sinh.

Nhằm hạn chế những tiếng khóc xé lòng vì đuối nước, năm 2012, thầy Tước quyết định mở lớp dạy bơi miễn phí cho học sinh. Không có bể bơi, thầy Tước phải dùng các thanh tre gác ngang dòng kênh thuỷ lợi, biến nơi đây thành "bể bơi".

Lớp dạy bơi miễn phí đầu tiên của thầy giáo làng có 100 em theo học và hầu hết sau đó đều biết bơi. Những năm sau, số lượng học sinh đăng ký theo học tăng dần, mỗi năm khoảng 170 em.

Thầy Tước cho biết, không chỉ dạy kỹ năng bơi lội mà còn dạy các em kiến thức căn bản về phòng chống đuối nước, cứu hộ, cứu nạn.

Đến nay, thầy Tước đã dạy khoảng 1.500 em biết bơi và hiểu biết một số kỹ năng phòng tránh đuối nước. Tháng 5/2021, thầy Tước vinh dự được Bộ GDĐT tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác triển khai phòng, chống đuối nước cho trẻ em, học sinh trong nhà trường.

Ngoài những cá nhân đặc biệt như thầy Tước, một vài năm trở lại đây có một số tổ chức, đặc biệt là đoàn thanh niên cũng ngăn kênh mương, sông suối để dạy bơi cho trẻ em.

Tìm lời giải phòng chống đuối nước cho trẻ em: Những giải pháp tạm thời (Bài 2) - Ảnh 2.

Đoàn thanh niên xã Vĩnh Hà ngăn suối dạy bơi cho trẻ em. Ảnh: N.V.

Trong các xã vùng cao huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị), xã đoàn Vĩnh Hà là đơn vị đầu tiên dạy bơi miễn phí cho trẻ em. Không có bể bơi, đoàn thanh niên xã phải tìm một khúc suối khá bằng phẳng. Sau đó, họ dùng tre và nhiều can nhựa ghép thành những ô chữ nhật, tổng diện tích khoảng 100m2, tạo thành "bể bơi".

Trong mùa hè năm nay (2021), xã đoàn Vĩnh Hà đã dạy cho 40 trẻ nhỏ biết bơi.

Không chỉ Vĩnh Hà, xã đoàn ở nhiều địa phương khác cũng dựng "bể bơi", dạy bơi cho trẻ em bằng phương thức trên.

Phòng chống đuối nước cho trẻ: Giải pháp đầu ngọn, vô vàn khó khăn

Tâm sự với chúng tôi, thầy Tước cho biết, dạy bơi ở kênh thuỷ lợi khó quản lý, độ nguy hiểm, rủi ro cao cho cả thầy và trò.

"Nhiều người nói tôi dạy bơi như vậy là ăn cám trả vàng. Đúng thật, tôi dạy bơi không lương lá gì, cám không có mà ăn, nhưng lỡ có bất trắc thì phải trả vàng, tự chịu trách nhiệm" – thầy Tước tâm sự.

Tìm lời giải phòng chống đuối nước cho trẻ em: Những giải pháp tạm thời (Bài 2) - Ảnh 3.

Không có bể bơi, phụ huynh ở thôn Võ Xá, xã Trung Sơn, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị phải đưa con em mình ra sông Bến Hải để tập bơi, nhưng hiệu quả không cao.

Theo thầy Tước, việc ngăn kênh mương, ao hồ, sông suối để dạy bơi cho trẻ em chỉ là giải pháp cấp bách, tạm thời, phạm vi hẹp. Muốn giải quyết vấn đề mang tính gốc rễ cần xây dựng bể bơi, dạy bơi ngay trong trường học.

Có bể bơi trong trường học sẽ thuận lợi hơn trong việc dạy bơi, áp dụng đại trà, diện rộng và có tính trách nhiệm cao hơn trong mỗi nhà trường.

Theo thầy Tước, sau khi dạy các em biết bơi ở trường học, nhà trường cần đưa học sinh ra thực tế để trải nghiệm môi trường tự nhiên nhằm nâng cao kỹ năng của mình.

Chị Trần Thị Thu – Bí thư Tỉnh đoàn Quảng Trị cho biết, dịp hè năm nay, các cấp đoàn cơ sở đã tổ chức được 60 lớp dạy bơi và kỹ năng phòng chống đuối nước cho trẻ em bằng cách ngăn sông suối, kênh mương. Tuy nhiên, việc dạy bơi bằng cách đó gặp nhiều khó khăn vì phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên, thời tiết…, nước cạn thì nghỉ dạy. Các lớp dạy bơi này không thể duy trì thường xuyên, khả năng tiếp cận cũng như hiệu quả chưa cao, bởi không phải em nào cũng có điều kiện đến lớp học bơi.

Tìm lời giải phòng chống đuối nước cho trẻ em: Những giải pháp tạm thời (Bài 2) - Ảnh 4.

Chị Trần Thị Thu – Bí thư Tỉnh đoàn Quảng Trị cho rằng, dạy bơi dạng tự phát trong bể bơi “tự chế” gặp nhiều khó khăn, hiệu quả chưa cao. Ảnh: N.V.

Theo chị Thu, điều cốt lõi nhất để hạn chế trẻ em chết đuối là dạy cho trẻ biết bơi. Muốn đạt hiệu quả cao phải xây dựng bể bơi và dạy bơi ngay trong trường học.

Kinh phí để xây dựng bể bơi khá lớn, một mình nhà trường không thể đảm đương. Vì vậy, ngoài ngân sách nhà nước cần có sự đồng lòng đồng sức, xã hội hoá, huy động kinh phí từ doanh nghiệp, nhà hảo tâm, phụ huynh… mới làm được.

Theo thầy Nguyễn Viết Tước, có phụ huynh sẽ cho rằng, góp tiền xây bể bơi nhưng con em mình chỉ cần học trong vài tuần, vài tháng là có thể biết bơi, như vậy là lãng phí tiền. Nhưng nếu suy nghĩ kỹ hơn, khi con em mình biết bơi sẽ có khả năng bảo vệ tính mạng trước sông nước suốt cả đời người. Vì vậy, mỗi phụ huynh cần chung tay đóng góp để nhà trường xây dựng bể bơi, dạy bơi cho con em mình.

Hơn nữa, bể bơi còn phải bảo dưỡng, thay nước… nên việc duy trì một khoản kinh phí thường xuyên là rất cần thiết.

"Ngày trước, phụ huynh luôn bắt con dành nhiều thời gian học văn hoá cho thật giỏi. Nhưng ngày nay, sau quá nhiều vụ trẻ em chết đuối, họ bắt đầu thay đổi tư duy, sắp xếp lại thời gian cho con đi học bơi. Bởi học bơi vừa là sân chơi rèn luyện thể chất vừa bảo vệ tính mạng con em mình. Hãy cho con học bơi, biết bơi trước khi nghĩ đến làm tiến sĩ, kỹ sư…" – thầy Tước chia sẻ.

Còn tiếp