Trả món nợ ân tình, thầy giáo làng hơn 12 năm dạy bơi miễn phí

Quỳnh Nga Thứ sáu, ngày 20/07/2018 07:30 AM (GMT+7)
Hơn 12 năm nay, thầy giáo Lê Văn Tùng (SN 1977, Trường THCS Cẩm Trung, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) mở lớp dạy bơi miễn phí giúp hàng ngàn em nhỏ có kỹ năng bơi lội, phòng tránh đuối nước.
Bình luận 0

img

Từ khi được nhà hảo tâm hỗ trợ bể bơi di động, thầy bắt đầu cải tạo vườn trong nhà, lắp đặt mái che chống nắng với tổng chi phí gần 100 triệu đồng. Ảnh: Q.N   

Trả món nợ ân tình

Dưới cái nắng như thiêu, như đốt của những ngày đầu tháng 7, chúng tôi tìm đến lớp dạy bơi miễn phí của thầy Tùng tại xóm 7, xã Cẩm Trung. Chào đón chúng tôi là hình ảnh một người thầy với nụ cười thân thiện, dáng người dong dỏng cao, nước da ngăm đen nhưng tác phong nhanh nhẹn, nét mặt phúc hậu.

"Mặc dù đã được tổ chức từ thiện tặng bể bơi miễn phí, các em học sinh không còn phải ra sông học bơi nguy hiểm luôn rình rập nữa nhưng với nhu cầu học bơi ngày càng lớn như thế này tôi mong sẽ có thêm khoảng 2 đến 3 bể nữa mới có thể đáp ứng được nhu cầu học bơi của các em”.

Thầy Lê Văn Tùng

Thầy Tùng tốt nghiệp khoa Thể chất, Trường ĐH Vinh (Nghệ An), từng công tác tại một vài trường khác trước khi về Trường THCS Cẩm Trung từ năm 2005, cho đến nay.

Từng có ý tưởng dạy bơi miễn phí cho trẻ em, nhưng phải đến khi về công tác tại ngôi trường ngay trên quê hương của mình, thầy Tùng mới có điều kiện để thực hiện ý tưởng của mình.

Nghĩ là làm cho được, ngay trong năm đầu về Trường Cẩm Trung, thầy Tùng đã tự khảo sát, nắm bắt tình hình rồi đề xuất xin lãnh đạo nhà trường cho phép mình tổ chức dạy bơi miễn phí cho học sinh của trường ở vùng hạ lưu sông Rác thuộc 2 xã Cẩm Trung và Cẩm Lĩnh, sát biển Cửa Nhượng.

Thấy đây là điều cần làm, lãnh đạo nhà trường ủng hộ ngay. Chính quyền xã Cẩm Trung và Cẩm Lĩnh cũng đồng ý cho thầy Tùng dạy bơi và giao đoàn thanh niên hỗ trợ thầy khi cần thiết.

Nhớ lại quãng thời gian hơn 12 năm gắn với “nghiệp” dạy bơi, thầy Tùng kể: Để mở được lớp tôi đã phải bỏ ra hơn 1 tháng trời tranh thủ thời gian ở nhà lội xuống sông Rác đi khảo sát hơn 7km mới tìm được địa điểm. Khi tìm được địa điểm dạy bơi thì lại đi xin tre về đóng cọc rồi mua dây dăng làm hành lang an toàn, để khi bơi các em không vượt ra vùng quá sâu nguy hiểm.

"Thời gian đầu chỉ có khoảng 40 em tham gia học thôi vì thời điểm ấy phụ huynh còn sợ không dám cho con đi học. Tôi phải đến gõ cửa từng nhà, thuyết phục và cam đoan đảm bảo an toàn cho các em”, thầy Tùng nhớ lại.

Nói về lý do gắn bó với công việc “vác tù và hàng tổng” này, thầy Tùng cho biết: “Năm lên 7 tuổi, tôi cưỡi trâu sang bên kia sông để chăn cùng bạn nhưng khi ra đến giữa dòng, con trâu trở nên hoảng loạn khiến tôi bị rơi xuống nước. Chới với và chìm dần, giữa lúc đó tôi chỉ kịp nghe tiếng người phụ nữ đang gặt lúa gần đó gào thét: Có người bị đuối nước, cứu nó… Sau nay tôi mới biết, người phụ nữ đó có con trạc tuổi tôi bị chết đuối cũng ở đoạn sông này".

Câu chuyện ấy cứ ám ảnh mãi tới tận bây giờ. Nó cũng thôi thúc, giúp thầy Tùng quyết tâm tập bơi. Sau này lại phải chứng kiến nhiều em học sinh bị đuối nước do không biết bơi nên thầy càng quyết tâm mở lớp dạy bơi miễn phí này. "Âu cũng là trả món nợ ân tình người đã cứu sống tôi”, thầy chia sẻ.

Trong suốt hơn 12 năm mở lớp dạy bơi miễn phí dọc sông Rác gặp không ít khó khăn, địa điểm mà thầy Tùng dạy bơi cũng chỉ là bãi sông nơi chân cầu Cẩm Lĩnh hay bãi biển Thiên Cẩm với những cơ sở vật chất khá đơn sơ.

“Nhiều lần tôi đã định bỏ cuộc vì hoàn cảnh khó khăn, không có đủ kinh phí để duy trì hoạt động. Hơn nữa, dạy bơi cho học sinh trên sông rất nguy hiểm, chỉ cần mình lơ là một chút cũng có thể ảnh hưởng đến tính mạng của các em. Nhưng nghĩ đến cảnh các em phải chết oan vì không có kĩ năng bơi lội mà tôi cứ lần nữa mãi không thể từ bỏ”- thầy Tùng tâm sự.

Dạy hơn 2.000 trẻ em biết bơi

img

   Hơn 12 năm nay, thầy Tùng vẫn luôn kiên trì mở lớp dạy bơi miễn phí cho học sinh. Ảnh: Q.N

Với sự cống hiến miệt mài không biết mệt mỏi thầy giáo Lê Văn Tùng đã được đền đáp xứng đáng. Ngoài những tấm bằng khen của Trung ương Đoàn, tháng 8.2012, thầy còn được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen, Bộ Giao thông - Vận tải cũng tặng thầy tặng kỷ niệm chương và Ủy ban An toàn giao thông quốc gia tuyên dương vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào đảm bảo an toàn giao thông.

Đến nay, sau hơn 12 năm thành lập, lớp học bơi của thầy giáo Tùng đã có hơn 2.000 em học sinh tham gia và chắc chắn, con số này sẽ còn tăng lên gấp nhiều lần trong một vài năm tới. Điều đặc biệt, lớp học bơi đó hoàn toàn miễn phí, học sinh và các bậc phụ huynh không phải đóng góp bất cứ đồng tiền nào.

Đặc biệt, đầu năm 2017, thầy được tổ chức từ thiện tặng một bể bơi di động dài 10m, rộng 5m, cao gần 1,5m. Khi có bể bơi, thầy bắt đầu cải tạo vườn trong nhà, lắp đặt mái che chống nắng với tổng chi phí gần 100 triệu đồng.

Có lẽ, không có từ ngữ nào để diễn tả niềm vui của thầy và trò, bởi các em không còn phải ra sông  tập bơi với bao hiểm nguy luôn rình rập, thay vào đó các em được học ở môi trường an toàn hơn.

Mọi cơ sở vật chất cần thiết, đích thân thầy giáo Tùng sẽ xin ủng hộ từ các tổ chức từ thiện và tự thầy sẽ bỏ tiền túi để mua sắm cho lớp học.

Thầy Tùng cho biết: "Học sinh quê mình còn nghèo lắm nên mình quyết định không lấy tiền của các em. Mọi đồ dùng học tập mình cố gắng mua sắm bằng tiền của cá nhân mình hoặc xin vận động từ các tổ chức từ thiện. Mình chỉ mong các em học sinh của mình sẽ bơi tốt để tự tin qua những khúc sông sâu, đò đầy và để các bậc phụ huynh yên tâm mỗi độ hè về mà thôi".

Hớn hở dắt hai con đến lớp dạy bơi của thầy Tùng, chị Nguyễn Thị Lài ở huyện Cẩm Xuyên chia sẻ: “Nhà tôi gần sông, nguy cơ đuối nước với những đứa con của mình là rất lớn. Trước đây, tôi nhiều lần định đưa con sang tận Vinh để cho nó học bơi nhưng nay có lớp học của thầy Tùng nên vui lắm. Thầy dạy không lấy tiền, lại tập bơi ở sông, biển nên điều kiện ứng dụng tốt. Hai đứa con của tôi nhờ thầy Tùng nay đã bơi rất giỏi, chúng tôi cũng yên tâm phần nào mỗi khi chúng có hoạt động gì phía ngoài sông, ngoài biển”.

Hơn 12 năm bền bỉ, liên tục mở lớp dạy bơi, đến nay số học viên của thầy không chỉ dừng lại ở các em học sinh trong xã mà những xã ở trong Kỳ Anh và các xã ở phía nam Cẩm Xuyên như thị trấn Cẩm Xuyên, xã Cẩm Quan, xã Cẩm Quang… hằng ngày vẫn đều đặn đưa con đến lớp học của thầy.

Ông Nguyễn Văn Tiến – Chủ tịch UBND xã Cẩm Trung cho biết: “Thầy Tùng tuy hoàn cảnh gia đình còn khó khăn nhưng thầy đã làm được việc hết sức ý nghĩa. Lớp học này vừa tạo nên một sân chơi và trang bị kiến thức cho các em học sinh tránh bị chết đuối. Mỗi năm hè về cũng là lúc các em  học sinh có nguy cơ bị đuối nước nhiều nhất, vậy nên lớp học của thầy Tùng đã giúp phụ huynh yên tâm hơn hẳn”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem